Năm vừa qua, thị trường giải trí Việt Nam chứng kiến cơn sốt concert chưa từng có. Từ những tên tuổi gạo cội đến các nghệ sĩ trẻ, ai nấy cũng đua nhau tổ chức đêm diễn để gặp gỡ người hâm mộ và khẳng định dấu ấn cá nhân. Không chỉ ở Hà Nội hay TP.HCM, các sân khấu ngoài trời ở khắp tỉnh thành cũng liên tục sáng đèn, cho thấy nhu cầu thưởng thức âm nhạc live của công chúng đang ngày 1 tăng cao.
Tuy nhiên, trong không khí sôi động ấy, có một yếu tố khách quan xảy đến không ai mong muốn -mưa bão. Không ít concert thời gian qua đã phải đối mặt với tình hình thời tiết bất lợi, từ mưa phùn lất phất đến những cơn mưa xối xả kéo dài suốt đêm. Dù đã có sự chuẩn bị, nhiều nghệ sĩ, khán giả và BTC vẫn rơi vào tình huống dở khóc dở cười, thậm chí có show còn bị gián đoạn hoặc thay đổi kế hoạch vào phút chót, gây ảnh hưởng nặng nề.
Superfest 2025: Giông bão, mưa đá quần quật, BTC ra thông báo tạm hoãn
Superfest 2025 - Concert Mùa Hè Rực Sáng là 1 trong những đêm nhạc được mong đợi nhất tháng 7 này, tạo nên vũ trụ Anh Tài - Chị Đẹp gồm Bằng Kiều, Hà Lê, SOOBIN, Binz, Jun Phạm, Cường Seven, Minh Tuyết, Phạm Quỳnh Anh, Minh Hằng, Tóc Tiên, Bùi Lan Hương, Dương Hoàng Yến… Theo đúng kế hoạch, Superfest 2025 sẽ được tổ chức tại quảng trường Sun Carnival, Hạ Long (Quảng Ninh), vào ngày 19/7.
Vài tiếng trước giờ G, Hạ Long nổi giông bão kéo dài, khiến toàn thành phố gần như tê liệt. Gió lốc cuộn từng cơn, nước trút xuống xối xả và mưa đá cũng được ghi nhận tại nhiều địa điểm. Tình hình thời tiết cực đoan còn khiến sân khấu chính bị sập, gây hư hỏng hệ thống thiết bị. Để đảm bảo an toàn, BTC chương trình đã ra thông báo tạm hoãn Superfest 2025.



Tình hình thời tiết cực đoan còn khiến sân khấu chính bị sập, gây hư hỏng hệ thống thiết bị
Đội ngũ ekip đang tích cực làm việc với các bên để tìm ra ngày tổ chức mới, mang đến những trải nghiệm trọn vẹn nhất, bày tỏ mong muốn được bù đắp cho tất cả khán giả đã mua vé. Vì cơn bão vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, BTC khuyến cáo mọi người tìm chỗ trú an toàn, không đến gần khu vực quảng trường Sun Carnival.
GAMA Music Racing Festival 2025: Mây đen, mưa rào trước giờ G
Tối 28/6 vừa qua, GAMA Music Racing Festival 2025 - đại tiệc âm nhạc kết hợp thể thao giải trí đầu tiên tại Việt Nam - đã chính thức diễn ra tại Công viên bờ sông Sài Gòn. Sự kiện quy tụ dàn line-up chất lượng gồm nhiều gương mặt được yêu thích gồm Chi Pu, Kay Trần, Tăng Duy Tân, MONO, Mỹ Mỹ, DJ Mie, MC Trần Anh Huy và nhóm xiếc MQ.
Trước giờ G, mây đen kéo đến rợp trời, mưa đổ xuống rả rích trong suốt 20 phút. Không ít người hâm mộ bày tỏ quan ngại khi đêm diễn rục rịch khai màn, chưa chuẩn bị áo mưa hay ô trước thời tiết đột ngột chuyển biến xấu đến vậy. Tuy nhiên, mưa ngớt ngần, mây đen cũng tan biến ngay khi đại nhạc hội bắt đầu.


Trước giờ G, mây đen kéo đến rợp trời, mưa đổ xuống rả rích trong suốt 20 phút
K-Star Spark: G-Dragon và dàn sao lẫn khán giả "quẩy" hết mình dưới cơn mưa như trút kéo dài từ tối đến đêm
K-Star Spark - đại nhạc hội Kpop - Vpop kết hợp tại SVĐ Mỹ Đình vào tối 21/6, đã quy tụ khoảng 40 nghìn khán giả và dàn nghệ sĩ đình đám gồm G‑Dragon, CL, DPR IAN, TEMPEST, tripleS và Quang Hùng MasterD. Dù trời âm u từ chiều, mưa chỉ thực sự trút xuống khi đêm diễn bắt đầu. Dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, không khí vẫn vô cùng hào hứng, xen lẫn tinh thần "đu idol bất chấp", đặc biệt từ cộng đồng fan G‑Dragon.



Dù mưa lớn nhưng dàn nghệ sĩ vẫn quẩy hết mình với khán giả
Các nghệ sĩ bất chấp mưa gió, vẫn quẩy nhiệt hết mình với người hâm mộ. Xuyên suốt chương trình, mưa rơi nhẹ hạt cho đến khi G-Dragon xuất hiện, cũng là lúc mưa to nhất, trắng xóa cả bầu trời. Khoảnh khắc anh Long phiêu dưới cơn mưa đầu hè, bóng lưng đen nổi bật bữa không gian mưa trắng mờ mịt, đã khiến MXH đảo điên. Nhiều người trêu vui là cảnh tượng “rồng tắm mưa”.
Thời tiết tuy gây khó khăn, nhưng chính nó tạo nên một trải nghiệm khó quên, khiến đêm diễn trở thành huyền thoại, đậm chất phim điện ảnh và đong đầy cảm xúc.
Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2024: Mưa kéo dài khiến nước dâng cao, BTC buộc dời lịch
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam theo dự kiến sẽ diễn ra vào đêm 14/6 tại Huế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 khiến việc hoàn thiện sân khấu gặp cản trở lớn. Sân khấu đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2024 được thiết kế theo mô hình thực cảnh, đặt ngoài trời bên bờ sông Hương. Hệ thống khán đài có sức chứa tới 6.000 chỗ ngồi, cùng hàng trăm tấn thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu… đã được đội ngũ kỹ thuật thi công liên tục suốt nhiều ngày.
Tuy nhiên, yếu tố thời tiết bất thường tại thành phố Huế, với những trận mưa lớn kéo dài kèm mực nước sông dâng cao, đã khiến toàn bộ kế hoạch buộc phải thay đổi. Tối 12/6, ban tổ chức chính thức phát đi thông báo lùi lịch tổ chức đêm chung kết sang ngày 27/6, nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng chương trình khi diễn ra.



Yếu tố thời tiết bất thường tại thành phố Huế, với những trận mưa lớn kéo dài kèm mực nước sông dâng cao, đã khiến toàn bộ kế hoạch buộc phải thay đổi
Concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai Day 6: Mưa lớn suốt 6 giờ, đèn LED sập nguồn, dàn nghệ sĩ phải ứng biến
Tối ngày 15/6, đêm thứ 6 của hành trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã được tổ chức tại quảng trường trung tâm Vinhomes Ocean Park 3. Ngay từ khoảng 18h30, khi các nghệ sĩ bước ra sân khấu, trời bắt đầu nổi gió lớn rồi bất ngờ đổ mưa như trút. Cơn mưa kéo dài không ngớt suốt 6 tiếng đồng hồ, biến cả sân khấu ngoài trời thành một “bể nước mini”. Không chỉ nghệ sĩ mà cả ekip kỹ thuật đều phải chạy đua với thời tiết từng phút một.

Trời bắt đầu nổi gió lớn rồi bất ngờ đổ mưa như trút. Cơn mưa kéo dài không ngớt suốt 6 tiếng đồng hồ
Sân khấu trơn trượt, nhiều đoạn mất tín hiệu đèn và hình ảnh LED, tồi tệ nhất là tình huống mất điện diện rộng kéo dài gần 30 phút khiến chương trình buộc phải tạm dừng. Tổ kỹ thuật làm việc trong tình trạng căng thẳng tột độ khi vừa che chắn thiết bị điện tử khỏi bị dính nước, vừa tìm cách khôi phục âm thanh - ánh sáng để đảm bảo an toàn biểu diễn.


Sân khấu trơn trượt, nhiều đoạn mất tín hiệu đèn và hình ảnh LED, tồi tệ nhất là tình huống mất điện diện rộng
Khi màn hình LED lẫn âm thanh không hoạt động, các Anh Tài đã “nảy số” đem loa kẹo kéo lên sân khấu, vừa giao lưu với khán giả, vừa hát chay không nhạc. Người hâm mộ còn cao hứng hát Quốc ca như 1 cách để thể hiện sự đoàn kết và tình cảm to lớn tới 33 Anh Tài cùng ekip đang cố gắng để vận hành buổi concert thứ 4 tại Hà Nội được hoàn thiện nhất.
Concert Anh Trai Say Hi Day 6: Mưa liên tục khiến fan ngấm lạnh kiệt sức, xe cứu thương túc trực bên ngoài
Theo dự báo, tối 10/5 sẽ có đợt không khí lạnh tràn về, kèm mưa dông diện rộng tại Hà Nội. Đúng như dự kiến, sau khoảng 20h cùng ngày, khi concert Anh Trai Say Hi Day 6 đã kéo dài hơn một giờ, cơn mưa lớn trút xuống sân vận động Mỹ Đình. Cơn mưa rào trút xuống như thác, dẫn đến tình cảnh nhiều khán giả phải bỏ về vì không thể gắng gượng nổi. Thậm chí, một số người có sức khỏe yếu, vì ngấm mưa lâu trở nên suy nhược mệt mỏi, đã được cõng vào khu vực ý tế để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. 1 xe cứu thương còn được điều động vào khu vực fanzone để sẵn sàng ứng cứu.
Dù vậy, hàng chục nghìn khán giả mặc áo mưa, đứng kín khu vực fanzone và khán đài, tiếp tục quẩy nhạc dù điều kiện thời tiết không có dấu hiệu khả quan hơn. Dù sân khấu trơn trượt, mưa gió thổi vù vù nhưng dàn nghệ sĩ nam vẫn giữ thái độ chuyên nghiệp, biểu diễn hết mình để đêm nhạc khép lại thật trọn vẹn.



Cơn mưa rào trút xuống như thác, dẫn đến tình cảnh nhiều khán giả phải bỏ về vì không thể gắng gượng nổi
Vẫn là bài toán nan giải không ai mong muốn
Có thể nói, tổ chức concert ngoài trời tại Việt Nam hiện nay là một cuộc chơi nhiều rủi ro, khi yếu tố thời tiết gần như có thể định đoạt thành bại của cả 1 sự kiện. Từ cơn mưa bất chợt, mưa rào kéo dài đến giông bão cực đoan, tất cả đều có thể khiến một đêm nhạc được tổ chức công phu trở nên công cốc.
Về thiệt hại, con số thất thoát cho mỗi đêm diễn bị ảnh hưởng bởi mưa bão là không nhỏ: chi phí thiết kế - thi công sân khấu, dàn âm thanh ánh sáng hàng chục tỷ đồng, công sức của hàng trăm nhân sự trong suốt nhiều tháng chuẩn bị có thể “đổ sông đổ biển” chỉ sau vài giờ mưa bão lớn. Những yếu tố phát sinh như đền bù vé, hủy đặt khách sạn, thuê mặt bằng, trả lương ngoài giờ cho ekip, chi phí bảo trì hoặc thay mới thiết bị bị hỏng hóc do nước mưa... đều khiến kinh phí đội lên gấp nhiều lần so với kế hoạch.
Với những show quy mô tầm trung, khoản lỗ có thể từ vài tỷ đến chục tỷ đồng. Còn với những đại nhạc hội lớn, mức thiệt hại có thể lên đến hàng chục tỷ, chưa kể tổn thất từ các nhãn hàng, thương hiệu. Ngay cả khi chuẩn bị sẵn các phương án chống mưa, lắp mái che hay chống thấm cho thiết bị, nguy cơ bị gián đoạn hoặc thiệt hại vẫn luôn hiện hữu.
Không chỉ về mặt tài chính, rủi ro thời tiết còn kéo theo những nguy hiểm trực tiếp đối với khán giả, nghệ sĩ và ekip: sân khấu trơn trượt dễ gây tai nạn, hệ thống điện tử ngấm nước, sự cố chập cháy, hoặc tình trạng khán giả bị sốc nhiệt, kiệt sức do mưa lạnh kéo dài. Dù nỗ lực chống chọi, nhưng bản thân nghệ sĩ, khán giả hay ekip cũng chỉ biết cầm cự trước điều kiện thời tiết khó khăn.
Vấn đề nằm ở chỗ, thời tiết là sự cố rủi ro không thể kiểm soát hoàn toàn. Công nghệ khoa học dự báo chỉ giúp cảnh báo sớm ở mức tương đối, không thể đảm bảo chắc chắn 100% về tình hình mưa gió trong thời gian dài. Chính vì vậy, mỗi lần tổ chức show ngoài trời, NSX gần như đã đánh cược một phần thành công vào thời tiết.
Trong bối cảnh khán giả ngày càng chuộng sân khấu ngoài trời với không gian mở và trải nghiệm tự nhiên, rủi ro thời tiết đang trở thành “kiếp nạn” khó tránh cho thị trường concert quốc nôi. Với đặc thù khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, đây là bài toán đau đầu mà bất kỳ đơn vị tổ chức nào cũng phải cân nhắc kỹ khi tổ chức show ngoài trời tại Việt Nam - bất chấp những hậu quả tiềm tàng cả về tài chính lẫn sự an toàn.