Cánh đồng hoang sản xuất năm 1978, được coi là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bộ phim do nhà văn Nguyễn Quang Sáng chấp bút kịch bản, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết nhạc và đạo diễn NSND Nguyễn Hồng Sến tài ba chỉ đạo.
Phim đoạt nhiều giải thưởng danh giá như Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1980, Huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Moscow 1981...
Sau ánh hào quang của bộ phim, cuộc đời của dàn diễn viên chính trải qua nhiều thăng trầm, với những ngã rẽ đầy bất ngờ.
NSND Lâm Tới - vai Ba Đô
NSND Lâm Tới khắc họa thành công vai Ba Đô, chiến sĩ chốt trạm kiên cường, đồng thời là người chồng, người cha hết mực yêu thương và bảo vệ gia đình. Đây là vai chính diện đầu tiên trong sự nghiệp lẫy lừng của nam diễn viên.
NSND Lâm Tới tên thật là Lâm Thanh Tòng. Ông là diễn viên khóa đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam cùng với những tên tuổi lớn Trần Phương, Thế Anh, Trà Giang... Tốt nghiệp loại ưu trường Điện ảnh năm 1964, Lâm Tới có vai diễn đầu tiên trong phim Hai người lính.

Cố NSND Lâm Tới có khả năng hóa thân xuất sắc ở cả hai dạng vai chính diện và phản diện.
Ngay sau bộ phim Hai người lính, Lâm Tới có mặt trong hàng loạt những bộ phim cách mạng nổi tiếng thời ấy như: Cánh đồng hoang, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đường về quê mẹ, Nguyễn Văn Trỗi… Tài năng của Lâm Tới được ghi nhận qua cách diễn chân thật, đời thường, giản dị của ông. Lâm Tới hóa thân trọn vẹn tới mức, mỗi nhân vật của ông đều để lại dấu ấn với điện ảnh, dù là chính diện hay phản diện.
Nhận xét về NSND Lâm Tới, đạo diễn Đào Bá Sơn từng chia sẻ: "Lâm Tới sở hữu gương mặt có thể hóa thân thành nhiều dạng vai. Anh không bao giờ sử dụng kỹ thuật diễn xuất. Đứng trước máy quay, chúng tôi tưởng Lâm Tới là nhân vật chứ không phải anh ấy đang diễn".
Với vai diễn Tám Quyện trong Mùa gió chướng, và vai Ba Đô trong phim Cánh đồng hoang, NSND Lâm Tới được trao tặng Bông Sen Vàng ở hạng mục Nam diễn viên xuất sắc tại LHP quốc gia lần thứ 5 (1980).
Với những cống hiến to lớn cho điện ảnh, ông được Nhà nước vinh phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1997. Bộ phim Đồng tiền xương máu (1997) là tác phẩm cuối cùng ông tham gia trước khi qua đời vào năm 2000 sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật.
Thuý An - vai Sáu Xoa
Nghệ sĩ Thúy An vào vai Sáu Xoa - vợ của Ba Đô. Dù không được đào tạo bài bản về diễn xuất, nhưng bà đã lột tả thành công hình ảnh người phụ nữ Nam bộ kiên cường, bất khuất trước bom đạn của kẻ thù và dịu dàng, yêu thương chồng con hết mực.
Sau Cánh đồng hoang, nghệ sĩ Thúy An còn xuất hiện trong hàng loạt các bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam như Mùa gió chướng, Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa, Vùng gió xoáy, Mùa nước nổi....

Nghệ sĩ Thuý An trải qua nhiều biến cố để rồi chọn một cuộc sống kín tiếng và bình dị ở tuổi xế chiều.
Xinh đẹp, tài năng nhưng nghệ sĩ Thúy An lại lận đận trong đường tình duyên. Trong quá trình thực hiện phim Cánh đồng hoang, bà và đạo diễn Hồng Sến nảy sinh tình cảm, dù lúc đó, bà mới chỉ 17 tuổi còn người đạo diễn nổi tiếng đã bước sang tuổi 45. Suốt thời gian dài, bà mang tiếng là người thứ 3, phá vỡ cuộc hôn nhân của đạo diễn Hồng Sến và diễn viên nổi tiếng Kim Chi.
Sau khi kết hôn, Thúy An chuyển về sống cùng NSND Hồng Sến cùng hai người con riêng của ông tại căn biệt thự rộng 600m2 ở Sài Gòn. Diễn viên Kim Chi từng tiết lộ, căn biệt thự đó được bà và chồng cũ mua với giá 12 cây vàng và đã trả hết. Tuy nhiên, nghệ sĩ Thúy An lại cho hay, khi lấy NSND Hồng Sến, bà vẫn phải làm thêm rất nhiều việc để trả nốt số nợ mua căn biệt thự.
Nghệ sĩ Thúy An góa chồng khi mới chỉ bước sang tuổi 30. Người con gái chung của bà và đạo diễn Hồng Sến mới chỉ lên 5 tuổi. Vì cuộc sống khó khăn, bà phải sang Lào mở cửa hàng buôn bán kim hoàn. Tại đây, bà quen với một người đàn ông bản địa, nhưng cuộc tình của họ không đi đến đâu do khác biệt văn hóa.
Sau đó, bà kết hôn với một Việt kiều quê gốc Bạc Liêu và chuyển sang Đức sinh sống cùng chồng. Hiện tại, bà hỗ trợ chồng trong việc kinh doanh. Thỉnh thoảng, bà trở về Việt Nam thăm người thân và bạn bè.
Robert Hải - vai Trung tá Mỹ Mistcher
Robert Hải, tên thật là Trần Hữu Hải (sinh năm 1940), để lại dấu ấn sâu đậm với vai Trung tá Mỹ Mistcher trong Cánh đồng hoang. Mang trong mình dòng máu Pháp và Italy, ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được người vú nuôi đưa vào Sài Gòn.
Cơ duyên đến với điện ảnh của Robert Hải rất tình cờ khi ông được đạo diễn Đường Tuấn Ba phát hiện trong lúc đang ngồi câu cá và mời tham gia vai cố vấn Mỹ trong phim Mối tình đầu.

Robert Hải qua đời vì bệnh ung thư trong hoàn cảnh khó khăn.
Sau này, Robert Hải trở nên quen thuộc với khán giả qua hàng loạt vai phản diện trong các bộ phim như Biệt động Sài Gòn, Mùa nước nổi, Kỳ án ba bông hồng... Ngoài đời, Robert Hải có cuộc sống giản dị, đam mê câu cá.
Gia đình ông sống trong một căn chòi dưới chân cầu Bình Lợi, thu nhập chính dựa vào nghề làm bánh bông lan và móc lan của vợ. Ông qua đời năm 2000 vì ung thư gan trong hoàn cảnh khó khăn. Nhà biên kịch Hồng Ngát từng chia sẻ về cuộc sống thanh đạm, bần hàn của ông trong những năm tháng cuối đời.
"Trong ngôi nhà anh ở ngày ấy không có tivi, không tủ lạnh, không casette hay radio... Trong góc nhà duy nhất chỉ có chiếc giường nhưng không phải để ngủ mà là để... chất đồ như chăn, màn, quần áo", nhà biên kịch Hồng Ngát kể.
Nguyễn Văn Thuận - vai con trai của Ba Đô và Sáu Xoa
Nguyễn Văn Thuận vào vai con trai của Ba Đô và Sáu Xoa. Anh là cháu, gọi đạo diễn Hồng Sến bằng cậu. Theo lời kể của mẹ ruột, khi đóng phim, Thuận mới được 9 tháng tuổi. Hình ảnh bé trai hồn nhiên chơi đùa, khóc cười giữa muôn vàn nguy hiểm cận kề để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả.

Nguyễn Văn Thuận vào vai con trai của Ba Đô và Sáu Xoa, là cháu của NSND Hồng Sến.
Trong một phỏng vấn vào năm 2021, anh Thuận cho biết đến 15 tuổi anh mới được thấy mình trên màn ảnh dù từ nhỏ gia đình, bà con lối xóm hay kể với anh chuyện đóng phim. "Cứ mỗi dịp lễ 30/4, tôi lại được nhìn hình ảnh của mình lúc 9 tháng tuổi trên phim do đài truyền hình phát lại. Tôi thấy tự hào với bà con lối xóm vì mình được nhiều người biết đến. Sau này, con cháu cũng được nhìn thấy tôi trên TV", anh chia sẻ.
Nuôi dưỡng ước mơ trở thành diễn viên, Nguyễn Văn Thuận rời quê nhà Long An, khăn gói lên Sài Gòn ở tuổi 20 để theo học đại học. Ngoại hình ngày càng điển trai, vóc dáng cao lớn và nụ cười mang nhiều nét giống người cậu ruột là đạo diễn Hồng Sến.
Thuận đã đến sống cùng gia đình ông để nhờ sự giúp đỡ trong việc thi vào trường điện ảnh. Tuy nhiên, biến cố ập đến khi đạo diễn Hồng Sến lâm bệnh nặng và qua đời vào năm 1995, khiến con đường đến với điện ảnh của Thuận trở nên gian nan hơn. Cuối cùng, anh quyết định trở về quê hương, lập gia đình và gắn bó với nghề nông.

Anh Nguyễn Văn Thuận đang gắn bó với nghề nông.
Nhờ ruộng đất bố mẹ cho, hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn. Trên mảnh đất từng là chiến trường khói lửa, chàng diễn viên nhỏ tuổi ngày nào ra sức khai hoang, đắp bờ, lên liếp, thau ngọt, xả phèn để cải tạo đất. Cuộc sống ngày càng khá giả. Hiện, “em bé” của Cánh đồng hoang năm xưa đang có trong tay 10ha ruộng trồng lúa 2 vụ, máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy bơm,... trị giá tài sản hàng chục tỷ đồng.
Không chỉ sản xuất giỏi, Thuận còn là chiến sĩ dân quân nhiệt tình, luôn xung kích trong mọi phong trào. Thuận cùng đồng đội tham gia tuần tra bảo vệ an ninh; tham gia các hoạt động giúp dân lao động, sản xuất, xây dựng cầu, đường nông thôn.