Càng gần tới đại lễ, thông tin chi tiết về các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất được đăng tải rộng rãi khắp các nền tảng càng khiến người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung thêm nôn nao, háo hức.

Sáng 18.4, lần đầu tiên máy bay trực thăng quân sự của QĐND Việt Nam bay treo cờ từ sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) vào trung tâm TP.HCM
Ảnh: Mai Thanh Hải
"Có hẹn với lễ diễu binh lịch sử"
Hôm qua (18.4), hơn 20 tuyến đường tại trung tâm TP.HCM đã phải điều chỉnh phân luồng giao thông để phục vụ buổi tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành trên đường Lê Duẩn (Q.1). Từ sáng, dàn trực thăng huấn luyện kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc rợp trời, thu hút sự chú ý của người dân TP.HCM. Anh Hoàng Anh, từ Hà Nội vào TP.HCM công tác, xúc động trích lời bài hát Đất nước trọn niềm vui để thay cho cảm xúc khó nói thành lời khi trực tiếp ghi lại hình ảnh đoàn 10 chiếc trực thăng quân sự "vẽ" dải cờ giữa bầu trời thành phố. "Hội toàn thắng náo nức đất nước - Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang - Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam Tổ quốc anh hùng", lời bài hát cứ ngân lên trong lòng khi chứng kiến những khoảnh khắc thiêng liêng đó.
Cùng chung cảm xúc háo hức chờ tới ngày ra đường hòa chung bầu không khí hứa hẹn hoành tráng chưa từng có, anh Đoàn Anh Đức (ngụ TP.Thủ Đức) đã "gom" về không dưới 5 tấm bản đồ chi tiết các tuyến đường mà khối diễu binh, diễu hành sẽ đi qua, cùng thông tin các tuyến đường phải điều chỉnh lưu thông phục vụ buổi lễ. Từ cách đây 2 tuần, anh Đức đã lên kế hoạch chi tiết sáng sớm 30.4 đi tàu điện metro tới ga Nhà hát TP, rồi đi bộ tới đường Lê Duẩn, ra bến Bạch Đằng đón đoàn diễu binh theo hướng số 2 để tiện đường về từ ga metro Ba Son. Thế nhưng, càng gần tới ngày lễ, anh Đức càng phân vân bởi hình ảnh những đoàn diễu binh, kị binh từ 35 khối lực lượng vũ trang, công an, cùng sự góp mặt của học sinh, sinh viên và người lao động… được chuyền tay nhau càng nhiều, càng làm anh không muốn bỏ lỡ bất kỳ hướng tuyến nào.
"Càng gần đến 30.4, tôi càng cảm thấy háo hức và tự hào, vừa lo lắng chen không được giữa đoàn người, nhưng cũng vừa hồi hộp mong chờ được hòa chung vào không khí đặc biệt đó. Lễ duyệt binh với tôi không chỉ là một sự kiện long trọng, mà còn là dịp để thế hệ trẻ như tôi được kết nối với lịch sử, hiểu hơn và trân trọng những hy sinh của thế hệ đi trước. Theo tìm hiểu, tôi được biết lễ duyệt binh năm nay có rất nhiều máy bay hiện đại như Su-30MK2…; có nhiều binh chủng với các loại khí tài mới. Ngoài ra còn có binh chủng tôi thích là đổ bộ đường không, nên rất háo hức. Do các thành viên gia đình tôi đều công tác ở xa, nên đây cũng là cơ hội để mọi người sum họp, cùng trò chuyện để hiểu thêm về lịch sử đất nước cũng như tận mắt chứng kiến những tiến bộ trong quân sự nước nhà", anh Đoàn Anh Đức chia sẻ.

Người dân TP.HCM háo hức chờ lễ diễu binh, diễu hành ngày 30.4
Ảnh: Nhật Thịnh
Trên khắp các trang mạng xã hội, những sự kiện "Đi xem lễ diễu binh, diễu hành 30.4" liên tục được nhiều hội, nhóm tổ chức tới hàng vạn người cùng xác nhận tham gia. Ngày nào các thành viên cũng trao đổi, chia sẻ những hình ảnh mới, thông tin mới về buổi lễ; ban đầu hẹn nhau 5 giờ sáng, sau đó đổi lên 4 giờ, rồi í ới hẹn hò cùng mua cờ cầm tay, mua áo có hình cờ đỏ sao vàng… Có thể nhận thấy rất rõ, lễ diễu binh, diễu hành đã và đang kéo mọi người sát lại gần nhau hơn bao giờ hết.
Hàng loạt sự kiện hấp dẫn chưa từng có
Lễ diễu binh, diễu hành là sự kiện "hot" nhất, song, "bữa đại tiệc" mà TP.HCM chiêu đãi tất cả người dân và du khách đến dịp đại lễ còn rất nhiều "món" đặc sắc.
Theo kế hoạch, chuỗi hoạt động chủ đề Sắc màu Thành phố Bác tổ chức từ 19 giờ 30 - 21 giờ 30 các ngày 19, 26, 29 và 30.4 sẽ chính thức khai mạc lúc 19 giờ 30 ngày 19.4 tại sân khấu mở phía trước UBND TP.HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực công viên bến Bạch Đằng (đoạn từ cầu Ba Son đến Bến Nhà Rồng) bao gồm trình diễn ánh sáng, biểu diễn nhạc giao hưởng - hợp xướng, đờn ca tài tử... Riêng các ngày 29.4 và 30.4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực bến Bạch Đằng sẽ có các hoạt động biểu diễn văn nghệ đường phố như xiếc, ảo thuật, hát bội, võ thuật, nhạc kèn, thuyền hoa trên sông Sài Gòn; diễu hành tàu du lịch, đờn ca tài tử trên sông Sài Gòn, các chương trình thể thao dưới nước, trình diễn thuyền buồm sailing, trình diễn bay bằng phản lực nước, lướt ván flyboard và dù lượn… Đặc biệt, sẽ có màn trình diễn 10.500 drone (thiết bị bay không người lái) dự kiến được lập hồ sơ đề xuất xác lập kỷ lục Việt Nam về số lượng thiết bị bay không người lái nhiều nhất tại một thời điểm.
Cùng với đó, chương trình nghệ thuật 3D Mapping sẽ diễn ra các ngày 19, 26, 29 và 30.4 từ 19 giờ 30 - 21 giờ 30 tại khu vực trước trụ sở UBND TP.HCM, tổ chức trình chiếu nghệ thuật 3D Mapping kết hợp âm nhạc, ánh sáng và nghệ thuật trình diễn với sự tham gia của các đoàn nghệ sĩ từ Pháp, Singapore, Bỉ, Việt Nam.
Cũng từ 26.4 - 2.5.2025, hàng loạt chương trình như triển lãm và chiếu phim kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất; chương trình Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025; Triển lãm nghệ thuật sắp đặt chủ đề Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30.4.1975 sẽ liên tục được tổ chức tại các tuyến đường trung tâm thành phố như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, để người dân và du khách có thể tận hưởng những không gian văn hóa, nghệ thuật, lịch sử đặc sắc chưa từng có. Tối 30.4, từ 21 - 21 giờ 15, TP.HCM sẽ bắn pháo hoa tại 30 điểm (2 điểm tầm cao và 28 điểm tầm thấp) tại các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Nhìn sơ qua danh sách các chương trình, anh Võ Tuấn Vũ (giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) đã "choáng" vì độ hoành tráng. Sinh ra và lớn lên tại vùng "đất thép" Củ Chi, hơn 30 năm qua, anh chưa từng thấy sự kiện nào được tổ chức quy mô lớn đến như vậy tại TP.HCM. Bản thân cũng đang cùng địa phương thực hiện một đường cờ Tổ quốc dài gần 700 m tại quê nhà Củ Chi để hòa cùng không khí đón đại lễ, anh Vũ chia sẻ: "Mọi năm, ngày 30.4 với mình là dịp được nghỉ ngơi và đi du lịch nhưng năm nay, cảm xúc hoàn toàn khác. Gia đình mình có cả ông bà nội và ông bà ngoại đều tham gia kháng chiến, nên càng xúc động hơn. Bà ngoại mình mấy nay tối nào xem ti vi thấy hình ảnh tập luyện lễ diễu binh, duyệt binh cũng khóc. Bà kể về những đồng chí đã hy sinh, kể về những lần giấu gạo nuôi cán bộ, kể về người anh ruột đi bộ đội bị bắt giam ở Côn Đảo, kể về bà thông gia đêm nào cũng trốn nhà đi đào địa đạo… Những chuyện đó thỉnh thoảng bà cũng nhắc, nhưng ở cột mốc đặc biệt 50 năm đất nước thống nhất này, mình mới cảm nhận rõ sự ác liệt của chiến tranh, để càng thêm biết ơn và tự hào về hòa bình, độc lập hôm nay".
Bầu không khí hào hùng và náo nức đang tràn ngập khắp TP.HCM cũng như trên cả nước. Tất cả đều đang hướng về đại lễ 30.4 - dấu mốc lịch sử tri ân quá khứ, hướng tới tương lai vươn mình của dân tộc.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM, người dân đến xem các hoạt động kỷ niệm có thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, metro (đến các ga Ba Son, Nhà hát Thành phố, Bến Thành…). Người dân cũng có thể theo dõi lễ kỷ niệm qua 20 màn hình LED đặt tại 7 tuyến đường chính là: đường Lê Duẩn (6 màn hình), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (3 màn hình), Lê Lợi (3 màn hình), Nguyễn Huệ (2 màn hình), Đồng Khởi (2 màn hình), Điện Biên Phủ (2 màn hình) và Nguyễn Đình Chiểu (2 màn hình) hoặc xem trên sóng truyền hình, các nền tảng mạng xã hội…