Showbiz

Xuân Hinh: Tuổi thơ cay đắng đẫm nước mắt, xế chiều không ngại nhảy tới nóc

Xuất hiện trong tập cuối chương trình Cuộc hẹn cuối tuần mùa 3 phát sóng tối 20/7 trên VTV3, nghệ sĩ Xuân Hinh mang đến cho khán giả nhiều tiếng cười - như cách ông vẫn làm suốt hơn 40 năm qua.

Song, phía sau vẻ ngoài hài hước và duyên dáng ấy là một Xuân Hinh khác - lặng lẽ, từng trải và đầy chiêm nghiệm. Lần đầu tiên, người nghệ sĩ được mệnh danh “vua hài đất Bắc” đã trải lòng về những góc khuất ít ai biết đến trong cuộc đời mình.

Xuân Hinh: Tuổi thơ cay đắng đẫm nước mắt, xế chiều không ngại nhảy tới nóc - 1

Nghệ sĩ Xuân Hinh là khách mời trong chương trình "Cuộc hẹn cuối tuần" số cuối mùa 3 (Ảnh: VTV).

Vất vả từ bé, 13 tuổi đã bắt đầu đi buôn

Xuân Hinh bộc bạch, ông sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, không khá giả, là con đầu nên ông phải lo toan, gánh vác nhiều công việc trong gia đình.

“Tôi là con trưởng nên vất vả từ bé. Từ năm 13 tuổi, tôi bắt đầu buôn bán, trải qua nhiều thăng trầm, cay đắng, uất ức,… Từ trước tới nay, cuộc đời tôi khá cơ cực nhưng chưa bao giờ tôi muốn nói ra, vì như vậy chỉ khiến anh em, gia đình buồn, lo lắng và suy nghĩ nhiều”, nghệ sĩ gạo cội chia sẻ trong chương trình.

Không sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng chính hoàn cảnh khó khăn đã rèn giũa cho Xuân Hinh nghị lực và sự lanh lợi.

Tuổi thơ của Xuân Hinh là những buổi thức giấc lúc 3-4h sáng để phụ mẹ, đi học rồi về làm việc nhà và buôn bán kiếm lời.

“Tôi buôn đủ thứ, miễn là ra tiền: Buôn mía, buôn thịt, bánh rán, tôm cua từ chợ sớm… Dù đi hát quan họ, có ngày nghỉ là tôi lại tranh thủ buôn bán. Tôi nhảy tàu xuống Cẩm Giàng buôn nước mắm, không nề hà gì", ông tiết lộ.

Xuân Hinh kể rằng, có lần ông đạp xe chở gà ra Hà Nội giữa trời rét căm căm, băng qua cả bãi tha ma, hay ngủ lại bến xe khi buôn chó, nửa đêm phải mò mẫm đi tìm chó sổng chuồng.

Từ buổi đầu lam lũ ấy, Xuân Hinh học được cách bươn chải, tự lập, không dựa dẫm vào ai.

Xuân Hinh: Tuổi thơ cay đắng đẫm nước mắt, xế chiều không ngại nhảy tới nóc - 2

Xuân Hinh khóc khi kể về tuổi thơ vất vả và khi nhắc tới người bố đã khuất (Ảnh: Chụp màn hình).

Một ký ức khiến Xuân Hinh xúc động, không kìm được nước mắt khi nhớ lại là ngày trúng tuyển vào Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh năm 16 tuổi.

Khi đó, mẹ ông chạy hớt hải lên bến xe, dúi cho con trai 20 đồng. Ông mắt đỏ hoe, nói: “Mẹ tôi phải dậy sớm hớt 4-5 gánh bèo, đi bộ 3 cây số lên chợ Núi bán mới có được từng ấy. Lúc nhận tiền, tôi nghĩ ngay: Sau này mình không thể cầm tiền của mẹ nữa, phải tự thân vận động mà sống”.

Cái “máu buôn” dường như ngấm vào ông từ sớm, theo ông suốt cả những năm học ở trường sân khấu. Bao năm theo quan họ, chèo, rồi thi đỗ vào trường, ông vẫn vừa học vừa buôn bán để trang trải cuộc sống.

“Thời ấy học sân khấu không có tiền, tôi lại ra đầu cầu Chương Dương bắt xe lên Hoàng Liên Sơn đổi quần áo, mua vàng vụn của những người mò được dưới sông, rồi đem về thành phố bán lấy tiền”, Xuân Hinh chia sẻ.

Ông nói, máu đi buôn đã ăn vào máu từ nhỏ, nên ngay cả khi theo học trường nghệ thuật và bước chân vào con đường làm nghề, ông vẫn nhìn nghệ thuật như một món hàng: Đã là hàng hóa thì phải có người bán, kẻ mua.

Với ông, nghệ thuật không thể tồn tại trong không khí; nó phải có khán giả, phải có người xem, phải sống giữa đời sống.

Chính nhờ quãng thời gian buôn bán khi còn là sinh viên, Xuân Hinh tích cóp được 3-4 cây vàng - gần như toàn bộ số tiền ấy ông dành để thuốc thang, lo hậu sự cho bố.

Bố ông mất sớm, khi mới 51 tuổi. Lúc ấy, Xuân Hinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng đã tự mình gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong gia đình.

“Điều tiếc nuối nhất có lẽ là khi tôi thành công, nổi tiếng thì bố không còn. Sau khi ra trường kiếm được ít tiền, điều đầu tiên tôi làm là xây mộ cho cụ, rồi mua được căn nhà. Sau này làm bầu show, tôi về quê xây nhà thờ", “vua hài đất Bắc” tâm sự.

Xuân Hinh: Tuổi thơ cay đắng đẫm nước mắt, xế chiều không ngại nhảy tới nóc - 3

Xuân Hinh biểu diễn trong chương trình (Ảnh: VTV).

Tuổi 65 không ngại nhảy rock

Cuộc đời nhiều biến động, từng có lúc Xuân Hinh định bỏ nghề. Nhưng ông nói, “dân ca gắn với tôi như hơi thở”, nên dù có đi đâu, làm gì, ông vẫn quay lại với chèo, xẩm, hát văn.

Xuân Hinh kể rằng, năm 9-10 tuổi, ông đã mê mẩn dân ca, thường chạy vội về nhà lúc 12h trưa để nghe chương trình dân ca trên đài.

Năm 16 tuổi, ông thi đỗ vào Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, được học nghề từ các nghệ nhân. Sau khi đoàn giải tán, ông chuyển sang Đoàn chèo Hà Bắc, nơi ông vừa làm cấp dưỡng, thủ quỹ, nấu ăn, vừa “học mót” nghề chèo.

Khi Trường Sân khấu - Điện ảnh mở khoa chèo đầu tiên, Xuân Hinh thi tuyển và học giỏi đến mức được giữ lại làm giảng viên.

Tuy nhiên, với khát khao được đứng trên sân khấu, ông chọn con đường biểu diễn, hóa thân vào hàng trăm vai diễn từ ông lão, bà lão, trẻ con đến các vai hài kịch kinh điển.

Năm 1989, Xuân Hinh ra trường và về Đoàn ca múa Thăng Long đúng dịp Festival Cười. Lúc đó, ông chưa nổi tiếng, chỉ xin góp một tiết mục nhỏ với vai hề Cu Sứt.

Không ngờ, vai diễn này khiến khán giả mê mẩn, được diễn liên tục 2 tháng ròng và đưa tên tuổi Xuân Hinh đến gần hơn với công chúng.

Từ đó, ông trở thành biểu tượng của nghệ thuật chèo và hài dân gian, được yêu mến với danh xưng “vua hài đất Bắc” hay “vua hề chèo”. Tuy nhiên, ông khiêm tốn từ chối những danh xưng này, chỉ muốn được gọi là ''kẻ chọc cười dân dã''.

Xuân Hinh: Tuổi thơ cay đắng đẫm nước mắt, xế chiều không ngại nhảy tới nóc - 4

Xuân Hinh chỉ nhận mình là "kẻ chọc cười dân dã" (Ảnh: VTV).

Gần nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật, Xuân Hinh coi văn hóa truyền thống như “thứ của quý”, “cái nghiệp vận vào thân”. Ông say đắm với quan họ, chèo, xẩm, hát văn, chăm chút từng vai diễn, từng câu hò, điệu hát bằng cái tâm của một nghệ sĩ “làm dâu trăm họ”.

Xuân Hinh nói “nghỉ hưu rồi vẫn cứ mơ màng” khi nhắc đến những vai diễn đã trở thành một phần máu thịt.

Tình yêu với nghệ thuật dân tộc còn được Xuân Hinh thể hiện qua công trình Bảo tàng Đạo Mẫu tại Sóc Sơn.

Đây là công trình tâm huyết gần 20 năm của ông, sử dụng 5 triệu viên ngói cổ và 1 triệu viên gạch thất cổ, đã được ghi danh là công trình đầu tiên và duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 14 công trình kiến trúc tốt nhất thế giới năm 2024.

Thời gian qua, Xuân Hinh khiến khán giả bất ngờ khi xuất hiện trong MV Bắc Bling cùng Hòa Minzy và Tuấn Cry.

 "Các cháu trẻ mà còn làm về văn hóa dân tộc, mình là người Bắc Ninh, thấy xúc động nên nhận lời ngay. Tôi có làm gì đâu, chỉ đứng lườm lườm, đeo kính đen, gừ gừ, ngầu ngầu thôi”, ông hóm hỉnh nói.

Ông còn tuyên bố sẽ “chơi” một bài rock xẩm “nặng đô” trong tương lai: “Sắp tới Xuân Hinh phải chơi rock, rock xẩm hoặc rock hát văn mới máu, tập một tuần và nhảy phải gần tới nóc nhà. Chứ rap vẫn còn nhẹ, chưa ăn thua gì đâu. Cứ gặp Xuân Hinh thì cái gì cũng phải nặng!”.

Sau màn kết hợp với Hòa Minzy và Tuấn Cry trong Bắc Bling, Xuân Hinh cho biết ông sẵn sàng hợp tác với các nghệ sĩ trẻ, miễn sao qua đó có thể lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống.

Ông nói vui, đúng phong cách dí dỏm đặc trưng: “Mời nhanh lên, bác yếu rồi! Kể cả rock, bác cũng chơi, mà bác chơi là rock hạng nặng luôn đấy”. “Còn khỏe là bác còn chơi!”, Xuân Hinh hóm hỉnh chốt lại.

Các tin khác

Nên xem xét tạm đình chỉ danh hiệu NSND, NSƯT với nghệ sĩ vi phạm quảng cáo

Trước thực trạng nhiều NSND, NSƯT quảng cáo thẩm mỹ gắn mác phong thủy, chuyên gia truyền thông cho rằng ngoài chế tài hành chính như phạt tiền, gỡ nội dung, yêu cầu xin lỗi công khai, cần bổ sung các hình thức kỷ luật nghề nghiệp, nhất là đối với nghệ sĩ mang danh hiệu do Nhà nước phong tặng.

Góc khuất nghệ sĩ Xuân Hinh

NSƯT Xuân Hinh có hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng làm nghệ thuật thì nghèo, đặc biệt là những người theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Ông từng chứng kiến không ít người bỏ nghề, và chính bản thân ông cũng từng có ý định từ bỏ.

Trải nghiệm ở vùng đất đậm chất miền Tây Nam bộ ở TPHCM

Đảo Long Sơn được ví như “Rồng xanh” của vùng cửa biển với con sông Lòng Tàu, sông Thị Vải đi sâu vào đất liền. Trước đây trực thuộc TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), xã đảo Long Sơn ngày nay thuộc TPHCM. Tuy nằm ở miền Đông nhưng Long Sơn lại mang nét văn hoá đậm chất miền Tây Nam bộ.