Ca sĩ, nhạc sĩ Jimmii Nguyễn tên thật là Nguyễn Thanh Dũng Ngọc Long, sinh năm 1970 trong một gia đình gốc Huế. Năm 1980, khi Jimmii Nguyễn 10 tuổi, anh được cha đưa sang Mỹ định cư.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, Jimmii Nguyễn chia sẻ về biến cố tuổi thơ, nỗi đau bị chia cắt với gia đình, nguồn cội và những cảm xúc sau gần 30 năm từ lần đầu trở về đất nước để thực hiện giấc mơ "làm nghệ sĩ Việt Nam".

Ca sĩ Jimmii Nguyễn (Ảnh: Facebook nhân vật).
"Quãng đời bên mẹ đột ngột bị chia cắt khiến tôi đau đớn"
Hành trình ra biển, cập bến mới thay đổi cuộc đời Jimmii Nguyễn như thế nào?
- Đó là ký ức khó có thể quên. Lúc bấy giờ tôi vẫn còn là cậu bé 10 tuổi hồn nhiên, chưa bao giờ đối diện với những vụ tấn công, cướp biển và sự mất mát.
Hóa ra, biển cả không đẹp đẽ như tôi từng mơ mộng bởi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Chỉ chớp mắt, cậu bé Jimmii Nguyễn ngày đó bỗng nhiên già trước tuổi.
Kỷ vật ý nghĩa nhất anh mang theo khi rời Việt Nam là gì?
- Tôi chỉ mang theo ký ức, những kỷ niệm ý nghĩa, vô giá đối với tôi. Nhiều người thắc mắc vì sao tôi nhớ mãi không quên quãng thời gian thơ ấu 9-10 tuổi.
Dù phải rời đi đột ngột, tôi vẫn may mắn giữ lại những ký ức êm đẹp ở quê hương. Những hình ảnh cuối cùng, những điều tôi chưa kịp làm trước khi tách khỏi mẹ và các em để rời Việt Nam, luôn in sâu trong tôi.

Cuộc đời Jimmii Nguyễn trải qua nhiều biến cố (Ảnh: Facebook nhân vật).
Làm thế nào để anh xua đi cảm xúc lạc lõng nơi xứ người?
- Vì một số lý do, tôi từng sống cùng nhiều gia đình giám hộ bên Mỹ. Trong đó, tình cảm của một gia đình tốt bụng đã giúp tôi xoa dịu nỗi đau tuổi thơ.
Tuy nhiên, càng lớn, tôi càng nhận ra mỗi lần bước xuống đường, mình không được xem như một người Mỹ mắt xanh, tóc vàng, cao lớn. Dù người Mỹ rất đáng yêu, cởi mở, tôi vẫn cảm thấy họ nhìn mình bằng đôi mắt khác biệt.
Chia ly mẹ từ ngày nhỏ và tái ngộ mẹ sau hơn 10 năm khi đã trưởng thành. Hai cột mốc này ảnh hưởng đến anh ra sao?
- Tôi đau xót vì quãng thời gian bên mẹ đã bị mất đi. Khi đột ngột xa mẹ, hình ảnh mẹ đóng băng lại, in sâu vào tâm trí tôi. Những năm tháng đầu tiên nơi xứ người, bao đêm tôi khóc thút thít vì nhớ mẹ.
Nhưng khi gặp lại sau hơn 10 năm, mẹ không còn là người mẹ trong ký ức đó nữa, đã có nhiều chuyện xảy ra, có bức tường ngăn cách giữa chúng tôi.
Tình yêu thương máu mủ vẫn còn, nhưng tôi không còn có thể chạy lại ôm chầm, dúi đầu vào người mẹ như xưa. Mẹ ở đó, mà không còn ở đó nữa...

Jimmii Nguyễn trong buổi giới thiệu đêm nhạc "Du ca: Về với biển" hôm 10/4 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Điều gì khiến anh luôn thôi thúc ý định trở về Việt Nam, như tựa đề cuốn sách "Hành trình về phương sao"?
- Với tôi, "phương sao" là quê hương, đất nước, là điều tôi luôn trông ngóng từ lúc rời đi cho đến khi trở về. Lúc nằm trên boong tàu lênh đênh trên biển ngắm trời sao năm xưa, tôi thấy một chòm sao nằm liền kề nhau như con số 7. Tôi tự nhủ nếu chẳng may bị lạc, tôi sẽ tìm chòm sao này để trở lại.
Thời mới ca hát tại hải ngoại, tôi đạt được những thành công nhất định. Nhưng tôi vẫn cô đơn trên mảnh đất xứ người. Là một người nhạc sĩ, tôi nghĩ mình chỉ thuộc về môi trường tiếng mẹ đẻ, tôi khao khát được làm nghệ sĩ Việt Nam, hát trên mảnh đất quê hương. Đó là lúc tôi quyết định mình phải trở về.
"Không được lựa chọn lúc ra đi, nhưng có quyền lựa chọn quay về"
Trên chuyến bay đầu tiên về Việt Nam năm 1996, cảm xúc của Jimmii Nguyễn như thế nào?
- Tôi thấy hồi hộp, đan xen những cảm xúc buồn bã, mất mát về tuổi thơ, gia đình đã không còn trọn vẹn. Khi ấy, tôi cũng lo lắng về việc thử thách chính mình, liệu giọng hát, âm nhạc của mình có được đón nhận tại quê hương hay không? Nếu được đón nhận, tôi sẽ làm gì để tồn tại?
Để trả lời cho câu hỏi này, tôi tự đặt ra cho mình một "ngọn núi" mà mình phải vượt qua: Tìm gặp bằng được nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trình bày những ca khúc cho các nghệ sĩ gạo cội nghe và mong chờ sự nhận xét từ họ.

Jimmii Nguyễn cúi đầu cảm ơn khán giả trong liveshow cuối năm 2022 (Ảnh: Ban tổ chức).
Cuối cùng, cuộc gặp với các nhạc sĩ đi trước cho anh bài học gì?
- Hôm ấy, nhạc sĩ Trần Tiến dẫn tôi đến gặp bác Trịnh Công Sơn. Tôi chơi guitar, hát bài Người nói. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghe hết bài, lấy khăn lau nước mắt.
Đối với tôi đó là ngọn núi lớn mà tôi tự hào vì mình đã vượt qua. Nhiều người nghĩ rằng Việt Nam là đất nước nhỏ bé, nhưng với người lớn lên từ Mỹ như tôi, tôi thấy nền văn hóa quê hương rộng lớn vô cùng. Tôi tự thấy nhỏ bé khi đứng trước những cây đa, cây đề của giới nghệ thuật.
Từ bước ngoặt đó, Jimmii Nguyễn nghiệm ra điều gì để khán giả Việt Nam nhớ đến tên tuổi, âm nhạc của anh?
- Muốn quê hương hiểu mình, thì mình phải tìm hiểu quê hương trước. Có giai đoạn, tôi đi khắp nơi để cảm nhận vẻ đẹp mọi miền Tổ quốc, cảm nhận sự trăn trở, những cung bậc cảm xúc của con người Việt Nam.
Tôi hạnh phúc vì khán giả cũng đón nhận mình. Lúc mới về nước, đi đâu tôi cũng nghe những bài hát của tôi như: Nhớ về em, Tình như lá bay xa... Từ năm 1996 cho đến sau này, mọi thứ dần dần mở ra những cơ hội cho tôi hiểu về đất nước và khán giả quê nhà cũng thấu hiểu tôi hơn.
Tôi nhận ra quyết định về nước là lựa chọn vô cùng đúng đắn vì tôi được tồn tại, tôi được yêu thương, được nỗ lực để đền đáp xứng đáng cho sự ủng hộ mà khán giả dành cho mình.

Bà xã Ngọc Phạm luôn đồng hành cùng Jimmii Nguyễn (Ảnh: Facebook nhân vật).
Sáng tác ca khúc về đất nước, làm nhiều hoạt động từ thiện, đó là cách Jimmii Nguyễn đóng góp sức mình cho quê nhà?
- Mỗi người trong xã hội có một vai trò riêng. Là nhạc sĩ, tôi dùng âm nhạc để làm sao lan tỏa tình yêu quê hương, Tổ quốc đến khán giả xa xứ. Tôi yêu tiếng nói mẹ đẻ, ao ước được trở về góp sức mình vào dòng chảy của nghệ thuật, văn hóa nước nhà.
Là người con Việt Nam, tôi luôn mong đợi đất nước thành công trên mọi lĩnh vực. Ví dụ, mỗi lần ở nước ngoài, đến những trung tâm thương mại bắt gặp món đồ in dòng chữ "Made in Vietnam" (sản xuất ở Việt Nam - PV), tôi tự hào lắm.
Thông qua câu chuyện trở về, anh muốn nhắn nhủ điều gì?
- Việt Nam là đất nước thống nhất, hòa bình, Bắc Nam non sông nối liền một dải. Đó là điều rất màu nhiệm, thiêng liêng.
Tôi không có quyền lựa chọn lúc mình ra đi, nhưng có quyền lựa chọn quay về. Khi chúng ta trở về bằng tấm lòng thành, ở đâu cũng sẽ đón nhận chúng ta. Đó cũng là điều tôi muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ kiều bào ở nước ngoài: Đừng bao giờ bỏ quên cội nguồn. Người Mỹ da đen không bao giờ chối bỏ màu da của họ. Tại sao chúng ta phải chối bỏ gốc gác?
Trước đây anh thường được gọi là "ca sĩ bi lụy", "ca sĩ đau khổ nhất Việt Nam". Hiện tại anh đã làm lành với nỗi đau?
- Thời gian là liều thuốc nhiệm màu. Nhìn lại, tôi không hằn học mà thấy biết ơn nghịch cảnh đã tạo nên tôi ngày hôm nay. Đó cũng là động lực để tôi trân trọng hạnh phúc của hiện tại.
Cảm ơn Jimmii Nguyễn vì những chia sẻ!
Năm 1992, Jimmii Nguyễn ra mắt album Mãi mãi bên em và nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Năm 1996, nam ca sĩ trở về biểu diễn ở Việt Nam. Những năm gần đây, Jimmii Nguyễn chủ yếu hoạt động, sinh sống tại quê nhà.
Hồi tháng 1, Jimmii Nguyễn thực hiện đêm nhạc Trần - Nguyễn Du ca ở Hà Nội với sự tham gia của nhạc sĩ Trần Tiến. Ngày 3/5 tới, anh tổ chức đêm nhạc Du ca: Về với biển tại Cửa Lò (Nghệ An) với sự tham gia của Chu Thúy Quỳnh cùng bà xã Ngọc Phạm và con gái Alena.