Showbiz

Vì sao Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh không ngừng hot?

Tóm tắt:
  • Du khách trẻ mong muốn trải nghiệm thực tế khi tham quan bảo tàng, đặc biệt ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
  • Bảo tàng này thu hút nhờ không gian rộng rãi, thiết kế hiện đại và miễn phí vé vào cửa.
  • Du khách đề xuất bổ sung khu vực trải nghiệm quân sự, kết hợp giáo dục quốc phòng và thu phí cho hoạt động này.
  • Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh hiện chịu áp lực lớn vì số lượng khách tham quan tăng vọt nhưng số lượng nhân viên không đủ.
  • Dự án bảo tàng trực tuyến sẽ ra mắt, nhằm thu hút du khách đến trải nghiệm trực tiếp tại bảo tàng.

Cần không gian trải nghiệm

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam gần đây hot vì có không gian rộng rãi, được xây dựng và thiết kế hiện đại lại được miễn phí vé vào cửa. Nhiều ý kiến cho rằng, phải đợi đến hết thời gian miễn phí vé vào cửa, bán vé "tay bo" như một số bảo tàng khác mới đo chính xác được độ hot của nó.

Tuy nhiên, khi phóng viên VietNamNet phỏng vấn một số du khách trẻ tham quan bảo tàng, họ đều có chung niềm mong mỏi là được trải nghiệm thực tế. 

W-8419bcc633fc83a2daed.jpg
Không gian ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: T. Lê

"Giới trẻ thường quan tâm đến cảm giác trải nghiệm, do vậy nên thiết kế thêm cho bảo tàng khu tập tháo lắp súng bộ binh, khu tập gói buộc bộc phá đánh lô cốt, khu tập bắn súng AK bằng đạn bông (có tiếng nổ), khu tập gói hành trang vượt sông, khu thăm quan trải nghiệm thực tế đốt lửa bếp Hoàng Cầm...

Rất nhiều kỹ năng quân sự có thể đào tạo cho lớp trẻ, vừa là trải nghiệm, vừa là giáo dục quốc phòng quân sự và có thu phí để thêm doanh thu duy trì hoạt động cho bảo tàng. Đây chính là sự hấp dẫn nhất để thu hút lớp trẻ ngày càng đến bảo tàng quân sự trải nghiệm nhiều hơn nữa", Ngọc (20 tuổi, Thạch Thất) chia sẻ với phóng viên VietNamNet khi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. 

Nhiều khách tham quan cũng áp lực

Theo ông Lâm Ngô Hoàng Anh - Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nhân lực và cơ sở vật chất của bảo tàng chịu áp lực lớn khi du khách tham quan đông. 

"Tổng số viên chức và người lao động gần 70 người phải phục vụ 5.000 lượt khách/ngày, có ngày lên đến 7.000 lượt, xuyên suốt không nghỉ cuối tuần, dịp lễ Tết nên chịu áp lực rất lớn. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được xây dựng và đi vào hoạt động từ cuối năm 2010. Cơ sở vật chất lúc đó chỉ đảm bảo phục vụ 500 lượt khách/ngày, tuy nhiên con số hiện đã tăng hơn gấp 10 lần. Vì vậy, số lượng viên chức và người lao động của đơn vị hiện chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ ngoại ngữ", ông Hoàng Anh chia sẻ.

Ông Hoàng Anh nhìn nhận, truyền thông số là xu hướng toàn cầu nên bảo tàng không đứng ngoài. Dù vậy, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của đơn vị còn hạn chế, chưa tiếp cận với xu thế truyền thông hiện đại.

Hiện tại, bảo tàng đang nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng thêm nhân viên, đặc biệt là hướng dẫn viên có khả năng thuyết minh bằng ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Từ cuối năm 2024, các lãnh đạo và đội ngũ kỹ thuật viên đã tiến hành triển khai dự án bảo tàng tương tác thông minh, đến nay căn bản hoàn thiện.

W-PGD BT   Nguyễn Huế 7.jpg
Không gian trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Ảnh: Nguyễn Huế

Tại buổi gặp, ông Hoàng Anh mời phóng viên VietNamNet trải nghiệm, tương tác trực tiếp bảo tàng 3D. Hoạt động trải nghiệm dựa trên chương trình được thiết kế sẵn, có hướng dẫn viên thuyết minh bằng song ngữ.  

"Quan niệm cũ cho rằng bảo tàng trực tuyến sẽ khiến du khách không cần đến bảo tàng nữa nhưng chúng tôi không nghĩ vậy. Trải nghiệm, tương tác trực tuyến giúp kích thích sự tò mò, làm tăng mong muốn đến tận nơi trải nghiệm trực tiếp. Vì vậy, xây dựng bảo tàng trực tuyến không làm giảm, ngược lại còn kéo du khách đến Bảo tàng", ông Hoàng Anh khẳng định.

Phiên bản trực tuyến của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh dự kiến sẽ ra mắt người dân trong thời gian sớm nhất; sau đó được từng bước nâng cấp về công nghệ theo kế hoạch. Đơn vị cũng có kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hóa hệ thống trưng bày, giúp du khách có trải nghiệm tốt hơn.  

Nếu có đề nghị hợp tác từ giới văn nghệ sĩ hoặc học sinh, sinh viên trong các sản phẩm văn hóa, văn nghệ, đơn vị tạo điều kiện nhưng hết sức thận trọng: "Chúng tôi cởi mở nhưng phải đảm bảo hình ảnh bảo tàng được đưa lên truyền thông đúng với ý nghĩa vốn có, không được sai lệch".

Theo ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 2 theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, doanh thu của bảo tàng đến từ tiền bán vé là 40 nghìn đồng/vé theo quy định. 

W-PGD BT   Nguyễn Huế 18.jpg
Ông Lâm Ngô Hoàng Anh - Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Ảnh: Nguyễn Huế

"Nguồn thu không lớn, chỉ đảm bảo duy trì hoạt động của bảo tàng, bao gồm phục vụ du khách và tổ chức các chuyên đề; trả lương cho viên chức và người lao động. Nếu tham quan, bạn sẽ thấy căng-tin chỉ bán nước đóng chai, quầy lưu niệm chỉ bán những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách. Bảo tàng hiện chưa có kế hoạch đầu tư khác. Với lượng du khách hiện tại, đơn vị đặt nhiệm vụ chính trị lên hàng đầu thay vì khai thác lợi nhuận", ông Hoàng Anh nói. 

Hợp tác với những người có sức ảnh hưởng

Năm ngoái, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình tri ân những người bạn yêu thích và tương tác nhiều nhất với Fanpage của bảo tàng trên mạng xã hội Facebook và chủ nhân những video về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được yêu thích nhất trên TikTok.

Theo TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chỉ vài năm trước, đội ngũ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn luôn trăn trở tìm lời giải cho bài toán vắng khách. Là bảo tàng quốc gia, nơi lưu giữ 9 bảo vật quốc gia, trên 20 nghìn tác phẩm tài liệu, hiện vật vô cùng giá trị… thế nhưng trong quãng thời gian dài dường như rất ít người biết đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Thay đổi lớn của bảo tàng hiện nay có vai trò rất quan trọng từ những người bạn của bảo tàng. Với những bài viết, chia sẻ, những video clip có hàng trăm ngàn, hàng triệu người đón nhận, các bạn trẻ sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội chính là sứ giả, cánh tay nối dài của bảo tàng đối với công chúng.

Theo TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những thay đổi để thu hút được giới trẻ là bài toán không dễ áp dụng chung cho tất cả các bảo tàng. Bởi mỗi bảo tàng lại có một thế mạnh, đặc thù riêng, cần có sự nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm mới, thu hút công chúng đến với bảo tàng.

Bài 3: Bảo tàng không cho mở cà phê, nhà hàng nhưng quán bia lại được hoạt động

Các tin khác

5 không khi ăn thịt vịt

Bạn không được ăn thịt vịt chưa chín kỹ, không ăn nhiều da, không để loại thịt này ở nhiệt độ phòng quá lâu…