Phim

Chiến sĩ ở Thành cổ Quảng Trị chịu 10 tấn bom, có người hy sinh tới 7 lần

Đoàn phim Mưa đỏ vừa có buổi ra mắt và giới thiệu tác phẩm tới công chúng. Đây là phim truyện điện ảnh khai thác đề tài chiến tranh cách mạng, lấy cảm hứng và hư cấu từ sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu quả cảm của quân và dân bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Tại sự kiện, Đại tá, nhà văn Chu Lai cho biết, ông viết kịch bản phim về 81 ngày đêm chiến đấu ở Quảng Trị thông qua lời nhờ của một người em có anh ruột là Đặng Huy Cường - liệt sĩ hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị.

Chiến sĩ ở Thành cổ Quảng Trị chịu 10 tấn bom, có người hy sinh tới 7 lần - 1

Đại tá, nhà văn Chu Lai (Ảnh: Ban tổ chức).

Mưa đỏ được ông viết xong từ năm 2010, song bản thảo nằm yên trong ngăn kéo suốt nhiều năm cho đến khi được Điện ảnh Quân đội nhân dân lựa chọn và đưa lên màn ảnh rộng.

Đặc biệt, bộ phim được quay trong đúng 81 ngày đêm - tương ứng với thời gian chiến đấu lịch sử của quân dân ta tại Thành cổ. Nhà văn Chu Lai gọi đó là “một kỳ tích của nghệ thuật và lòng tri ân”.

Chiến sĩ ở Thành cổ Quảng Trị chịu 10 tấn bom, có người hy sinh tới 7 lần - 2

Một cảnh trong phim "Mưa đỏ" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Với nhà văn Chu Lai, 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị là một trong những trận đánh khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại.

Theo ông, cuộc chiến chia thành 2 giai đoạn: “Sa mạc chiến” - khi tòa thành bị san phẳng, chiến sĩ lăn lộn giữa đất cát, quần áo rách bươm và “thủy chiến” - nơi sông nước nhuộm máu, những người lính vượt sông Thạch Hãn chơi vơi giữa pháo đạn.

“81 ngày đêm, mỗi ngày, chúng ta hy sinh một đại đội, tức khoảng 120 người. Có người khi hy sinh, phần thân trên cháy đỏ, phần dưới ngâm nước nên trắng nhễ nhại như cá luộc.

Mỗi chiến sĩ ở Thành cổ Quảng Trị chịu 10 tấn bom, có người một ngày hy sinh tới 7 lần, bởi thi thể họ khi vừa chôn xuống lại bị pháo dập bom dồn, cày xới lên. Sự ác liệt đó khó có tiểu thuyết hay bộ phim nào lột tả hết”, ông xót xa kể.

Nhà văn Chu Lai bày tỏ rằng, dù Mưa đỏ được đầu tư quy mô và chăm chút từng chi tiết nhưng “vạm vỡ đến mấy cũng chỉ là một lát cắt mà thôi”.

Ông nghẹn ngào nói: “Năm tháng qua đi, chiến tranh rồi cũng kết thúc nhưng không có Thành cổ mưa máu, sẽ không có bầu trời xanh hôm nay”.

Trong buổi giới thiệu phim Mưa đỏ, những nhân chứng từng trực tiếp tham gia cuộc chiến khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 cũng có mặt, cùng nhau hồi tưởng lại những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn.

Họ đã không cầm được nước mắt khi xem lại một số trích đoạn phim về những ngày tháng chiến đấu ác liệt năm 1972.

Ông Nguyễn Văn Hợi - Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3 Tam Đảo - kể lại rằng, tiểu đoàn của ông ban đầu có 325 người, sau đó, nhiều đợt bổ sung quân tiếp viện, nhưng cuối cùng chỉ còn 39 người sống sót.

“Trong 81 ngày ấy, hơn 1.000 người trong tiểu đoàn chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi cổ thành. Thành cổ rộng, nhưng đồng đội tôi nằm chật”, ông bật khóc nghẹn ngào.

Một trong những cảnh khiến cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi xúc động nhất là phân đoạn người lính vượt sông Thạch Hãn. Ông Hợi là người được cử sang sông để đón anh em, nhưng đại bác bắn liên tục.

Ông nói, phim đã tái hiện đúng ký ức ám ảnh nhất đời lính: Những tân binh được đưa sang sông tiếp viện, chưa kịp đặt chân lên bờ đã hy sinh.

"Có hôm, Bộ Tư lệnh báo sẽ bổ sung cho đơn vị 50 đến 70 tân binh. Mỗi người được phát một tấm áo mưa dài để bó gọn quân tư trang và súng. Chúng tôi chờ suốt từ đêm đến gần sáng, thấy vài chiếc phao nổi lên.

Tôi và đồng chí liên lạc mừng quá, định lao khỏi công sự đón anh em, thì một loạt pháo bất ngờ dội xuống, trùm lên tất cả. Trên dòng Thạch Hãn khi ấy, chỉ còn vọng lại tiếng kêu “Mẹ ơi!”, “Chị ơi!”…", ông nghẹn ngào kể.

Những chàng trai ấy nằm xuống còn quá trẻ, có người chưa kịp biết đến tình yêu là gì.

Chiến sĩ ở Thành cổ Quảng Trị chịu 10 tấn bom, có người hy sinh tới 7 lần - 3

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi (giữa) khóc, kể lại ký ức với đồng đội trong trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị (Ảnh: Ban tổ chức).

Đại tá Đào Văn Phê - một trong những người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị - rưng rưng chia sẻ, ông thấy mình là người may mắn khi còn sống trở về, trong khi đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường không đếm xuể.

“Là một người lính bước ra từ trận địa khốc liệt ấy, tôi muốn gửi lời khen đến ê-kíp và các diễn viên vì đã tái hiện lại khá chân thật về trận chiến năm xưa. Bộ phim đã tái hiện lại tinh thần chiến đấu dũng cảm của người lính giải phóng”, ông nói.

Đại tá Đào Văn Phê cũng xúc động nhắn nhủ đến thế hệ trẻ hôm nay: “Đất nước có được hòa bình, độc lập là nhờ sự hy sinh của hàng ngàn, hàng vạn người lính ở tuổi 18, đôi mươi. Nhiều người còn chưa biết yêu là gì, chưa kịp sống trọn tuổi thanh xuân.

Họ không được hưởng không khí ngày giải phóng, không được gặp lại cha mẹ, người thân. Bộ phim đã góp phần quan trọng trong việc truyền lửa yêu nước đến thế hệ sau bằng những hình ảnh sống động và đầy xúc cảm”.

Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Can cho biết, dù mới chỉ xem những đoạn trích ngắn trong Mưa đỏ, ông đã cảm nhận rất rõ tinh thần mà đạo diễn và biên kịch muốn truyền tải.

“Bộ phim gợi lại cho chúng tôi những ký ức sâu sắc nhất của đời lính. Tôi thực sự xúc động khi thấy ê-kíp làm phim đã nghiên cứu rất kỹ, tái hiện chân thực và công phu. Họ còn lắng nghe cả những góp ý nhỏ nhặt từ chúng tôi, như về chi tiết quân trang - điều mà người lính rất để tâm khi bước ra trận”, ông chia sẻ.

Ông bày tỏ mong muốn bộ phim sẽ được đông đảo công chúng đón nhận, đặc biệt là thế hệ trẻ: “Tôi tin rằng những câu chuyện về chiến tranh, về sự hy sinh của cha anh sẽ không bao giờ phai mờ. Hy vọng các bạn trẻ sẽ nhìn từ đó mà trân trọng cuộc sống, lấy đó làm tấm gương để phấn đấu trong học tập, công tác và rèn luyện bản thân”.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền xúc động kể lại cơ duyên đến với Mưa đỏ và hành trình đầy gian nan để đưa bộ phim ra đời.

Chị cho biết lần đầu tiếp cận kịch bản của nhà văn Chu Lai vào khoảng năm 2012-2013, và ngay từ những trang đầu tiên, chị đã đọc một mạch không dừng, nước mắt không ngừng rơi.

Có những chi tiết - như cảnh các chiến sĩ vượt sông giữa làn pháo kích, chỉ kịp gọi “Mẹ ơi! Vợ ơi!” trước khi chìm vào dòng nước - khiến chị không thể cầm lòng, dù ngay trong quá trình ghi hình.

Theo nữ đạo diễn, Mưa đỏ không chỉ đơn thuần là một tác phẩm điện ảnh, mà là một “nén tâm nhang” gửi đến những người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Quá trình quay phim tại Quảng Trị diễn ra giữa thời tiết khắc nghiệt, mưa gió triền miên, nhưng cả ê-kíp và các lực lượng phối hợp không ai nản chí.

“Dù khó khăn đến mấy, tất cả đều một lòng thực hiện bộ phim bằng tất cả sự trân trọng, bởi đây không chỉ là một kỷ niệm, mà là cảm xúc sẽ theo chúng tôi đi đến hết cuộc đời”, chị nói.

Các tin khác

Không còn hiện tượng cháy vé

Nhiều đêm nhạc quy tụ nghệ sĩ nổi tiếng nhưng không còn hiện tượng "cháy vé" như trước, khiến cộng đồng mạng xảy ra nhiều tranh luận. Theo chuyên gia, đây là giai đoạn điều chỉnh cần thiết sau thời kỳ tăng trưởng quá nóng.

Tuấn Tú gặp nguy hiểm

Diễn viên Tuấn Tú khẳng định Đường Thư đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của anh. Để hóa thân thành chiến sĩ quân bưu anh phải bôi đất cát lên người để phục vụ cho vai diễn. Anh cũng kể lại trải nghiệm nguy hiểm trong quá trình quay phim.

NSƯT Kim Tử Long cầu xin

Một số tài khoản mạng xã hội đăng tải hình ảnh NSƯT Kim Tử Long nằm viện và bịa đặt thông tin về tình hình sức khỏe khiến anh bức xúc. Phía dưới những bài đăng này, có người bình luận ác ý, thậm chí chửi rủa nam nghệ sĩ.

Khán giả nói về thất bại của Phương Mỹ Chi

Sau gần 2 tháng, Phương Mỹ Chi khép lại hành trình tại Sing! Asia 2025 với thành tích top 3 chung cuộc. Dù không chiến thắng, những dấu ấn cô để lại trong chương trình thực sự đáng nhớ.

Kỳ nghỉ hè trọn vẹn cho cả gia đình tại Hôtel de l"Amour Tam Đảo

Khi mùa hè đến cũng là lúc các gia đình bắt đầu tìm kiếm một điểm đến thật sự ý nghĩa - vừa đủ gần để không vất vả di chuyển, vừa đủ riêng tư để cả nhà có thời gian bên nhau, và quan trọng nhất: phải là nơi giữ lại những ký ức đẹp cho con.