Không chỉ hấp dẫn Idol Hàn
Chỉ những kẻ định trục lợi (phe vé) ở đại nhạc hội có sự tham gia của anh Long (biệt danh fan Việt đặt cho thần tượng xứ kim chi) buồn vì thua lỗ. Còn với lượng khán giả khổng lồ yêu mến G-Dragon, đại nhạc hội ấy là ấn tượng khó phai, là giấc mơ thành hiện thực. Cũng như Anh trai vượt ngàn chông gai, fan của G-Dragon rất đông những quý bà, quý ông. Họ là những người làm chủ kinh tế, sẵn sàng chi cho “thần tượng”. Những người không hiểu chuyện mới bình luận: Thanh niên Việt Nam giàu dữ.

G-Dragon biểu diễn trong mưa Hà Nội
Với nhiều khán giả Việt, G-Dragon là dấu ấn thanh xuân rực rỡ của họ. Không có gì ngạc nhiên khi có những gia đình cả cha mẹ, con cái, cô, dì, chú, bác cùng đi coi G-Dragon. Một khán giả bày tỏ: “Tình yêu với G-Dragon đã theo tôi 15 năm rồi”. Dù đại nhạc hội thu hút nhiều sao Hàn, không riêng gì G-Dragon nhưng fan của G-Dragon áp đảo.
Thời mạng xã hội phát triển, khán giả có nhiều cách theo dõi Idol trình diễn. Có người xem trực tiếp, có người xem qua hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Khoảng 40.000 khán giả đội mưa xem G-Dragon trình diễn nhưng không thể tính hết lượng khán giả ủng hộ “ông hoàng Kpop” qua các nền tảng mạng xã hội. Livestream phần biểu diễn của anh Long trên một tài khoản TikTok thu hút hơn 60.000 lượt xem, chưa kể các tài khoản khác cũng phát trực tiếp. Lúc này, trong hội nhóm yêu thích G-Dragon đã lan truyền thông tin, tháng 11, anh Long sẽ trở lại Việt Nam trong solo concert (sô hòa nhạc cá nhân). Dù thông tin chưa được chính chủ xác nhận nhưng fan của anh Long đã chuẩn bị tinh thần “đu” thần tượng.
G-Dragon và BLACKPINK có những đêm trình diễn thành công rực rỡ ở Việt Nam. Điều này góp phần giúp Việt Nam thành miền đất hấp dẫn với các Idol Hàn Quốc khác. Ngay chính G-Dragon hay BLACKPINK cũng sẽ khắc ghi, ở Việt Nam họ có rất nhiều fan. Cuối tháng 3 vừa qua, Jisoo, BLACKPINK toàn bộ lợi nhuận từ kênh YouTube cá nhân cho dự án rừng ngập mặn ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Nhắc tới sao Kpop đến Việt Nam không thể không kể đến Bi Rain. Anh đến Việt Nam lần đầu năm 2006, sau đó trở lại sân khấu ca nhạc Việt Nam vào các năm 2009, 2016, 2019.
Không chỉ thần tượng Hàn yêu mến Việt Nam, nhiều sao ca nhạc quốc tế khác đã đổ bộ Việt Nam như huyền thoại âm nhạc Mỹ John Legend, Joss Stone, chủ nhân giải Grammy, “nữ hoàng tái tạo” Christina Aguilera, “vua tạo hit” Charlie Puth, nhóm Maroon 5 với ca sĩ chính Adam Levine… Những khán giả Việt hoài cổ cũng được sống cùng thần tượng thuở thanh xuân của họ. Nhiều nghệ sĩ, ban nhạc nổi tiếng khác như ABBA, Modern Talking, Westlife, Ronan Keating (Boyzone)… cũng đã đặt chân tới Việt Nam.

Khán giả của G-Dragon cổ vũ thần tượng bằng hoa cúc thiếu cánh Ảnh: DUY PHẠM
Fan Việt tích hợp nhiều ưu điểm
“Cứ có dòng người là có dòng tiền”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Cương bình luận về các đêm ca nhạc hút lượng khán giả khổng lồ ở ta. Hai đêm diễn của BLACKPINK tại Hà Nội thu về xấp xỉ 13,7 triệu USD. Khán giả Việt đặt câu hỏi đại nhạc hội có sự tham gia của G-Dragon lợi nhuận thế nào, khi khán giả đầy sân? Dòng tiền đổ về là hấp lực với đơn vị tổ chức và nghệ sĩ tham gia.
Sau những cú hích BLACKPINK, Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, Anh Trai Say Hi, những chương trình hòa nhạc của Hà Anh Tuấn, Đen Vâu, Mỹ Tâm… đã tạo ra trào lưu “đu” sô ca nhạc như một món giải trí thời thượng. Nhà thơ Hồng Thanh Quang còn đưa ra một nguyên nhân khác, lý giải những đêm diễn đông nghẹt khán giả ở ta: “Khi được cùng tham dự những hoạt động đông người mang tính giải trí, người Việt cảm thấy nạp thêm nhiều năng lượng tích cực hơn cho mình. Chúng ta là những đứa con miền nhiệt đới, máu nóng, luôn cần phát tán và tỏa nhiệt”. Ông chỉ ra một nét tính cách của người Việt - thích là nhích, một khi đã thích thì bằng mọi giá thỏa mãn cơn thích nhất thời. Điều đó giúp ích rất nhiều cho thị trường ca nhạc thăng hoa.
Khán giả Thu Hà, người vừa đu liên tiếp từ ALL-ROUNDER của SOOBIN, tới Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai day 5, day 6 (buổi diễn thứ 5, thứ 6) đến đại nhạc hội có "anh Long" cho rằng, nhiều thị trường hút sao quốc tế, chẳng hạn thị trường Nhật Bản, Singapore… nhưng thị trường Việt có điểm mạnh là fan cuồng nhiệt và chung thủy, tạo ra những đêm diễn đông vui, giàu cảm xúc. “Như đêm BLACKPINK tại Hà Nội, khi đó Jisoo đang nổi với ca khúc Flower, khán giả ở ta không những hát theo, còn chế lời ca khúc này bằng tiếng Việt. Jisoo tổ chức fanmeeting tại Việt Nam có lẽ vì không quên được những cảm xúc tốt đẹp mà fan Việt đã mang đến cho cô”, khán giả Thu Hà nói.
Một ưu điểm khác ở khán giả Việt ở chỗ, cộng đồng này ngày càng văn minh khi bày tỏ tình yêu với thần tượng. Họ muốn đem đến cho thần tượng trải nghiệm cảm xúc tốt đẹp khi đặt chân đến Việt Nam. Cộng đồng fan Kpop luôn nhắc nhau không cố gắng tiếp xúc với thần tượng ở cự li gần. Trong đại nhạc hội vừa qua, khi G-Dragon trình diễn có fan cố lao lên sân khấu, khiến lực lượng bảo vệ phải ra tay ngăn chặn. Trên các diễn đàn, những fan chân chính đã phản đối hành động xấu xí này: “Quê hết phần đời còn lại”; “Ảnh hưởng hình ảnh của cả một cộng đồng fan”; “Làm xấu hình ảnh Việt Nam”…
Khán giả Việt Nam luôn đặt tình yêu và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh đất nước lên hàng đầu, ngay cả khi họ cháy hết mình cùng âm nhạc. Đó là lý do vì sao G-Dragon khi đặt chân đến Việt Nam đã chọn phục trang với hai màu sắc chủ lực đỏ - vàng. Biểu tượng thời trang Hàn Quốc rất biết cách lấy lòng nước chủ nhà.
Cái tên không tham gia đại nhạc hội nhưng được nhắc nhiều sau G-Dragon chính là Sơn Tùng M-TP. Khán giả châm biếm bằng cách nói ngược: "Sơn Tùng phiên bản Hàn xuất hiện"; "Sơn Tùng hát tiếng Hàn giỏi vậy"; "Anh Sơn Tùng Hàn Quốc tổ chức to hơn anh G-Dragon Việt Nam"… Những chuyến dừng chân của sao quốc tế không chỉ mang lại ích lợi cho nhiều ngành kinh tế, từ dịch vụ ăn uống, hàng không, khách sạn… còn góp phần giúp cho "sao" Việt nhìn lại mình, khán giả Việt nhìn lại thần tượng nội. Chuyến "du lịch" đêm mưa của anh Long gửi tới Sơn Tùng M-TP thông điệp: Nhanh chóng thoát khỏi bóng hình G-Dragon, để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, nếu không muốn "rớt đài" trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các idol nội và ngoại.