Showbiz

Đạo diễn, nhà sản xuất người Mỹ hóa thân Chí Phèo

Tóm tắt:
  • Vở kịch truyền thanh "Chí Phèo" do đạo diễn Vũ Phúc Ân công diễn lần đầu vào tối 25/3 tại TP HCM.
  • Tác phẩm mang đến góc nhìn mới qua âm thanh sống động, không sử dụng đạo cụ mà chỉ có hiệu ứng âm thanh.
  • Dàn nghệ sĩ foley, gồm sinh viên, tái hiện âm thanh môi trường từ vật dụng thường ngày, đòi hỏi tính sáng tạo cao.
  • Aaron Toronto, diễn viên người Mỹ, đảm nhận vai Chí Phèo, mang đến sự cảm nhận mới cho khán giả.
  • Vở diễn kết hợp âm nhạc truyền thống, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa và nâng cao nghệ thuật truyền thanh.

Tối 25/3, tại Sân khấu trường Múa TP HCM, vở kịch truyền thanh "Chí Phèo" do đạo diễn Vũ Phúc Ân dàn dựng đã có buổi công diễn đầu tiên. Vở diễn không chỉ tái hiện tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao bằng hình thức kịch truyền thanh độc đáo, mà còn mang đến góc nhìn mới mẻ thông qua sự kết hợp giữa nghệ thuật diễn xuất bằng giọng nói và hiệu ứng âm thanh sống động.

Vở kịch truyền thanh "Chí Phèo" do đạo diễn Vũ Phúc Ân dàn dựng đã có buổi công diễn đầu tiên.

Vở kịch truyền thanh "Chí Phèo" do đạo diễn Vũ Phúc Ân dàn dựng đã có buổi công diễn đầu tiên.

Làm sống lại thể loại kịch truyền thanh

"Chí Phèo" của Vũ Phúc Ân đặc biệt khi được truyền tải thông qua giọng nói, hiệu ứng âm thanh trực tiếp và tiếng động foley ngay trên sân khấu. Thay vì sử dụng đạo cụ làm bối cảnh, nhóm sản xuất "Loc Koc Leng Keng" sử dụng đạo cụ tạo ra âm thanh làm phương tiện chủ đạo để kể chuyện, giúp khán giả tự do tưởng tượng không gian và nhân vật trong trí óc của mình.

“Hình ảnh có thể dễ dàng tác động đến nhận thức, trong khi âm thanh kích thích trí tưởng tượng mạnh mẽ hơn, mang đến cho khán giả không gian cảm nhận riêng về câu chuyện”, đạo diễn chia sẻ.

Không chỉ tập trung vào giọng nói và hiệu ứng foley, vở kịch còn kết hợp với các nhạc cụ truyền thống như sáo, đàn tranh, trống cái, trống đế, hát chèo, đồng dao... để tạo dựng bối cảnh làng quê Bắc Bộ xưa. Đây không chỉ là một cách làm mới nghệ thuật truyền thanh, còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Việt Nam.

Việc xây dựng một tác phẩm chỉ dựa trên âm thanh đặt ra nhiều thách thức cho ê-kíp. Theo đạo diễn, ngay từ giai đoạn hình thành, nhóm đã phải hình dung mọi thứ trong đầu mà không có yếu tố thị giác hỗ trợ. Quá trình tập luyện diễn ra từ tháng 10/2024, kéo dài suốt nhiều tháng trước khi đi đến buổi công diễn.

Các nghệ sĩ foley, hầu hết là sinh viên ngành truyền thông, lần đầu tiên đứng trên sân khấu với vai trò đặc biệt: tái hiện toàn bộ âm thanh môi trường bằng các vật dụng đời thường. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo và tính chính xác cao. 

“Ban đầu nghĩ có thể không khó để làm được, nhưng càng đi sâu càng thấy khó vì không được dùng hình ảnh để hỗ trợ”, Vũ Phúc Ân cho biết.

Mọi âm thanh trong vở diễn đều được tạo ra trực tiếp, từ bước chân, tiếng gió, đến tiếng chén bát va vào nhau. Để làm được điều này, cả nhóm phải thống nhất một không gian chung, cùng cảm nhận mình đang tồn tại trong thế giới của "Chí Phèo".

Aaron Toronto – một "Chí Phèo" đặc biệt

Hồng Vân vai Thị Nở, Aaron Toronto vai Chí Phèo.

Hồng Vân vai Thị Nở, Aaron Toronto vai Chí Phèo.

Điểm đặc biệt của vở diễn lần này là việc đạo diễn, nhà sản xuất người Mỹ Aaron Toronto đảm nhận vai Chí Phèo. Ban đầu, vai diễn này được giao cho Hoàng Luân, một diễn viên trẻ người Việt, nhưng sau lần diễn thử phiên bản đầu tiên, diễn viên này trúng nghĩa vụ quân sự. Trước sự thay đổi đột ngột, đạo diễn Vũ Phúc Ân cùng ekip của mình quyết định tìm kiếm một hướng đi mới. Thay vì một diễn viên Việt Nam khác, quyết định chọn một "Chí Phèo ngoại quốc” được đưa ra để khán giả có thể hoàn toàn tập trung vào âm thanh thay vì hình ảnh.

Ban đầu, Aaron Toronto tưởng rằng mình được nhờ tìm người đóng vai Chí Phèo, nhưng khi biết được chính mình sẽ đảm nhận vai diễn này, anh rất bất ngờ. Sau những trao đổi sâu sắc với đạo diễn, Toronto đồng ý tham gia vì thấy được sự đồng điệu trong cách tiếp cận nghệ thuật.

Là người Mỹ nhưng sống ở Việt Nam hơn 20 năm, Aaron Toronto đã dành thời gian tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ để có thể hóa thân thành nhân vật một cách chân thực. Khó khăn lớn nhất với anh là phải nói giọng Bắc, sử dụng nhiều từ cổ và phương ngữ đặc trưng trong tác phẩm ra đời từ thập niên 1940.

Vở kịch truyền thanh "Chí Phèo" mang dấu ấn đặc biệt.

Vở kịch truyền thanh "Chí Phèo" mang dấu ấn đặc biệt.

Đạo diễn Vũ Phúc Ân cho biết Toronto có tửu lượng rất tốt. Để trải nghiệm cảm giác say khướt, anh đã uống hết cả chai rượu nút lá chuối. Sáng hôm sau, anh tỉnh dậy trong trạng thái mơ màng, đầu óc quay cuồng, cơ thể rã rời – giống như Chí Phèo sau cơn say, khi được Thị Nở cho ăn bát cháo hành.

"Vai trò của nghệ sĩ là biết thông cảm. Vở kịch Chí Phèo hấp dẫn tôi nhờ tính nhân văn, dạy con người biết thấu hiểu. Đừng chỉ nhìn ngoại hình để đánh giá một con người, hãy nhìn sâu vào bên trong", Aaron Toronto chia sẻ.

Dàn nghệ sĩ gạo cội và sự gắn kết với thế hệ trẻ

NSƯT Phạm Huy Thục, đảm nhận vai Bá Kiến cho biết, khi mới nhận lời tham gia kịch truyền thanh, ông nghĩ đơn giản rằng chỉ cần cầm kịch bản đọc và thu âm là xong. Nhưng quá trình tập luyện lại cho ông thấy đây là một thử thách lớn.

 “Không có hình ảnh hỗ trợ, tất cả cảm xúc, tình huống, xung đột phải truyền tải bằng giọng nói, từng câu, từng chữ. Điều này đòi hỏi diễn viên phải tập trung và dày công luyện tập”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông cũng dành sự nể phục cho đạo diễn Vũ Phúc Ân, người không chỉ viết kịch bản mà còn trực tiếp thiết kế hệ thống âm thanh và tiếng động. Ông cũng ngưỡng mộ Aaron Toronto vì khả năng hóa thân xuất sắc vào nhân vật. Ngoài ra, các nghệ sĩ Cẩm Linh - vai bà dì, diễn viên trẻ Hồng Vân - vai Thị Nở và Quốc Việt - vai Lý Cường, cũng thể hiện tròn trịa vai của mình.

Vở kịch truyền thanh "Chí Phèo" là sự gắn kết 2 thế hệ

Vở kịch truyền thanh "Chí Phèo" là sự gắn kết 2 thế hệ

NSƯT Đinh Linh, nhạc sĩ sáng tác âm nhạc của dự án, ban đầu từ chối tham gia vì đã “ở ẩn” nhưng sau đó bị cuốn hút bởi cách tiếp cận của đạo diễn. Anh sử dụng nhạc cụ truyền thống để làm nền cho vở kịch, tạo ra sự kết nối hoàn hảo giữa thoại và âm nhạc.

Các tin khác

Diễn viên "Hồng lâu mộng" qua đời

Diễn viên kỳ cựu Diệp Lâm Lang qua đời, hưởng thọ 93 tuổi. Bà được nhiều người biết đến qua vai diễn “Lưu lão lão” trong bản truyền hình "Tân hồng lâu mộng".

Hoãn nhiều chương trình nghệ thuật

Nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí tạm hoãn, dời lịch vì quốc tang đồng chí Khamtay Siphandone - nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Anh trai vượt ngàn chông gai “hot” đến bao giờ?

Trước thềm concert D-3 râm ran lời đồn Anh trai vượt ngàn chông gai hạ nhiệt. Nhưng thực tế chứng minh, hai đêm diễn D-3, D-4 (22 - 23/3 tại TPHCM) vẫn hút hàng chục nghìn khán giả, biển người cuồng nhiệt, sống hết mình cùng các anh tài. Sức nóng của chương trình vượt qua biên giới Việt Nam, thu hút lượng fan đông đảo là Việt kiều, du học sinh. Sau hai đêm diễn nhiều khán giả hò hẹn gặp lại nhau vào tháng 6 tại miền Bắc.

Kim Sae Ron chết không được yên

Cái chết của Kim Sae Ron đáng lẽ phải là hồi chuông cảnh báo với ngành giải trí Hàn Quốc, song giờ đây lại bị cuốn vào vòng xoáy truyền thông không lối thoát. Cả Kim Sae Ron lẫn Kim Soo Hyun lúc này đều đang trở thành nạn nhân của dư luận.

Chán ngấy với diễn biến dai dẳng của vụ Kim Sae Ron

Gia đình Kim Sae Ron kiên định với cáo buộc Kim Soo Hyun hẹn hò con gái họ khi cô ở tuổi vị thành niên. Họ không ngại phơi bày những điều riêng tư nhất của nữ diễn viên quá cố để đổi lấy một lời xin lỗi.