Phim

Đạo diễn 8X nói về áp lực khi làm phim lịch sử

Tóm tắt:
  • Đặng Thu Trang đã truyền tải ý nghĩa lịch sử qua phong cách gần gũi, sinh động.
  • Bộ phim "Vũ khúc mưa xuân" kể câu chuyện tình yêu gặp nhiều thử thách và hành trình tha thứ.
  • Phim lấy bối cảnh làng nghề thêu cổ truyền, tái hiện văn hóa và truyền thống Việt Nam.
  • Quá trình quay gặp thách thức chọn cảnh cổ sơ để giữ nét đẹp mộc mạc làng quê.
  • Bộ phim truyền tải giá trị nhân văn và văn hóa qua các yếu tố hình ảnh, mưa và cảnh vật đặc trưng.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), đạo diễn Đặng Thu Trang mang đến bộ phim Vũ khúc mưa xuân. Đây là một tác phẩm điện ảnh ý nghĩa về câu chuyện tình yêu và hành trình vượt qua đau thương, hóa giải những nỗi đau trong quá khứ để tìm thấy tình yêu và sự tha thứ.

Đạo diễn 8X nói về áp lực khi làm phim lịch sử - 1

Một cảnh trong phim "Vũ khúc mưa xuân" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Nội dung phim kể về câu chuyện tình yêu đầy sóng gió giữa Jenny (một Việt kiều, là họa sĩ nghiên cứu trang phục dân tộc) và Dũng (con trai của một nghệ nhân thêu may cổ phục). Họ gặp nhau khi Jenny trở về Việt Nam tham gia từ thiện và tìm hiểu văn hóa dân tộc.

Tình yêu của hai người bị ngăn trở khi bà An, mẹ Dũng, phát hiện ra cha của Jenny chính là người gián tiếp gây ra cái chết của mẹ bà trong quá khứ. Và đây cũng chính là lý do khiến bà An không thể tha thứ và đã ngăn cản lễ cưới, khiến Dũng và Jenny phải chia tay trong đau khổ.

Đạo diễn Đặng Thu Trang cho biết, bộ phim đến với chị như một mối duyên lành. Trước đây, chị chưa từng nghĩ sẽ thực hiện một bộ phim như vậy bởi đề tài này không phải thế mạnh của mình.

"Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi tôi đọc kịch bản của biên kịch, Thượng tá Nguyễn Thu Dung. Kịch bản mang đến một câu chuyện hậu chiến mới lạ, không chỉ nói về nỗi đau chiến tranh mà còn đan xen chất liệu văn hóa cùng thông điệp vị tha sâu sắc. Vì vậy, tôi đã thực hiện bộ phim này", Thu Trang cho hay.

Điểm nhấn đặc biệt của bộ phim là lễ hội tôn vinh sản phẩm làng nghề, được tái hiện tại sân đình cổ với giếng nước và cây xoài cổ thụ 400 năm tuổi. Tại đây, các bộ Việt phục, thư pháp Hán Nôm và nhạc cổ phong được giới thiệu một cách đầy nghệ thuật, mang đến không khí lễ hội đậm nét văn hóa.

Bối cảnh đòi hỏi sự sắp xếp hình ảnh thật mỹ thuật và tự nhiên, để khán giả cảm nhận rõ nét vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi của làng quê Việt Nam. Theo đó, bộ phim được quay tại một làng nghề thêu cổ truyền ở ngoại ô Hà Nội, nơi những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ.

Bên cạnh đó, phim cũng được quay tại các làng nghề và những cảnh quay tại ngoại thành Hà Nội, như: Làng Đào Xá, làng thêu Đông Cứu của huyện Thường Tín...

Nét đẹp của Hà Nội lẫn màu sắc bình dị của làng quê được tái hiện trên phim cùng những cảnh quan mang đậm ý nghĩa lịch sử, như: Dinh Độc Lập, chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… ở TPHCM.

Đạo diễn 8X nói về áp lực khi làm phim lịch sử - 2

Đạo diễn Đặng Thu Trang (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

"Câu chuyện phim xoay quanh nghề thêu, Việt phục cổ truyền, vì vậy việc lựa chọn bối cảnh trở thành một thách thức lớn. Đoàn phim phải tìm kiếm những làng quê nguyên sơ, ít chịu tác động bởi kiến trúc hiện đại để tái hiện hình ảnh làng nghề truyền thống ở miền Bắc.

Bối cảnh chính bao gồm một ngôi nhà cổ bằng gỗ trang nhã, cùng dòng sông, cây gạo đỏ, mái chùa, đình làng, gốc đa và giếng nước, tạo nên nét đặc trưng của làng quê ngoại thành Hà Nội", đạo diễn bộ phim chia sẻ.

Đặng Thu Trang cho rằng, áp lực lớn nhất khi thực hiện một bộ phim về lịch sử và hậu chiến nhưng lồng ghép câu chuyện văn hóa là làm sao để thể hiện thật tinh tế, khéo léo, nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống nhưng cũng tránh tuyên truyền khô cứng, một màu.

"May mắn thay, những yếu tố văn hóa mà tôi mong muốn truyền tải cùng ý nghĩa nhân văn sâu sắc của bộ phim đã được giữ nguyên vẹn. Chính sự hỗ trợ từ Điện ảnh Quân đội nhân dân đã giúp đoàn làm phim thực hiện bộ phim trọn vẹn về mặt ý nghĩa lẫn tính nhân văn, mang đến một tác phẩm giàu giá trị văn hóa và thông điệp sâu sắc", nữ đạo diễn sinh năm 1981 cho biết.

Đạo diễn 8X nói về áp lực khi làm phim lịch sử - 3

Thượng tá Nguyễn Thu Dung - Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, biên kịch phim "Vũ khúc mưa xuân" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Thượng tá Nguyễn Thu Dung - Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, biên kịch phim - chia sẻ, hình ảnh mưa trong phim mang nhiều sắc thái và ý nghĩa tượng trưng khác nhau, thể hiện tâm trạng, thông điệp riêng.

"Sự đa dạng của mưa trong phim giúp truyền tải thông điệp nhân văn sâu sắc, tạo nên một nhịp điệu điện ảnh tinh tế, kết nối chặt chẽ với câu chuyện của các nhân vật", bà Dung chia sẻ.

Phim có sự tham gia của các diễn viên: Mai Huê, Lý Hồng Ân, Thừa Anh Tuấn, Phạm Viết Vinh, Diệu Linh...

Đạo diễn Đặng Thu Trang sinh năm 1981 tại Hải Phòng, tốt nghiệp khoa Đạo diễn điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Chị là tác giả kịch bản của các phim truyện: Mụ Lẫm, Nữ cảnh sát tập sự, Phía trước là bình minh...

Thu Trang còn là đạo diễn của các phim truyền hình: Đời chè, Hoa hồng mua chịu... và các chương trình truyền hình khác.

Các tin khác

Thảm đỏ Chung khảo Hoa hậu Việt Nam 2024: Đỗ Thị Hà, Thanh Thủy khoe nhan sắc rực rỡ

Sau hành trình dài bốn tháng, khởi đầu từ Thủ đô Hà Nội, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 đã đi qua ba miền của đất nước: Đến với TP.HCM, TP Đà Nẵng, TP Huế, đến với mảnh đất anh hùng Quảng Trị và trở lại Thủ đô trong đêm Chung khảo Toàn quốc. Thảm đỏ của đêm thi chứng kiến màn đọ sắc ấn tượng của Hoa hậu Đỗ Thị Hà và Hoa hậu Thanh Thủy.

Hoa hậu Việt Nam không chỉ là hành trình tìm kiếm nhan sắc

Phát biểu khai mạc đêm Chung khảo toàn quốc Hoa hậu Việt Nam 2024, nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng biên tập báo Tiền Phong - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi - khẳng định Hoa hậu Việt Nam không chỉ là hành trình tìm kiếm nhan sắc, mà còn chạm tới vẻ đẹp đích thực. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ và trái tim biết sẻ chia, biết rung cảm trước những điều tốt đẹp trong cuộc sống.