PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường qua đời sáng 6/5, tại Bệnh viện Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, hưởng thọ 84 tuổi. Theo thông tin từ gia đình, PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường qua đời sau thời gian kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày.
PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, là người con thứ tư trong một gia đình khoa bảng lừng danh tại Việt Nam.
Ông là con trai của cố NGND, GS Nguyễn Lân – nhà giáo, học giả nổi tiếng. Các anh chị em của ông cũng đều là những chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần làm rạng danh truyền thống gia đình, tiêu biểu như: GS.VS. Nguyễn Lân Dũng (Khoa học sự sống), GS. Nguyễn Lân Hùng (Nông nghiệp), Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất (Âm nhạc, hoạt động tại Nga)...

PGS.TS Nguyễn Lân Cường qua đời ở tuổi 84 vì căn bệnh ung thư dạ dày.
Trong lĩnh vực khoa học, PGS.TS Nguyễn Lân Cường được xem là chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học tại Việt Nam. Ông dành cả cuộc đời để nghiên cứu về nguồn gốc loài người trên dải đất hình chữ S.
Ông là chủ nhiệm nhiều đề tài cấp quốc gia về nghiên cứu, phục chế và tu bổ các di cốt, đặc biệt là bốn nhục thân (thi hài được bảo quản) nổi tiếng của Việt Nam tại các chùa: Đậu (Hà Nội), Tiêu Sơn (Bắc Ninh) và Phật Tích (Bắc Ninh)... Với những đóng góp quan trọng, ông từng giữ chức vụ Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam.
Không chỉ là nhà khoa học uyên bác, PGS.TS Nguyễn Lân Cường còn là nhạc sĩ tài năng với một gia tài âm nhạc đáng nể. Ông từng giữ nhiều trọng trách trong lĩnh vực nghệ thuật, như Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, Trưởng ban Kiểm tra Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. Đặc biệt, ông còn là người chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony, góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật hợp xướng tại Thủ đô.
Ông có gần 100 tác phẩm âm nhạc, trong đó có cả hợp xướng, ca khúc, nổi bật như: Vị tướng của lòng dân, Về đi em, Bài ca về những người lính đảo...
Sau những bụi bặm, nhọc nhằn đường xa gắn với các chuyến đi nghiên cứu về di cốt người cổ, trở về Hà Nội, khoác áo đuôi tôm, cầm chiếc đũa và lên sân khấu phiêu cùng những bản hợp xướng, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường nói đó là khoảnh khắc ông được là chính mình.

Nhạc sĩ Lân Cường có gần 100 tác phẩm âm nhạc.
Không dừng lại ở khoa học và âm nhạc, PGS.TS Nguyễn Lân Cường còn tài năng khác ít người biết đến là hội họa. Ông bắt đầu vẽ tranh sơn dầu từ năm 1962. Tài năng này còn được ông ứng dụng vào chính lĩnh vực chuyên môn của mình, minh chứng là cuốn sách "Bộ xương nói với bạn điều gì?" với 320 hình minh họa bộ xương người do chính tay ông vẽ.
Sự ra đi của PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường là mất mát lớn cho cả ngành cổ nhân học và nền âm nhạc Việt Nam. Ông không chỉ là một chuyên gia uyên bác, một nhạc sĩ tài danh mà còn là một nhân cách đáng kính, một tấm gương về tình yêu khoa học, nghệ thuật và sự cống hiến không ngừng nghỉ.