Showbiz

Đã đến thời nghệ sĩ lên livestream bán hàng còn chăm hơn lên sân khấu diễn!

Tóm tắt:
  • Nghệ sĩ chuyển sang livestream bán hàng để mở rộng thu nhập và giữ danh tiếng.
  • Các buổi livestream kéo dài nhiều tiếng, mang lại doanh thu lớn và sự nổi bật.
  • Tuy nhiên, livestream cũng gây rủi ro về mất niềm tin khi có tranh cãi hoặc Sai sót.
  • Công việc này biến nghệ sĩ thành thương nhân, làm mất đi hình ảnh nghệ thuật truyền thống.
  • Livestream trở thành "sân khấu nguy hiểm" đòi hỏi nghệ sĩ kiểm soát cẩn thận và tỉnh táo.

Xem nghệ sĩ hay xem người bán hàng?

Không khó để thấy, livestream bán hàng đã và đang trở thành "lối rẽ" được nhiều nghệ sĩ lựa chọn - thậm chí là theo đuổi một cách nghiêm túc. Từ diễn viên, ca sĩ đến người mẫu, MC… hàng loạt cái tên quen mặt trên sân khấu giờ đây xuất hiện nhiều hơn trên các khung giờ livestream. Không phải trong vai diễn hay show truyền hình, mà là trong vai người bán hàng.

Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như Diệp Lâm Anh, Lê Dương Bảo Lâm, Hương Giang... đều được mệnh danh là "chiến thần chốt đơn" của Vbiz. Mỗi buổi livestream của họ có thể kéo dài từ 2 đến 5 tiếng, thậm chí ở những buổi megalivestream thì kéo dài 24 tiếng. Không hiếm để thấy những nghệ sĩ ăn ngủ trên livestream, dù bận rộn nhưng vẫn không thể bỏ giờ lên đơn. Như mới đây, khi giới thiệu sản phẩm thì nói cười vui vẻ, đến lúc tạm nghỉ, chờ người khác nói thì Diệp Lâm Anh "chìm vào cơn mê" ngay lập tức. Khoảnh khắc cô nàng gần như nhắm mắt, không còn giữ được sự tỉnh táo trên livestream được dân mạng chia sẻ rầm rộ.

Đã đến thời nghệ sĩ lên livestream bán hàng còn chăm hơn lên sân khấu diễn!- Ảnh 1.

Diệp Lâm Anh dù buồn ngủ nhưng không bỏ giờ lên livestream

Lý do thì không khó hiểu: livestream bán hàng đem lại nguồn thu hấp dẫn, rõ ràng và gần như không có rủi ro hình ảnh ngay lập tức – nếu chọn đúng sản phẩm và truyền tải đúng cách. Nhiều nghệ sĩ chỉ cần lên sóng 1-2 tiếng, hô hào vài câu, kêu gọi chốt đơn là có thể bỏ túi hàng trăm triệu, thậm chí chốt đơn tiền tỷ trong một buổi livestream.

Diệp Lâm Anh tiết lộ quy trình mọi thứ phải được lên kịch bản, chuẩn bị chỉn chu. Trong một buổi phỏng vấn, Chị Đẹp khiến nhiều người ngỡ ngàng khi tiết lộ doanh thu bán hàng online khủng nhất từng đạt được là 4 tỷ đồng, công việc này có thể kiếm gấp 10 - 20 lần cát-xê dự sự kiện.

Hay Lê Dương Bảo Lâm từng tiết lộ chính công việc livestream bán hàng đã giúp cuộc sống gia đình anh "phất lên". Nam diễn viên bày tỏ niềm tự vào khi có thể dùng thu nhập này xây nhà, tậu xe, chăm lo cho gia đình riêng, bố mẹ đôi bên, thậm chí nuôi các em học đại học.

Khi livestream trở thành xu hướng, những con số doanh thu cuối cùng như một thành tích của những nghệ sĩ. Không quá khó để bắt gặp những kết quả sau mỗi phiên livestream của những người nổi tiếng, từ trăm triệu đến hàng tỷ hay chục tỷ đồng.

Đã đến thời nghệ sĩ lên livestream bán hàng còn chăm hơn lên sân khấu diễn!- Ảnh 2.

Những con số biết nói sau mỗi phiên livestream của nghệ sĩ

Chính hiệu ứng này khiến livestream trở thành "cuộc đua" ngầm giữa các nghệ sĩ: người livestream buổi sáng, người tranh thủ buổi tối, người thì chia khung giờ để phủ kín toàn ngày. Không còn là hoạt động "tăng thu nhập cho vui", livestream giờ đây đã được xem là công việc chính, là "sân khấu kinh tế" mới, là nơi danh tiếng có thể quy đổi trực tiếp thành doanh thu.

Khán giả vì thế mà cũng phải thích nghi. Mở Facebook, TikTok hay các sàn thương mại điện tử lên là thấy một nghệ sĩ nào đó đang bán hàng. Mỗi nền tảng đều có gương mặt quen thuộc ngồi livestream mỗi tuần. Sự dày đặc này khiến livestream bán hàng của nghệ sĩ không còn là hiện tượng, mà trở thành trạng thái phổ biến của showbiz Việt.

Đã đến thời nghệ sĩ lên livestream bán hàng còn chăm hơn lên sân khấu diễn!- Ảnh 3.

Nghệ sĩ livestream bán hàng như một trào lưu

Livestream bán hàng chẳng có gì sai, cho đến khi...

Cần khẳng định một điều: livestream bán hàng không sai. Đó là một hình thức kinh doanh hợp pháp, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại, khi khán giả giờ đây không chỉ mua hàng qua chợ hay siêu thị, mà còn đặt niềm tin vào những cú click trên mạng xã hội. Nghệ sĩ – với độ nhận diện sẵn có - khi bước vào lĩnh vực này, đơn giản là tận dụng một thế mạnh cá nhân để mở rộng thu nhập.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy: việc nghệ sĩ livestream bán hàng đang trở thành đề tài nhạy cảm, đặc biệt sau những vụ ồn ào từ một vài cá nhân nổi tiếng.

Từ chuyện quảng cáo sản phẩm không kiểm chứng, nói quá công dụng, cho đến việc vướng vào hàng giả, hàng nhái, không ít nghệ sĩ từng bị công chúng réo tên trên truyền thông.  Cũng chính vì thế, dù livestream là công việc hợp pháp, nhưng khi được gắn với nghệ sĩ – những người từng đại diện cho hình ảnh văn hoá, nghệ thuật – nó lại trở thành con dao hai lưỡi. Danh tiếng tích lũy qua nhiều năm có thể mất đi chỉ sau một buổi livestream sai lời. Và niềm tin nơi khán giả, vốn từng là nền tảng lớn nhất của người làm nghề, lại bị bào mòn dần qua từng lần "quảng cáo quá tay".

Livestream - "sân khấu" nguy hiểm của nghệ sĩ

Livestream rõ ràng mang đến cho nghệ sĩ một "sân khấu" mới. Chỉ cần một chiếc điện thoại, một sản phẩm cầm tay và vài kịch bản đơn giản, nghệ sĩ có thể tiếp cận hàng ngàn người xem trong vài giây. Và khi mỗi buổi livestream đều quy đổi thành đơn hàng, thành doanh thu, thậm chí là hợp đồng bạc tỷ - thì việc ngày càng nhiều nghệ sĩ đổ xô vào "sân khấu" này cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, livestream cũng chính là sân khấu đầy rủi ro với người nổi tiếng, bởi danh tiếng không chỉ mang lại quyền lực, mà còn kéo theo mức độ ràng buộc cao hơn với lời nói, hành động và cả sản phẩm họ đại diện. Chỉ cần một phát ngôn sai, một lời hứa quá đà, một sản phẩm bị tố sai công dụng, nghệ sĩ có thể lập tức trở thành tâm điểm chỉ trích. Không ít trường hợp chỉ một câu nói trên sóng bán hàng đã khiến nghệ sĩ lao đao, mất hợp đồng quảng cáo, thậm chí bị khán giả quay lưng.

Đã đến thời nghệ sĩ lên livestream bán hàng còn chăm hơn lên sân khấu diễn!- Ảnh 4.

Những buổi livestream ngày càng trở nên hào nhoáng như sân khấu, đủ hỷ nộ ái ố và hoành tráng nhưng cũng đi kèm rủi ro

Livestream cũng vô tình tạo nên một hình ảnh khác cho nghệ sĩ trong mắt công chúng. Thay vì được nhớ đến với vai diễn, với âm nhạc hay sản phẩm nghệ thuật, nhiều người hiện tại xuất hiện trên màn hình với tần suất dày đặc – nhưng là để giới thiệu sản phẩm, công bố giảm giá, hô hào freeship. Khán giả không còn phải chờ đến một bộ phim, một chương trình truyền hình hay một sân khấu ca nhạc để gặp nghệ sĩ. Họ có thể thấy nghệ sĩ... mỗi ngày, mỗi giờ, thậm chí suốt 24/24 - nhưng toàn trong bối cảnh chốt đơn và nói chuyện mua bán.

Sự lặp lại ấy dễ khiến người xem rơi vào trạng thái mệt mỏi, nghi ngờ và mất dần cảm xúc. Danh tiếng nghệ sĩ – từng là thứ được tạo dựng bằng sự chọn lọc kỹ lưỡng – giờ lại hiện diện quá nhiều, quá thường xuyên, thậm chí là quá... thương mại. Việc phủ sóng không còn là niềm tự hào, mà trở thành con dao hai lưỡi. Cái gì "quá liều" cũng dễ sinh ra tác dụng phụ.

Đã đến thời nghệ sĩ lên livestream bán hàng còn chăm hơn lên sân khấu diễn!- Ảnh 5.

"Cơn sóng livestream" cũng là con dao hai lưỡi với nghệ sĩ

Chưa kể, livestream bán hàng còn kéo theo những nguy cơ tiềm ẩn khác mà nghệ sĩ khó kiểm soát. Sản phẩm lỗi, hàng giả, sai sót trong khâu vận hành - tất cả đều có thể trở thành scandal nếu không được xử lý đúng. Bởi khán giả không nhớ ai đứng sau sản phẩm, họ chỉ nhớ nghệ sĩ là người giới thiệu. Nghệ sĩ - dù không trực tiếp sản xuất hay giao hàng – vẫn phải chịu trách nhiệm với niềm tin mà họ kêu gọi.

Chính vì vậy, gọi livestream là "sân khấu nguy hiểm" của nghệ sĩ cũng không sai. Nó mang đến cơ hội, nhưng cũng đòi hỏi sự tỉnh táo và giới hạn rõ ràng giữa công việc kinh doanh và hình ảnh nghệ thuật.

Trong thời đại công nghệ số, nghệ sĩ hoàn toàn có quyền ứng biến, thay đổi, mở rộng vai trò - miễn là không đánh đổi giá trị cốt lõi. Livestream có thể là công cụ hỗ trợ, một phần thu nhập hợp lý. Nhưng để tồn tại bền vững trong lòng khán giả, nghệ sĩ cần chọn lọc kỹ lưỡng, tiết chế xuất hiện và đặc biệt, chỉ nên đại diện cho những sản phẩm mình thật sự hiểu rõ. Bởi danh tiếng không chỉ là điều nuôi sống nghệ sĩ – mà còn là thứ định nghĩa họ là ai giữa một thị trường ngày càng nhiễu loạn.

Các tin khác