Ngày 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề 50 năm văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc.

PGS.TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI phát triển, tác động mạnh mẽ đến môi trường sáng tạo văn học nghệ thuật. Vì thế, văn nghệ sĩ tiếp tục tiên phong đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong việc xây dựng và phát triển, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá, 50 năm qua văn học đã làm được hai việc: trả nợ quá khứ và nhập cuộc đổi mới. Ông cho rằng, nửa thế kỷ qua, 5 thế hệ nhà văn đã sum họp. Đó là các thế hệ nhà văn: tiền chiến, chống Pháp, chống Mỹ, hậu chiến, đổi mới. Mỗi thế hệ có lợi thế riêng, cùng bổ sung và cộng hưởng với nhau, đưa nền văn học phát triển lên một tầm cao mới.
"Lịch sử văn học xưa nay là con đường vắt qua các đỉnh cao. Đó là sự kết tinh văn hoá làm cho dân tộc vượt lên dân tộc, con người vượt lên con người", nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định.

NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho rằng nửa thế kỷ qua dù văn học nghệ thuật đồng hành cùng dân tộc nhưng vẫn cần hơn nữa những tác phẩm đỉnh cao, mang tính dự báo.
"Văn học nghệ thuật ngoài sự sáng tạo, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước còn cần có những tác phẩm mang tính dự báo, nhìn được tương lai của đất nước. Chúng ta có phim khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết viễn tưởng, đó là ước mơ hoài bão của tương lai", NSND Vương Duy Biên bày tỏ.
Văn học giúp người dân tộc thiểu số trở nên gần gũi thân thiết
Văn học thiểu số cũng là vấn đề các đại biểu quan tâm tại hội thảo bởi các nhà văn đã mang đến bạn đọc hình ảnh người dân tộc thiểu số từ heo hút, xa vắng trở nên gần gũi thân thiết. Chân dung người dân tộc giữa không gian miền núi đã bước vào đời sống văn học với vẻ đẹp tự tin, được ứng xử công bằng trên từng con chữ.
Theo nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, cội nguồn văn hoá dân tộc là sự đảm bảo cho tác phẩm của các tác giả dân tộc thiểu số tồn tại, phát triển. Đó là lợi thế, sứ mệnh cho tác phẩm đi vào cuộc sống, bạn đọc cả nước đón nhận.