Tại cuộc họp thường kỳ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chiều 21/4 ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình cho biết đã làm việc với Vân Hugo về quảng cáo không đúng công dụng một loại sữa.
"Cô ấy nói quảng cáo dựa trên trải nghiệm cá nhân sau khi cho con trai sử dụng. Tuy nhiên, một khi đã quảng cáo, điều đó có thể được áp dụng chung cho các trường hợp khác. Mà chẳng có tài liệu nào chứng minh loại sữa này giúp trẻ cao lên 3-5 cm trong bốn đến sáu tháng", bà Huyền nói.
Thanh Vân Hugo vi phạm quy định liên quan đến quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm, theo khoản 5 điều 34, Nghị định số 38/2021, mức phạt dự kiến là 70 triệu đồng.
Ngoài trường hợp diễn viên Thanh Vân Hugo, cơ quan chức năng cho biết cũng sẽ phạt MC Quang Minh mức 37,5 triệu đồng do đối với hai hành vi: Quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, vi phạm tại điểm a, khoản 2, Điều 52 của Nghị định 138 và quảng cáo sử dụng tên của bác sĩ vi phạm quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 52 của Nghị định 38/2021.

Diễn viên, MC Thanh Vân Hugo. Ảnh: Facebook Nguyễn Thanh Vân
Bà Thanh Huyền nói người nổi tiếng khi nhận quảng cáo cần quán triệt việc "xem xét các giấy tờ liên quan, các nghệ sĩ, ngôi sao phải kiểm tra kịch bản, xem câu từ có vượt qua ngoài công dụng, tính năng, thành phần sản phẩm hay không".
Tại buổi họp, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết "đau lòng" khi làm việc với một số người nổi tiếng liên quan quảng cáo sai sự thật. Theo ông, trường hợp Quang Linh Vlogs bị bắt gần đây là "hồi chuông cảnh tỉnh" tới các nghệ sĩ nói chung.
Ông nêu quan điểm: "Nhiều nghệ sĩ thường có xu hướng biến tấu nội dung được giao, thêm thắt nhiều chi tiết không có trong nội dung gốc, thậm chí đưa ra những tuyên bố phóng đại. Ví dụ, nếu được nói về chiều cao vượt trội, họ có thể thêm con số cụ thể mà không có căn cứ. Ngoài ra, việc dựa trên kinh nghiệm cá nhân để quảng cáo và khẳng định điều đó đúng cho tất cả mọi người là sai lệch".
Cơ quan chức năng cũng nhắc nhở các nghệ sĩ nâng cao kiến thức pháp luật về vấn đề quảng cáo, cẩn trọng khi ký kết giấy tờ, nhận hợp đồng, thương thảo hình thức hợp tác: "Nghệ sĩ thường được các công ty trả công bằng cổ phần, cổ phiếu hoặc rót vốn. Khi đó, họ vô tình trở thành đồng sản xuất và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu sản phẩm bị kết luận là hàng giả".
Nghệ sĩ Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho biết đơn vị không có chế tài xử phạt nghệ sĩ vi phạm Quy tắc ứng xử đã ban hành. Tuy nhiên, những người này sẽ phải chịu trách nhiệm pháp luật nếu làm sai. "Nghị định số 38/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Ai sai ở đâu, sẽ bị xử phạt ở đó. Nếu lừa đảo, bán hàng giả, hoặc vi phạm những khung lớn hơn, nghệ sĩ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự", ông Bắc nói.
Bộ Công an gần đây triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại. Từ sự việc này, một số nghệ sĩ gây chú ý với khán giả khi tham gia vào quảng cáo sản phẩm, trong đó có các nhãn sữa.
Ngày 16/4, diễn viên Doãn Quốc Đam xin lỗi vì từng giới thiệu một nhãn sữa bị cho là của một trong hai doanh nghiệp trong nhóm sản xuất sữa giả. Anh nói thời điểm đóng quảng cáo, phía công ty cung cấp đầy đủ giấy tờ kiểm định. Anh chỉ nói theo kịch bản của nhãn hàng, không kêu gọi mua và sử dụng sản phẩm.
Đầu tháng 4, Hoa hậu Thùy Tiên cũng bị phạt hành chính 25 triệu đồng, tạm hoãn xuất cảnh, do cung cấp thông tin sản phẩm kẹo rau củ Kera. Nhiều nghệ sĩ như Hồng Vân, Cát Tường trước đây phải xin lỗi vì quảng cáo quá mức về các loại thực phẩm chức năng.