Bài ca ra trận – bộ phim ra đời vào năm 1974, dưới bàn tay nghệ thuật của đạo diễn Trần Đắc, là một trong những tượng đài điện ảnh hiếm hoi về đề tài chiến tranh có sức sống lâu dài và bền bỉ đến vậy.
Không đi theo lối mòn của những trận đánh ác liệt, không ngồn ngộn khói lửa hay tiếng súng, tác phẩm như bài thơ điện ảnh, kể về lòng yêu nước, tình yêu và nghị lực vượt lên nghịch cảnh của những người trẻ tuổi trong khói lửa chiến tranh.

Bộ phim "Bài ca ra trận" là một trong những tượng đài điện ảnh hiếm hoi về đề tài chiến tranh.
Phim xoay quanh Nam (Lê Dũng Nhi đóng) - chiến sĩ trẻ bị mù mắt sau trận chiến và điều trị tại quân y viện. Trong sự tuyệt vọng, những hồi ức trong trẻo và sự chăm sóc tận tình của cô y tá Mai (Như Quỳnh đóng) đã khơi lại ngọn lửa sống trong anh.
Xen kẽ đó là hình ảnh nhân vật Lê – nữ sinh viên du học ở nước ngoài, khắc họa lớp thanh niên Việt Nam khao khát tri thức, mong muốn quay về góp phần xây dựng Tổ quốc.
Với vai Lê, NSƯT Thanh Loan không chỉ ghi dấu hình ảnh nữ trí thức dịu dàng mà còn đại diện cho khát vọng vươn lên và ý chí hòa cùng vận mệnh dân tộc. Vai diễn này đã mở ra cột mốc lớn trong sự nghiệp của bà.
Trong chương trình Cine7, nhớ về quãng thời gian làm phim, NSƯT Thanh Loan không khỏi bật cười khi nhắc lại cảnh đoàn phim phải “sống chung” với nắng, mưa và thời tiết thất thường.
"Chúng tôi phải phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Tạo bối cảnh mưa còn dễ dàng hơn, nhưng nắng thì rất khó kiểm soát, nhất là khi không thể 'đuổi mây' để mặt trời xuất hiện đúng lúc nên ngày nào không có nắng là cả đoàn phải chờ vễu mặt ra”, bà hài hước kể.
Kỹ thuật quay phim thời đó chưa có gì hiện đại, mọi cảnh quay đều phụ thuộc gần như tuyệt đối vào thiên nhiên.

Cảnh quay hoàng hôn trong bộ phim “Bài ca ra trận” khiến diễn viên Thanh Loan nhớ mãi dù đã cách đây hơn 50 năm.
Một trong những kỷ niệm khó quên nhất với bà là cảnh quay bên dòng sông lúc hoàng hôn – cảnh đắt giá cả về ánh sáng lẫn cảm xúc.
Để có được khung hình ưng ý, cả ê-kíp phải chuẩn bị từ chiều, căn chỉnh từng góc máy, góc ánh sáng để làm nổi bật chân trời và mặt nước lấp lánh ánh bạc. Thế nhưng khi quay thì lại phải thật nhanh vì thời gian hoàng hôn ngắn ngủi, chỉ có một lần bấm máy là xong.
“Cả ê-kíp lúc ấy như cùng nín thở trước từng khoảnh khắc của mặt trời”, NSƯT Thanh Loan hồi tưởng. Những vất vả, thiếu thốn về kỹ thuật, vật chất khi ấy tưởng chừng cản bước nhưng thực tế lại càng làm nổi bật lên sự tận hiến của những người làm phim, thế hệ nghệ sĩ sống chết với nghề.

Bộ phim khắc hoạ rõ nét lý tưởng của thế hệ trẻ trong chiến tranh.
“Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” – câu nói ấy, theo NSƯT Thanh Loan đã thấm sâu vào tâm trí những người trẻ thời bấy giờ. Dù là người cầm súng ngoài chiến trường hay người học hành ở hậu phương, thế hệ thanh niên ngày ấy đều mang khát vọng được cống hiến.
Bộ phim không chỉ khắc họa những người lính can trường, mà còn làm nổi bật lực lượng “chiến sĩ” đặc biệt khác – những sinh viên, trí thức trẻ mang trên mình nhiệm vụ học để dựng xây tương lai đất nước. Vai Lê chính là đại diện cho lớp người đó.
Một phân cảnh đáng nhớ trong phim là khi Lê đang học tại nước ngoài nhận tin chiến thắng qua truyền hình. Cảnh quay được thực hiện tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, có sự tham gia của nhiều sinh viên nước ngoài đang học tại Việt Nam.
Họ reo hò, hô vang lời chúc mừng chiến thắng bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình - khoảnh khắc chân thực, gợi nhắc tới tinh thần đoàn kết quốc tế và niềm tin tất thắng.

Cảnh quay bạn bè quốc tế ăn mừng tin chiến thắng của Việt Nam trong phim “Bài ca ra trận”
Ra mắt trước Đại thắng mùa xuân 1975 chỉ một năm, Bài ca ra trận như một lời tiên tri bằng nghệ thuật về thắng lợi của dân tộc. Bộ phim giành được Giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần III năm 1975, nhưng phần thưởng lớn hơn là tình cảm bền lâu mà công chúng dành cho tác phẩm này suốt hơn 50 năm qua.