
Mới đây (4/5), chương trình Chị em gỡ rối đã lên sóng kênh VTV9, với sự tham gia của nghệ sĩ ưu tú Ốc Thanh Vân trong vai trò cố vấn.

Ốc Thanh Vân
Tại chương trình tuần này, nữ nghệ sĩ đưa ra một số quan điểm về cách nuôi dạy con, thông qua câu chuyện từ các nhân vật.
Nhân vật đầu tiên là anh Q, chia sẻ về trường hợp con trai 4 tuổi rưỡi không may uống phải dầu lửa vì tưởng rằng nước ngọt.
Lắng nghe câu chuyện của anh Q, NSƯT Ốc Thanh Vân cho rằng: “Nhận thức của trẻ ở độ tuổi lên 4 còn nhiều giới hạn và gia đình cần phải quán triệt hơn trong việc sắp xếp đồ đạc.
Tôi chưa từng gặp tình huống tương tự nhưng bản thân tôi vốn là người sống ngăn nắp, luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ an toàn cho gia đình.
Thời điểm các bé nhà tôi còn nhỏ, gia đình luôn phải có người hỗ trợ vì tôi thường xuyên đi quay.
Nhà tôi còn có những cuộc họp gia đình để thống nhất cách sắp xếp đồ đạc, phân loại đồ dùng hàng ngày và đồ ít dùng. Với những đồ không an toàn, dù có ghi để xa tầm tay trẻ em, nhưng nếu trẻ leo trèo một chút là tới thì vẫn chưa đủ an toàn. Đó là lý do nhà tôi chưa từng để xảy ra những việc như vậy
MC Phương Uyên lập tức lên tiếng: “Không phải gia đình nào cũng có thể giám sát con của mình liên tục 24/7. Tôi đang tự hỏi, làm thế nào để có thể kiểm soát, hạn chế xảy ra những tình huống tương tự”.
NSƯT Ốc Thanh Vân nói thẳng: “Những đồ nguy hiểm nên để riêng, không để lẫn vào đồ chơi trẻ em.

Quang trọng nhất là ý thức của người lớn về việc cất trữ. Có nhiều lựa chọn, không nhất thiết dùng lại chai nước ngọt cũ, vì ngay cả người lớn còn nhầm. Những tai nạn tương tự xảy ra không ít, đặc biệt ở những gia đình bận rộn hoặc vùng sâu vùng xa. Tôi nói thật, nên xem lại ý thức của người lớn trước”.
Nhân vật thứ hai là chị X gửi thư đến chương trình chia sẻ việc con mình chơi với bạn bị nhiễm ngôn ngữ xấu, thường xuyên nói “mày tao”.
NSƯT Ốc Thanh Vân chia sẻ: “Mọi hành động và lời nói của người lớn đều có ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, vì trẻ có xu hướng sao chép rất nhanh và nhà chị cũng từng gặp tình huống tương tự.
Từ khi các con còn nhỏ, tôi đã trao đổi với chồng, nhắc nhở chồng để ý lời nói đến con cái, bởi trẻ nhỏ không hiểu sự suồng sã trong cách xưng hô “mày tao” mà có thể nghĩ đó là cách giao tiếp thông thường.
Vì vậy, gia đình tôi gần như tránh hoàn toàn những từ ngữ này trước mặt các con. Ở độ tuổi hiện tại, các con tôi phân biệt được ngữ cảnh sử dụng của những từ như “mày tao”, khi nào là nặng nề, cãi nhau và khi nào là đùa vui.
Lúc gia đình tôi ở Úc, các con dùng tiếng Anh nhiều hơn, còn về nhà nói tiếng Việt. Nhưng cứ cãi nhau là chúng chuyển qua tiếng Anh, làm tôi tức điên vì nghe không kịp.
Tôi hỏi ra mới biết, nếu cãi nhau bằng tiếng Việt nghe nặng nề lắm, có những từ bực bội thốt ra không được, nên tự động chuyển sang tiếng Anh cho nhẹ bớt.
Ít nhất “I” với “you” đã nhẹ hơn rồi. Nhiều từ lóng hoặc ý nặng hơn bình thường, qua tiếng Anh nghe vẫn nhẹ nhàng hơn. Nếu những từ đó sang tiếng Việt thì nặng nề lắm luôn. Tức là nhận thức về mặt ngôn ngữ, hiểu rằng nói vậy anh chị em không thích, bố mẹ nghe không vui, nên tự động chuyển sang “hệ điều hành” ngôn ngữ khác.
Tôi có những nguyên tắc riêng để dạy con mà bản thân và gia đình không được phép vi phạm.
Không phải là cứng nhắc đến mức không đùa giỡn hay không thấy vui khi con có những biểu hiện lạ, nhưng chỉ nên vui vừa phải, đừng cổ vũ việc con nói bậy hay cười nhạo người khác.
Dù khoảnh khắc đó bé có đáng yêu thật, nó vẫn để lại những hậu quả về sau, và chúng ta nên cân nhắc điều này.
Một môi trường an toàn là khi người lớn luôn chủ động sắp xếp mọi thứ trong nhà dựa trên ý thức và nhận thức của mình. Bên cạnh đó, việc cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói là vô cùng quan trọng, bởi trẻ tiếp nhận điều đó mỗi ngày. Trước khi dạy con, phụ huynh hãy xây dựng một môi trường ngôn ngữ lành mạnh ngay từ gia đình”.