Kịch bản thiếu lửa, nhân vật thừa vai
Khởi đầu với một tiền đề tưởng như đầy hứa hẹn, Resident Playbook nhanh chóng rơi vào vũng lầy của sự nhạt nhòa đến khó tin. Bối cảnh của phim được xây dựng tại khoa Sản – Phụ khoa của bệnh viện Jongno Yulje, nơi bốn bác sĩ nội trú trẻ tuổi đối mặt với những thử thách trong hành trình trở thành những y bác sĩ thực thụ. Các nhân vật chính của bộ phim đều mang những đặc điểm thú vị: Yi Young (Go Yoon-jung), cô nàng “rich kid” từng bỏ học y khoa, quay lại bệnh viện với một khoản nợ khổng lồ; Pyo Nam Kyung (Shin Si Ah), người bạn học cũ chuyên cạnh tranh với Yi Young; Sa Bi (Han Ye Ji), cô sinh viên ưu tú nhưng mắc phải vấn đề giao tiếp xã hội, khiến cho cô đôi khi tạo ra cảm giác khó chịu cho bệnh nhân; và Jae-il (Kang You Seok), một cựu thần tượng Kpop từ bỏ hào quang để theo đuổi ước mơ làm bác sĩ trong một môi trường khắc nghiệt. Tưởng chừng như đây là một bộ tứ đầy màu sắc, với sự kết hợp của các tính cách khác biệt, có thể dẫn dắt người xem vào một hành trình trưởng thành đầy cảm xúc và sâu sắc – thứ mà nhiều bộ phim Hàn Quốc về ngành y đã từng làm rất thành công. Nhưng chỉ sau vài tập, Resident Playbook dần để lộ những khuyết điểm nghiêm trọng, khiến những kỳ vọng dần tan biến trong sự thất vọng.

Cách kể chuyện của Resident Playbook thiếu đi sự kịch tính và cao trào cần thiết, khiến khán giả không thể đắm chìm vào bộ phim như cách mà người tiền nhiệm Hospital Playlist từng làm rất thành công. Các tình huống y khoa, thay vì khắc họa được những áp lực, khó khăn và cảm xúc thăng trầm trong nghề, lại trở nên lặp đi lặp lại, thiếu điểm nhấn và sáng tạo. Những ca bệnh được xử lý gọn gàng, sạch sẽ đến mức vô cảm, như thể chỉ là cái cớ để kéo dài thời lượng thay vì đẩy nhân vật vào trạng thái thử thách hay biến cố. Những cuộc trò chuyện giữa các bác sĩ cũng không giúp khai phá được chiều sâu nội tâm hay mở rộng thế giới quan của từng cá nhân – chúng đơn thuần là những đoạn đối thoại vòng vo, dàn trải, không dẫn đến đâu, khiến mối liên kết giữa các nhân vật thiếu tự nhiên và không để lại ấn tượng gì rõ rệt. Hành trình "yêu nghề" – vốn được coi là chủ đề chính của phim – lại bị kể lại một cách vô hồn, thiếu hẳn sự khủng hoảng chuyên môn hay xung đột nội tâm đủ mạnh để đẩy nhân vật đến giới hạn cảm xúc, khiến sự trưởng thành trong họ trở nên hời hợt và khiên cưỡng.
Khán giả dễ dàng nhận ra rằng Resident Playbook thiếu hẳn những cú hích cảm xúc – điều kiện cần có để một bộ phim y khoa thực sự chạm tới người xem. Không có biến cố lớn trong nghề nghiệp, không có đối thoại nội tâm đủ sâu sắc, không có thậm chí một mối quan hệ cá nhân nào đủ bền chặt để giữ chân người xem theo dõi. Câu chuyện cứ đều đều trôi đi như một ca trực đêm kéo dài vô tận, không có tai biến, không có cảnh cấp cứu gấp gáp, không có giằng xé đạo đức hay phút giây sinh tử – tất cả những gì từng làm nên linh hồn của dòng phim bệnh viện. Đáng tiếc hơn, tuyến nhân vật phụ trong phim lại càng khiến tổng thể trở nên nhạt nhẽo hơn bao giờ hết. Những nhân vật vốn có thể góp phần làm giàu cho câu chuyện – từ các y tá, bác sĩ tiền bối cho tới bệnh nhân – đều được xây dựng như những cái bóng thoáng qua, không chiều sâu, không vai trò rõ rệt trong mạch phát triển nhân vật chính. Họ hiện diện chỉ để lấp đầy khung hình, chứ không đóng góp bất kỳ năng lượng hay ảnh hưởng cảm xúc nào đủ sức tác động đến không khí chung.

Sự xuất hiện của tiền bối Myeong Eun-won (Kim Hye-in) – nhân vật phản diện duy nhất của phim nhưng lại được triển khai một cách gượng gạo và khó chịu. Nhân vật này hiện diện như một khối năng lượng tiêu cực vô cớ, không có động cơ rõ ràng, không có tiến triển hay chiều sâu tâm lý. Những lần cô xuất hiện đều khiến nhịp phim chùng xuống, tạo ra cảm giác khó chịu cho người xem mà không hề giúp câu chuyện tiến triển theo hướng nào đáng kể. Việc cố đưa vào một nhân vật "ác" theo công thức cũ kỹ, nhưng lại không thuyết phục được khán giả về tính cách lẫn mục tiêu của nhân vật, chỉ càng phơi bày sự bế tắc trong khâu kịch bản.
Một yếu tố khác, vốn được kỳ vọng sẽ làm tăng thêm chiều sâu cho bộ phim, chính là tuyến tình cảm giữa Yi Young và Do-won (Jung Joon Won). Đây được coi là một điểm nhấn quan trọng trong việc khắc họa mối quan hệ cá nhân của các nhân vật, nhưng thay vào đó, nó lại rơi vào tình trạng gượng gạo và thiếu thuyết phục. Mặc dù cả hai có những khoảnh khắc riêng tư, nhưng cảm giác “chemistry” giữa họ gần như không tồn tại. Những cuộc trò chuyện, ánh mắt trao nhau, hay những nụ cười đều thiếu một sự kết nối chân thật, khiến người xem không thể tin vào mối quan hệ này. Khi ngay cả những chi tiết nhỏ nhất như vậy cũng gặp phản ứng trái chiều, Resident Playbook cho thấy rõ rằng đôi khi, những công thức đã thành công trong quá khứ không thể cứ mãi áp dụng cho mọi tình huống.

Dàn cast non tay, nữ chính gây thất vọng trầm trọng
Dù được đặt nhiều kỳ vọng nhờ thương hiệu Hospital Playbook trước đó và xuất phát điểm là loạt teaser đầy cảm xúc, Resident Playbook nhanh chóng khiến khán giả hụt hẫng khi diễn xuất của dàn cast không thể nâng đỡ được một kịch bản vốn đã nhạt nhòa. Điều đáng tiếc là bộ tứ nội trú – những người lẽ ra phải mang đến năng lượng trẻ trung, đời thường và cảm xúc tự nhiên – lại bị đánh giá là thiếu cảm xúc, gượng gạo và thiếu sự ăn ý trong tương tác. Mỗi nhân vật đều có xuất thân và cá tính riêng, nhưng khi được thể hiện qua diễn xuất lại trở nên một màu, không để lại ấn tượng đặc biệt nào.
Đặc biệt gây tranh cãi là vai nữ chính Yoo Yi Young do Go Yoon-jung đảm nhận. Từng được kỳ vọng sẽ là "át chủ bài" của phần spin-off này nhờ sức hút từ loạt vai diễn trước đó (Alchemy of Souls, Moving), Go Yoon-jung lại gây thất vọng khi thể hiện một nhân vật nội trú thiếu chiều sâu, nét biểu cảm hạn chế và thường xuyên rơi vào trạng thái mơ hồ, đờ đẫn. Yi-yeong vốn được xây dựng là một "rich kid" có nhiều tổn thương, từng bỏ học y rồi quay lại với lý tưởng riêng – một dạng nhân vật rất cần sự tinh tế trong việc thể hiện mâu thuẫn nội tâm. Thế nhưng Go Yoon-jung lại chọn cách diễn quá an toàn, dẫn đến việc nhân vật của cô gần như không có sức sống: không đủ bướng bỉnh để gây tò mò, không đủ tổn thương để khiến người xem đồng cảm.

Các tuyến phụ như Nam Kyung, Sa Bi hay Jae-il cũng không khá hơn. Họ có những câu chuyện riêng, nhưng cách thể hiện lại không có sự chuyển biến cảm xúc đủ rõ rệt, khiến diễn xuất trượt dần vào trạng thái "đọc thoại theo kịch bản". Ngay cả những phân cảnh lẽ ra có thể làm bùng nổ cảm xúc – như khi đối diện với thất bại chuyên môn, nỗi đau mất bệnh nhân, hay mâu thuẫn trong nội bộ – đều bị xử lý qua loa, thiếu điểm nhấn diễn xuất và không khai thác được chiều sâu tâm lý.
Nam chính Jo Do Won là một trong số ít điểm sáng hiếm hoi về mặt diễn xuất trong Resident Playbook. Anh được khen ngợi vì phong thái điềm tĩnh, ánh mắt trầm ổn và cách xử lý vai diễn nhẹ nhàng nhưng đầy duyên dáng. Trong những phân đoạn nội tâm hoặc các cảnh tương tác với bệnh nhân, nam diễn viên cho thấy sự tiết chế vừa đủ, tạo cảm giác nhân vật Do Won thực sự là một người bác sĩ đã từng trải qua nhiều thăng trầm trong nghề. Sự tự nhiên và tinh tế trong diễn xuất của anh trở thành điểm tựa cần thiết giữa một dàn cast phần lớn còn non tay.

Tuy nhiên, trái với diễn xuất ổn định ấy, Do Won lại gây ra nhiều tranh cãi về mặt hình ảnh khi đứng cạnh nữ chính Yi Young. Sự kết hợp giữa hai nhân vật này bị đánh giá là thiếu ăn ý một cách rõ rệt – không phải vì khoảng cách tuổi tác hay hình thức đơn thuần, mà nằm ở việc cả hai không tạo được bất kỳ sự cộng hưởng cảm xúc nào trên màn ảnh. Những tương tác giữa họ thiếu lửa, thiếu nhịp và thiếu luôn lý do để khán giả tin vào một mối quan hệ đang dần chớm nở. Càng về sau, khi kịch bản cố gắng đẩy mạnh yếu tố tình cảm với các cảnh “thân mật” hay lời thoại mang tính gợi mở, sự gượng gạo của cặp đôi này chỉ càng lộ rõ. Thay vì mang lại cao trào cảm xúc, họ lại khiến khán giả thấy xa cách, lạnh lẽo – như hai con người đang đóng vai yêu nhau, nhưng không thực sự có điều gì để kết nối.
Cách casting tưởng chừng táo bạo với dàn diễn viên mới đầy tiềm năng nhưng thiếu sự cân nhắc về tổng thể này một lần nữa đặt dấu hỏi cho định hướng của Resident Playbook: Liệu ê-kíp làm phim đã ưu tiên tính cá nhân của từng diễn viên, thay vì xây dựng một tổng thể hòa hợp về hình ảnh và cảm xúc?
Cú sảy chân đáng tiếc
Không ít khán giả thẳng thắn thừa nhận rằng những lần xuất hiện chớp nhoáng của dàn bác sĩ kỳ cựu từ Hospital Playlist như Ik-jun, Seok-hyung hay Song-hwa chính là những khoảnh khắc hiếm hoi khiến họ thực sự hồi hộp chờ đợi – một điều trớ trêu khi đây lại là khách mời, chứ không phải trung tâm của câu chuyện. Những gương mặt quen thuộc ấy, chỉ cần xuất hiện vài phút cũng đủ để tạo nên sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ – điều mà dàn nhân vật chính trong Resident Playbook còn đang loay hoay tìm kiếm sau cả một mùa phim.

Rõ ràng, Resident Playbook đã bỏ lỡ một cơ hội vàng để trở thành một tác phẩm độc lập thực sự hấp dẫn và đáng nhớ. Thay vì tự tin khai phá một hành trình mới với màu sắc riêng, bộ phim lại quá mải mê tái hiện không khí quen thuộc từ Hospital Playlist – từ cách dẫn chuyện, nhịp phim đến những chi tiết tưởng chừng ngẫu nhiên nhưng đầy dụng ý – mà quên mất việc tạo dựng chiều sâu và cá tính cho chính mình. Đó là một sự lựa chọn an toàn, nhưng cũng đầy lười biếng. Thay vì mở ra một thế giới nội trú nhiều thử thách và áp lực hơn, Resident Playbook lại khiến người xem ngập trong những đoạn hội thoại vòng vo, những tình huống được xử lý qua loa và một nhịp điệu kể chuyện đều đều đến mức ru ngủ. Bộ phim hoàn toàn có thể trở nên khác biệt – nếu mạnh dạn dấn sâu vào những xung đột nghề nghiệp gai góc hơn, nếu cho phép các nhân vật va chạm, tổn thương và trưởng thành một cách chân thật, thay vì giữ họ an toàn trong những khuôn mẫu quá hiền lành.
Và hơn hết, nếu ê-kíp làm phim thực sự hiểu rằng điều khiến khán giả yêu Hospital Playlist không chỉ là bối cảnh bệnh viện, những bản nhạc cũ hay vài lần chạm mặt giữa các bác sĩ – mà là cảm xúc chân thực, là những nhân vật sống động, đầy cá tính nhưng cũng đầy khiếm khuyết, là một tinh thần nhân văn thấm đẫm vào từng câu thoại và từng lựa chọn sống còn. Những thứ ấy, tiếc thay, Resident Playbook mới chỉ mô phỏng lại được lớp vỏ bề mặt – còn cái lõi cảm xúc bên trong, thì phim chưa từng thực sự chạm tới.