
"Hát những bài ca cách mạng như một cách nói lời yêu thương với cha mẹ"
Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), NSND Quốc Hưng – một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc cách mạng – đã có chuỗi ngày hoạt động biểu diễn sôi nổi và xúc động. Với anh, được góp giọng trong các chương trình nghệ thuật trọng đại dịp lễ lớn lần này là một vinh dự lớn và là khoảnh khắc đặc biệt mà anh không thể nào quên.

NSND Quốc Hưng.
Đặc biệt, sáng nay (30/4), tại Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, NSND Quốc Hưng cùng NSND Tạ Minh Tâm đã thể hiện bản mashup giữa hai ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" và "Màu hoa đỏ" – mở màn đầy xúc động cho sự kiện trọng đại. Đây cũng là lần đầu tiên hai giọng ca lớn của hai miền đất nước song ca cùng nhau.
"Chúng tôi là bạn thân thiết, cùng được phong tặng danh hiệu NSND năm 2019 nhưng phải đến hôm nay, chúng tôi mới có dịp đứng chung sân khấu, hòa giọng trong một tiết mục đặc biệt như vậy", NSND Quốc Hưng cho biết.
Phối hợp giữa hai chất giọng miền Nam – Bắc, tiết mục đã tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ, không chỉ ở khía cạnh âm nhạc mà còn về thông điệp đoàn tụ, hòa hợp dân tộc. Hai giọng hát là hai miền đất nước hội tụ trong một khúc ca hòa bình với những bản nhạc không chỉ giàu chất liệu nghệ thuật mà còn đong đầy cảm xúc lịch sử.


NSND Quốc Hưng cùng NSND Tạ Minh Tâm hát mở màn tại Đại lễ 30/4.
Hai người hát bè cho nhau, khi Tạ Minh Tâm lên cao thì Quốc Hưng hòa bè ở quãng trầm và ngược lại, khiến bài hát vang lên đầy đặn, dày dặn và thêm phần ấn tượng. "Đó là một cảm xúc vô cùng đặc biệt, trong một không gian và thời gian rất đặc biệt, khi được hát mở màn chương trình, trước hàng vạn quân dân. Với tôi, âm nhạc lúc ấy không còn là lời hát riêng lẻ, mà là tiếng lòng chung của hàng triệu người con đất Việt trong giờ phút thiêng liêng kỷ niệm ngày đất nước thống nhất".
Đối với NSND Quốc Hưng, hát trong những sự kiện trọng đại của đất nước luôn là một trách nhiệm thiêng liêng, nhưng Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lại mang một ý nghĩa riêng sâu sắc. Đằng sau những giai điệu hào hùng, anh còn gửi gắm một phần ký ức riêng – về người cha từng là chiến sĩ cách mạng ở mặt trận Khe Sanh, Quảng Trị, khi trở về mang trên mình nhiều vết thương và qua đời khi anh mới 13 tuổi.
"Tôi chọn hát những bài ca cách mạng như một cách nói lời yêu thương với cha mẹ – những người đã hy sinh thầm lặng để thế hệ chúng tôi được sống trong hòa bình hôm nay".

Ngay sau Lễ kỷ niệm sáng 30/4 tại TPHCM, NSND Quốc Hưng lại tiếp tục lên đường đi Đà Lạt để tham gia chương trình nghệ thuật "Non sông thống nhất" do UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này tổ chức.
Với anh, được góp giọng trong các sự kiện nghệ thuật trọng đại không chỉ là vinh dự, mà còn là sự dấn thân đầy tự hào với nghề. "Không phải ai cũng được đứng trên sân khấu trong các chương trình chính luận, chính ca của đất nước. Những chương trình ấy đòi hỏi giọng hát được đào tạo bài bản, tinh thần vững vàng", NSND Quốc Hưng chia sẻ.
"Ca khúc cách mạng có giá trị bền vững, sống mãi"
Theo NSND Quốc Hưng, dòng nhạc cách mạng không chỉ là di sản tinh thần của dân tộc mà còn là dòng nhạc gắn liền với học thuật. "Hầu hết các ca khúc cách mạng được sáng tác trong những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ đều là những tác phẩm kinh điển, có giá trị bền vững, sống mãi đến ngày nay", anh khẳng định.

Là người theo đuổi con đường âm nhạc chính thống ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Quốc Hưng đã kết hợp kỹ thuật thanh nhạc cổ điển châu Âu với tinh thần của nhạc cách mạng. Anh cho rằng: "Nếu ca khúc cách mạng mà không đưa kỹ thuật thanh nhạc vào thì sẽ khó truyền tải trọn vẹn tình cảm, sự hùng vĩ, độ bao la của tác phẩm. Đây là dòng nhạc đòi hỏi nội lực, chiều sâu và cảm xúc chân thành".
Trong sự nghiệp, NSND Quốc Hưng đã thể hiện hàng loạt ca khúc cách mạng kinh điển như "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam", "Người là niềm tin tất thắng", "Tiếng chuông nhà thờ", "Bài ca chiến thắng"… Anh cũng thể hiện nhiều ca khúc viết về Trường Sơn, mang âm hưởng núi rừng đến các sân khấu trong nước và quốc tế.

Những tác phẩm mà Quốc Hưng thể hiện đã để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong lòng khán giả phải kể tới "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam" của nhạc sĩ Chu Minh và "Tổ quốc gọi tên mình" do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai.
NSND Quốc Hưng cho biết anh ấn tượng với "Tổ quốc gọi tên mình" vì so với những ca khúc cách mạng kinh điển chủ yếu ra đời trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc thì ca khúc này ra đời trong thời gian gần đây, năm 2011. Nam nghệ sĩ cũng cho biết thêm ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình" cũng là tác phẩm kết thúc trong album "Những bản tình ca đỏ của anh" phát hành năm 2013.