
Ðặc khu Thổ Châu có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng
Thổ Châu rộng hơn 26km2, với 8 đảo lớn nhỏ, dân số gần 1.900 người. Nơi đây có cột mốc A1 (tại Hòn Nhạn) - điểm đầu đường cơ sở để tính khu vực lãnh hải của Việt Nam.
Hiện, để ra được đặc khu Thổ Châu không dễ, từ bờ ra đảo phải qua 2 chặng tàu. Từ Rạch Giá hoặc Hà Tiên đi tàu ra Phú Quốc (mất từ 1-2 giờ tùy điểm đi), sau đó đổi sang tàu Thổ Châu 09 đi thêm gần 5 giờ nữa mới đến Thổ Châu.
Tuy nhiên, tàu Thổ Châu 09 chỉ chở được khoảng 160 khách, chịu được gió cấp 6-7, nên vào mùa gió Nam (mùa mưa), biển động, tàu thường xuyên phải thay đổi lịch trình, hoãn hoặc huỷ chuyến. Đa số khách đi tàu Thổ Châu 09 là quân nhân, cán bộ, viên chức, còn người dân và du khách đi lại không nhiều. Cũng vì thế, mỗi tháng chỉ có 5 chuyến tàu kết nối Thổ Châu với Phú Quốc.
Ông Lê Văn Ca (53 tuổi, hơn 30 năm sống trên đảo) cho biết, những năm gần đây đảo đã được quan tâm đầu tư nhiều, cầu cảng, bến bãi, đường, trường trạm. Dù vậy, đảo vẫn chưa có điện lưới, chưa có tàu đi thẳng về đất liền, nên cuộc sống người dân, kinh tế địa phương vẫn nhiều khó khăn.
Ông Ca chia sẻ thêm, người dân Thổ Châu chủ yếu sống bằng nghề cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, số ít có ghe tàu đánh bắt, nuôi trồng.
Người dân sống tập trung phía bãi Ngự (Tây Nam đảo). Khi mùa gió Nam tới (từ tháng 4 tới tháng 8 Âm lịch hằng năm), hàng trăm hộ dân phải di chuyển sang bãi Dong (Đông đảo), tới mùa gió Bắc (những tháng còn lại trong năm) lại trở về bãi Ngự.
Khi những hộ làm nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản di chuyển, những hộ làm dịch vụ khác trên đảo cũng phải chuyển theo để làm ăn, buôn bán.
Cũng từ đặc thù này, Thổ Châu có nghề rất đặc biệt - chạy đò kéo lồng bè, tàu cá qua lại giữa bãi Ngự - bãi Dong. Việc mỗi năm phải chuyển nhà 2 lần rất vất vả, tốn kém cho người dân, nhưng muốn trụ lại đảo phải “sống theo chiều gió”.
“Hy vọng Thổ Châu được thành đặc khu sẽ sớm có điện lưới, nâng cấp thêm y tế, giáo dục. Ðặc biệt, thêm tàu cao tốc lớn rút ngắn thời gian đi lại, chống chọi sóng gió, để thuận tiện hơn cho bà con và đưa khách du lịch tới đảo, thêm cơ hội để đặc khu phát triển”. Ông Lê Văn Ca |
Ðảo Thổ Châu có dân số khoảng 1.900 người
Ông Trần Văn Tuấn (49 tuổi) cho biết, hiện nguồn điện trên đảo Thổ Châu có được từ máy phát chạy bằng dầu, một số có thêm năng lượng mặt trời, máy phát riêng. Do đó, điện cung cấp cho dân chỉ có từ 7h30 - 13h30 và từ 17h - 5h sáng hôm sau, khung giờ còn lại phải để máy nghỉ.
Cả người dân và các lực lượng, chính quyền trên đảo đều kỳ vọng với việc Thổ Châu thành đặc khu, mong muốn thời gian tới, đảo sẽ được quan tâm đầu tư nhiều hơn, đặc biệt về điện lưới, tàu lớn.