Trong số đó, ba cái tên tiêu biểu là NSƯT Xuân Hinh, NSND Tự Long và NSND Quốc Trượng – mỗi người một vẻ, nhưng đều mang trong mình niềm tự hào quê hương, cùng góp phần làm rạng danh văn hóa dân tộc.

NSƯT Xuân Hinh.
NSƯT Xuân Hinh – "vua hài đất Bắc" siêu giàu, nhà khắp Hà Nội
Sinh năm 1960 tại Bắc Ninh, Xuân Hinh là cái tên đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Ông được mệnh danh là "vua hài đất Bắc" nhờ lối diễn xuất mộc mạc, duyên dáng và thấm đẫm chất dân gian. Gắn bó với chèo, xẩm, quan họ, Xuân Hinh là nghệ sĩ hiếm hoi có thể khiến cả khán giả nông thôn lẫn thành thị đều bật cười rồi lặng người trong xúc động.
Không chỉ nổi tiếng bởi tài năng nghệ thuật dân gian, NSƯT Xuân Hinh còn khiến công chúng ngưỡng mộ bởi cuộc sống sung túc, viên mãn. Ông từng gây chú ý với những phát ngôn rất "chất" như: "Nhà ngoài tiền ra còn có gì nữa đâu" hay "Lúc nào tôi cũng có cả quyển tiền". Những câu nói ấy nghe qua tưởng hài hước, nhưng thực ra cũng không sai với thực tế.
Xuân Hinh nổi tiếng là nghệ sĩ siêu giàu, sở hữu nhiều nhà ở Hà Nội như ngôi nhà khang trang trên phố Hàng Bông, Bảo tàng Đạo Mẫu rộng 5000m2 ở Sóc Sơn và một ngôi nhà ở quận Đống Đa... Bên cạnh đó, Xuân Hinh còn sở hữu một căn nhà cổ trị giá bạc tỷ tại quê nhà Bắc Ninh.
Bên cạnh bất động sản, Xuân Hinh cũng nổi tiếng là người chiều vợ. Ông thường xuyên mua hàng hiệu cao cấp như túi xách, kính, đồng hồ… tặng bà xã.

NSND Tự Long.
NSND Tự Long – từ lơ xe, phụ hồ đến Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội
Sinh năm 1973 tại Bắc Ninh trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật – cha là NSƯT Vũ Tự Lẫm, mẹ là NSƯT Nguyễn Thị Phức – Tự Long lớn lên trong không khí âm nhạc dân gian và sân khấu truyền thống. Tuy vậy, con đường đến với nghệ thuật của anh không hề bằng phẳng.
Thuở thiếu thời, Tự Long từng trải qua nhiều công việc mưu sinh như lơ xe, phụ hồ. Nhưng chính những năm tháng vất vả ấy đã rèn luyện cho anh sự kiên trì và bản lĩnh. Sau này, anh thi đỗ và theo học tại Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, rồi đầu quân về Đoàn Chèo – Tổng cục Hậu cần sau khi tốt nghiệp.
Khởi đầu từ những vai nhỏ, Tự Long dần khẳng định tên tuổi không chỉ trên sân khấu chèo mà còn trong lĩnh vực hài kịch truyền hình. Anh là gương mặt quen thuộc với khán giả cả nước qua loạt chương trình đình đám như Táo Quân, Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm,… với nét diễn duyên dáng, đậm chất Bắc Bộ.
Với tài năng và sự nghiêm túc trong nghề, Tự Long được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2012, NSND năm 2015 và đặc biệt, được phong quân hàm Đại tá năm 2020.
Đến năm 2024, anh được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội – nơi anh từng gắn bó từ những ngày đầu sau tốt nghiệp. Từ một chàng trai từng vất vả mưu sinh đến nghệ sĩ được hàng triệu khán giả yêu mến và là lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật truyền thống lớn – hành trình của NSND Tự Long là một câu chuyện truyền cảm hứng của lao động, tài năng và nghị lực.

NSND Quốc Trượng.
NSND Quốc Trượng – nghệ sĩ tài danh trưởng thành từ làng quê Bắc Ninh
Nếu Xuân Hinh là nghệ sĩ tài hoa, nổi tiếng với đời sống sung túc giữa phố thị, Tự Long là nghệ sĩ hài duyên dáng từng bước đi lên để trở thành Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, thì NSND Quốc Trượng lại là hình mẫu của một người nghệ sĩ lặng lẽ, bền bỉ gìn giữ và phát triển sân khấu truyền thống.
Sinh năm 1966 tại Bắc Ninh, trong một gia đình không ai theo nghệ thuật, Quốc Trượng bộc lộ năng khiếu hát chèo từ năm 10 tuổi nhờ tự học qua các nghệ nhân làng và Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này, ông trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của Khoa Kịch hát dân tộc – Đại học Sân khấu Điện ảnh, rồi công tác tại nhiều đơn vị nghệ thuật chèo, trước khi gắn bó lâu dài với Nhà hát Chèo Quân đội.
Năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, mang quân hàm Đại tá. Trên sân khấu, ông cũng từng ghi dấu ấn qua vai Ngọc Hoàng trong chương trình Táo Quân. Năm 2015, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Sau khi nghỉ hưu cuối năm 2024, NSND Quốc Trượng vẫn tiếp tục hoạt động trong giới nghệ thuật, hiện là ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Không ồn ào hay nổi bật trên truyền thông, ông là một trong những "trụ cột" thầm lặng đáng quý của sân khấu dân tộc.