Showbiz

Nhà sư "cất quá khứ giang hồ" ra mắt sách "Trở về nguồn cội"

Tóm tắt:
  • Tỳ-kheo Chơn Hữu, trụ trì chùa Định Quang, ra mắt sách thứ ba tại TPHCM với buổi giao lưu ấm cúng.
  • Tác phẩm "Trở về nguồn cội" viết về chánh niệm, thiền và hành trình tu tập giải thoát đau khổ.
  • Nhà sư từng là "đại ca giang hồ phố núi" đã chuyển hóa quá khứ bằng thiền tập và pháp Phật.
  • Buông bỏ dính mắc là bài học quan trọng để đạt an vui và trở về bản tâm thanh tịnh.
  • Tỳ-kheo Chơn Hữu ủng hộ Quỹ Hạt giống nhỏ và có nhiều tác phẩm về đạo Phật và triết lý sống.

Buổi giao lưu, ra mắt sách diễn ra ấm cúng ở TPHCM, sư Chơn Hữu cho biết, không muốn nhắc quá khứ, vì hiện tại mới quan trọng.

ramatsach 4.jpg
Tác giả - Tỳ-kheo Chơn Hữu. Ảnh: L.Đ.L

Theo tác giả Trở về nguồn cội (NXB Văn học) - tập tản văn được viết với sự tỉnh thức, góc nhìn bình dị của một người chọn cửa thiền, sự chánh niệm làm hành trang giải thoát - "Hiện tại là cánh cửa duy nhất có thể đưa chúng ta tương thông với nguồn cội an tịnh".

Quá khứ giang hồ đã được nhà sư sinh năm 1971 chuyển hóa bằng thiền tập. Sư nhớ lại: "Đó là một ngày của mùa lụt năm 1999, tôi đọc được những bài thơ và câu chuyện ván cờ sinh tử - kể chuyện chơi cờ của nhà cùng tên tướng cướp. Tác giả là Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức - nhà thơ, nhà văn Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Tôi quyết định tìm thầy, được sư phụ hóa độ và trở thành nhà sư".

Để có thể trở về nguồn cội bình an, con người phải trải qua vô vàn đau khổ. Theo sư Chơn Hữu, trong bài pháp đầu tiên - Tứ diệu đế - Đức Phật dạy, con người phải nhận chân ra nỗi khổ, niềm đau mới thấy nguyên nhân các khổ, tìm cách giải khổ, đạt đến Niết-bàn, thoát khổ.

Hành trình tu tập trở về cội nguồn theo sư Chơn Hữu không ngoài việc rõ biết mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm. "Tỉnh thức, chánh niệm thì bài học nào đến với mình đều quý, đều là bài học mà mình phải học", sư nói.

Trong buổi giao lưu kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, nhà sư cũng trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc tham dự bằng những mẩu chuyện thiền hoặc soi sáng thông qua giáo lý nhà Phật, trải nghiệm thực tế. 

Buông bỏ và buông xả là hai bài học quan trọng mà hành giả cần thực hành để đạt đến an vui. Tất nhiên, theo sư, trước đó phải biết mình còn dính mắc chỗ nào để xả bỏ. 

ramatsach 2.jpg
Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: L.Đ.L

Tại buổi giao lưu, chị Trần Thị Mỹ Dung, Trưởng dự án Văn hóa đọc Việt Nam của tổ chức Cộng đồng sống tử tế còn đặt hàng sư Chơn Hữu viết sách, sáng tác nhạc dành cho phạm nhân để giúp họ có cải hóa tốt hơn trong lầm lạc của mình.

Nói về tác phẩm Trở về nguồn cội, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh - phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết, trở về nguồn cội chính là trở về với bản tâm thanh tịnh trong sáng. "Tác phẩm có nội dung sâu sắc, đưa độc giả hữu duyên có thể tiếp cận được với cốt lõi chánh pháp", Hòa thượng chia sẻ.

ramatsach 6.jpg

Được biết, Tỳ-kheo Chơn Hữu còn có hai tác phẩm khác, gồm Thơ và ý đạo, Minh triết mỗi ngày (do NXB Văn học ấn hành).

Dịp này, ra mắt sách, sư Chơn Hữu tặng 20 triệu đồng cho Quỹ Hạt giống nhỏ (S-Seeds) - chuyên chăm lo về giáo dục cho trẻ em ở mái ấm, trẻ mồ côi do bố mẹ mất trong đại dịch Covid-19. 

Các tin khác

Lộ diện 25 thí sinh vào vòng Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2024

Đêm Chung khảo Hoa hậu Việt Nam 2024 đã chọn được Top 25 vào vòng Chung kết. Đêm thi để lại ấn tượng với cộng đồng nhan sắc Việt nhờ chương trình công phu, nhiều ý nghĩa, với màn trình diễn mãn nhãn của thí sinh Hoa hậu Việt Nam.