Gần đây, ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gây sốt trên nhiều nền tảng mạng xã hội, xuất hiện trong loạt chương trình nghệ thuật lớn nhỏ dịp lễ 30/4.
Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hôm 30/4 ở TPHCM, ca khúc này cũng được vang lên trong chương trình nghệ thuật mở màn, qua sự thể hiện của Võ Hạ Trâm và Đông Hùng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (Ảnh: Facebook nhân vật).
Đến nay, ca khúc đạt hơn 2 tỷ lượt xem trên các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok... Sự lan tỏa của bài hát giúp tên tuổi, thông tin về nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng được đông đảo dân mạng tìm kiếm.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sinh năm 1983, khởi nghiệp sáng tác đầu thập niên 2000 khi còn là sinh viên ngành Du lịch khách sạn tại Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM.
Anh là tác giả một số ca khúc như: Vầng trăng khóc (Nhật Tinh Anh - Khánh Ngọc), Con đường mưa (Cao Thái Sơn), Chiếc khăn gió ấm (Khánh Phương), Mùa đông không lạnh (Akira Phan), Ngôi nhà hoa hồng (Bảo Thy - Quang Vinh)...
Những năm qua, nam nhạc sĩ chủ yếu viết nhạc cho thiếu nhi. Năm 2023, Nguyễn Văn Chung thực hiện album nhạc quê hương, đất nước vì muốn thử thách bản thân ở đề tài thiêng liêng hơn. Đó cũng là hoàn cảnh ra đời của Viết tiếp câu chuyện hòa bình.

Hình ảnh trong MV "Nhật ký của mẹ" (Ảnh: Chụp màn hình).
Trước khi gây sốt với ca khúc 2 tỷ lượt xem, Nguyễn Văn Chung từng được nhiều khán giả biết đến là "cha đẻ" ca khúc Nhật ký của mẹ - bài hát nổi tiếng qua giọng hát của Hiền Thục.
Nhật ký của mẹ được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác năm 2008. Bài hát kể hành trình mẹ theo sát con từ lúc con còn trong bụng cho tới khi chào đời, tập nói, đi học, biết yêu và đến khi con khôn lớn, trưởng thành, rời xa gia đình.
Năm 2011, Nguyễn Văn Chung ngỏ lời mời Hiền Thục thu âm và được nữ ca sĩ đồng ý. Từ khi phát hành năm 2012, ca khúc liên tục đứng thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng trong nước thời bấy giờ.
Ca từ xúc động, giai điệu dễ nghe và sự thể hiện của Hiền Thục đã góp phần giúp Nhật ký của mẹ có sức lan tỏa mạnh mẽ đến khán giả. Đến nay, Nhật ký của mẹ vẫn mang sức sống bền bỉ, được xem là ca khúc đương đại để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả Việt Nam hơn một thập kỷ qua.
Trong những dịp lễ về mẹ, bài hát lại được trình diễn ở nhiều chương trình. Ca khúc này cũng là giai điệu quen thuộc được phát ở nhiều bệnh viện sản khoa.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bên người mẹ quá cố - người tạo cảm hứng cho anh sáng tác ca khúc "Nhật ký của mẹ" (Ảnh: Facebook nhân vật).
Sự lan tỏa rộng rãi của ca khúc Nhật ký của mẹ giúp Nguyễn Văn Chung có nguồn thu nhập từ tiền bản quyền tương đối đều đặn.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, Nhật ký của mẹ mang đến cho anh khoản thu nhập khá cao từ tiền tác quyền. Tuy nhiên, tổng số tiền tác quyền của ca khúc này "không thể đến con số 2 tỷ đồng".
Nguyễn Văn Chung cũng khẳng định, anh "sống khỏe" nhờ nhiều bản hit, không chỉ riêng Nhật ký của mẹ. Theo Nguyễn Văn Chung, loạt ca khúc về đề tài thiếu nhi, gia đình mang lại cho anh thu nhập thụ động ổn định bởi có sức sống lâu bền, có thể biểu diễn, ứng dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Nguyễn Văn Chung từng hé lộ tiền tác quyền mỗi quý anh nhận được là khoảng 200-300 triệu đồng (Ảnh: Facebook nhân vật).
Nhờ quá trình sáng tác chăm chỉ, Nguyễn Văn Chung có nền tảng kinh tế ổn định để chu toàn cuộc sống cá nhân, lo cho gia đình. Anh hiện sống trong căn nhà 10 tỷ đồng, mỗi quý nhận trung bình 200-300 triệu đồng tiền tác quyền.
Song, trước những ý kiến cho rằng "Nguyễn Văn Chung là nhạc sĩ giàu nhất Việt Nam", anh nhiều lần lên tiếng phủ nhận.
"Tôi đâu có giàu nhất Việt Nam. Cái tôi giàu là giàu cảm xúc. Tôi viết nhạc được hơn 20 năm rồi, mà bây giờ tôi thấy mình may mắn vì vẫn còn cảm xúc. Trái tim của tôi vẫn còn biết buồn, biết thương, biết đau thì vẫn còn viết nhạc được", nhạc sĩ 8X từng chia sẻ.