Showbiz

‘Trò chơi con mực’ mùa 3 gây sốc vì kịch bản tệ thay vì bạo lực

** Bài viết tiết lộ tình tiết phim

Trò chơi con mực mùa 3 mở đầu ngay sau cuộc nổi loạn thất bại trong mùa 2. Seong Gi Hun (Lee Jung Jae) vẫn mang trong mình nỗi ám ảnh vì sự hy sinh của bạn bè. Anh buộc phải tham gia các trò chơi còn lại, với mục tiêu phá bỏ hệ thống từ bên trong. Cùng lúc, cảnh sát Jun Ho (Wi Ha Joon) mỏi mắt truy tìm hòn đảo nơi Squid Game đang được tổ chức.

‘Trò chơi con mực’ mùa 3 gây sốc vì kịch bản tệ thay vì bạo lực - Ảnh 1.

Mùa 3 tiếp tục hành trình lật đổ Squid Game của Seong Gi Hun

ẢNH: NETFLIX

Thử thách sinh tồn chỉ khiến người xem mỏi mệt

Ở mùa đầu tiên, Squid Game tạo điểm nhấn vì khắc họa một sân chơi lớn, nơi các thử thách sinh tồn được dàn dựng như những trò chơi tuổi thơ, lạnh lùng và rùng rợn. Phần 2 mở rộng thế giới đó bằng cách khai thác nội bộ tổ chức điều hành cuộc chơi. Đến mùa 3 - phần được tuyên bố là cuối cùng - khán giả không còn bị “sốc” nữa, mà thay vào đó là một cảm giác căng thẳng thường trực, đôi khi là... mệt mỏi.

Về mặt cấu trúc, mùa 3 giữ nguyên mô típ quen thuộc: Chuỗi trò chơi sinh tử, mỗi vòng loại dần người chơi và một phần thưởng khổng lồ dành cho người sống sót cuối cùng. Nhưng lần này, mức độ tàn nhẫn được đẩy lên rất cao, khiến một số tập gần như trở thành hành trình chịu đựng tinh thần hơn là thưởng thức giải trí đối với khán giả.

Khác với hai mùa đầu, nơi cái chết thường đi kèm với sự tiếc thương và cảm giác mất mát, mùa 3 lại khiến khán giả trở nên dửng dưng. Điều này không hẳn là do khán giả "chai lì", mà bởi cách kể chuyện trở nên rối rắm và thiếu điểm tựa cảm xúc.

Nhân vật Seong Gi Hun, dù vẫn do Lee Jung Jae thể hiện với nhiều nỗ lực nội tâm, lại bị cuốn vào một chuỗi sự kiện dày đặc và căng thẳng đến mức không còn thời gian để bộc lộ những hoài nghi hay xung đột đạo đức như trước. Nếu như ở mùa 1, người xem từng xúc động khi thấy Gi Hun bật khóc bên xác em mình, thì ở mùa 3, cái chết diễn ra nhanh chóng và liên tục đến mức… nhạt.

‘Trò chơi con mực’ mùa 3 gây sốc vì kịch bản tệ thay vì bạo lực - Ảnh 2.

Các tình tiết chết chóc bị trùng lặp, dễ đoán khiến người xem ngán ngẩm

ẢNH: NETFLIX

Lee Jung Jae và Lee Byung Hun tỏa sáng trong 'Trò chơi con mực' mùa 3

Không thể phủ nhận khả năng diễn xuất của tài tử 52 tuổi, khi màn đối đầu giữa nhân vật của anh và Front Man chính là phần hồn của mùa 3, và cả hai nhân vật này được nâng tầm rõ rệt nhờ diễn xuất đỉnh cao từ Lee Jung Jae và Lee Byung Hun.

Sau hai mùa phim, Lee Jung Jae không đơn thuần vào vai “kẻ sống sót tình cờ”, mà đã chuyển hóa và mang màu sắc mới cho vai diễn. Ở mùa 3, nhân vật Gi Hun không chỉ là người chơi, mà là người cố gắng dẫn dắt, bảo vệ, thậm chí truyền cảm hứng cho những người khác. Cách Lee Jung Jae thể hiện Seong Gi Hun có phần trầm lắng hơn trước, không còn bộc lộ cảm xúc quá mạnh ở từng tình huống, nhưng luôn cho thấy một tầng sâu của day dứt, uất nghẹn và một thứ đau khổ không thể giãi bày. Một trong những cảnh ấn tượng nhất là khi Gi Hun lặng người nhìn một người chơi nữ sắp bị loại, ánh mắt của anh lúc ấy chứa đựng sự bất lực lẫn phẫn nộ, dù không có bất kỳ lời thoại nào.

‘Trò chơi con mực’ mùa 3 gây sốc vì kịch bản tệ thay vì bạo lực - Ảnh 3.

Lee Jung Jae thể hiện tốt tính cách phức tạp của nam chính

ẢNH: NETFLIX

Trong khi đó, Lee Byung Hun tiếp tục khẳng định mình là một trong những diễn viên Hàn Quốc có nội lực và chiều sâu nội tâm lớn nhất hiện nay. Nhân vật Front Man từng chỉ là một biểu tượng lạnh lùng đằng sau chiếc mặt nạ, thì mùa ba cho thấy chiều sâu con người ẩn sau lớp vỏ đó. Byung Hun thể hiện trọn vẹn những giằng xé trong lòng nhân vật: Sự trung thành với tổ chức, nỗi ám ảnh quyền lực và tình cảm máu mủ với người em trai Jun Ho.

Điểm đáng khen là cách hai diễn viên kỳ cựu này không “tranh giành spotlight” mà nâng nhau qua từng đối thoại, từng cảnh giằng co tâm lý. Mỗi lần chạm mặt là mỗi lần khơi dậy mâu thuẫn giữa thù hận và tình thân, giữa đạo đức và sinh tồn. Chính sự phức tạp đó khiến bộ phim trở nên đáng nhớ, vượt ra khỏi khuôn khổ của một trò chơi bạo lực đơn thuần.

Những điểm trừ đáng tiếc

Mối quan hệ giữa Front Man và Jun Ho được đào sâu hơn, với một vài phân đoạn cảm động. Tuy nhiên, tuyến truyện này lại bị ngắt quãng liên tục bởi sự xuất hiện dày đặc của các nhân vật mới và các thử thách liên tiếp. Kết quả là mạch phim không đủ thời gian để cảm xúc lắng lại, khiến những khoảnh khắc quan trọng bị trôi tuột.

Đồng thời, các hành động của Jun Ho trong phần này trở nên thiếu logic. Là một cảnh sát có kinh nghiệm, nhưng anh liên tục rơi vào thế bị động, dễ dàng bị tổ chức truy lùng, thậm chí bị thao túng cảm xúc một cách ngây thơ. Việc anh âm thầm theo dõi cuộc chơi mà không có kế hoạch cụ thể hoặc đồng đội hỗ trợ khiến nhân vật này đánh mất tính thuyết phục. Thay vì là “cánh tay” điều tra giúp Gi Hun lật tẩy hệ thống, Jun Ho gần như chỉ đóng vai trò cảm xúc trong câu chuyện gia đình với Front Man - một tuyến truyện đã quá quen thuộc và được kể lại mà không có lớp nghĩa mới.

Tương tự, các nhân vật VIP, vốn từng bị chỉ trích ở mùa 1 vì thiếu chiều sâu, vẫn tiếp tục là điểm yếu của loạt phim. Các đoạn thoại tiếng Anh vẫn mang cảm giác khiên cưỡng, gượng gạo. Vai trò của họ trong cốt truyện không rõ ràng ngoài việc làm nền cho sự tàn nhẫn thêm phần vô nghĩa.

Bên cạnh việc lãng phí tiềm năng nhân vật, Squid Game mùa 3 còn bị chỉ trích vì hàng loạt tình tiết phi lý, thiếu cơ sở tâm lý và logic nội tại. Điển hình là phân đoạn một người chơi nữ sinh con giữa trò chơi - không cần hỗ trợ y tế, không đau đớn, và lập tức có thể tiếp tục “vai diễn” mẹ hiền như không có chuyện gì xảy ra. Chi tiết này nhanh chóng trở thành tâm điểm châm biếm trên mạng xã hội với hàng loạt bình luận như “phim Hàn hóa phiên bản cổ tích” hay “trò chơi sinh tử nhưng vẫn không quên lồng ghép yếu tố truyền hình gia đình”.

‘Trò chơi con mực’ mùa 3 gây sốc vì kịch bản tệ thay vì bạo lực - Ảnh 4.

Phim có nhiều tình tiết vô lý, nặng tính sắp đặt

ẢNH: NETFLIX

Squid Game từng được ca ngợi vì phê phán sâu sắc chủ nghĩa tư bản, thể hiện rõ sự phân tầng xã hội và sự tha hóa của con người khi bị đẩy vào cùng cực. Tuy nhiên, mùa 3 lại mang cảm giác xa rời hiện thực, khi các biểu tượng xã hội dần nhường chỗ cho những cú twist và hình ảnh gây sốc.

Việc để một đứa trẻ sơ sinh “thắng cuộc” ở tập cuối, với sự giúp sức của Gi Hun, bị nhiều khán giả xem là chi tiết khiên cưỡng. Dù mang tính ẩn dụ về sự tái sinh hay thế hệ mới, chi tiết này lại thiếu sức nặng cảm xúc và logic nội dung. Một số khán giả nhận định rằng phim cố gửi gắm thông điệp không rõ ràng, khiến người xem khó đồng cảm.

Không thể phủ nhận rằng Squid Game mùa 3 vẫn giữ được nhiều giá trị: Dàn dựng kỹ lưỡng, nhịp phim căng thẳng, và một số khoảnh khắc đậm chất điện ảnh. Song, đó là một cái kết thiếu cảm giác viên mãn. Khi càng nhiều trò chơi được sáng tạo để gây sốc, người xem lại càng xa rời cảm xúc. Khi nhân vật bị đẩy vào thế hy sinh để phục vụ biểu tượng, khán giả lại càng khó đồng cảm.

Loạt phim sinh tồn từng là biểu tượng của truyền hình Hàn Quốc trên bản đồ thế giới, với phần đầu tiên làm thay đổi cả cách người ta nhìn về dòng phim châu Á. Nhưng đến mùa 3, Squid Game dường như đã biến thành một trò chơi khác - trò chơi giữa nghệ thuật kể chuyện và tham vọng mở rộng thương hiệu.

Sự xuất hiện ngắn ngủi của Cate Blanchett trong vai một nhân vật bí ẩn tại Mỹ không chỉ là “trứng Phục Sinh” gây bất ngờ, mà còn hé lộ tham vọng toàn cầu hóa Squid Game. Netflix đã nhiều lần úp mở về khả năng thực hiện ngoại truyện hoặc phiên bản phương Tây của loạt phim này. Và quả thật, mùa 3 giống như bước đệm cho điều đó hơn là một cái kết trọn vẹn.

Các tin khác

Tài tử Leonardo DiCaprio bị chỉ trích "đạo đức giả"

Trên Instagram cá nhân, Leonardo DiCaprio thường xuyên chia sẻ thông điệp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc anh đến dự đám cưới của tỉ phú Jeff Bezos ngày 27.6 lại khiến dư luận hoài nghi về sự nhất quán giữa lời nói và hành động.

Công Trí là ai?

Là nhà thiết kế hàng đầu của làng thời trang Việt Nam, Công Trí sở hữu danh tiếng, cuộc sống giàu có. Tuy nhiên, anh đặc biệt kín tiếng về đời tư trong suốt nhiều năm.