Mỡ nội tạng không chỉ làm bụng to hơn mà còn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy rằng lượng mỡ nội tạng cao hơn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, ung thư, tiểu đường loại 2, hội chứng chuyển hóa và bệnh gan nhiễm mỡ. Đó là lý do tại sao việc kiểm soát lượng mỡ nội tạng rất quan trọng. Eating Well đã liệt kê hai thay đổi đơn giản có thể giúp đạt mục tiêu này.

Mỡ nội tạng không chỉ liên quan đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tập ít các bài cardio
Trong khi các bài tập thiên về cardio đốt cháy nhiều calo và thường được khuyến khích áp dụng để giảm mỡ, giảm cân nhưng chúng cũng có nhược điểm khiến bạn nhanh đói, thèm ăn, có thể dẫn đến ăn nhiều hơn. Thay vì lao vào chạy bộ, đạp xe,... nhiều giờ đồng hồ, bạn có thể thiết lập thói quen đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày và tập luyện thêm các bài kháng lực, đem lại tác dụng giảm mỡ hiệu quả hơn.
Tập luyện sức mạnh làm tăng lượng calo bạn đốt cháy sau khi tập thể dục. Nó cũng xây dựng khối lượng cơ bắp, không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, săn chắc hơn mà còn thúc đẩy quá trình đổi chất tốt hơn. Tỷ lệ cơ bắp cao cũng giúp tăng khả năng đốt mỡ nội tạng ngay cả khi cơ thể nghỉ ngơi.
Tập luyện kháng lực giúp xây dựng cơ bắp, nhờ đó tăng hiệu quả tiêu hao calo ngay cả khi cơ thể ở trong trạng thái nghỉ ngơi.
Ăn nhiều chất béo lành mạnh
Thực đơn có nhiều món giàu chất béo tốt như cá hồi, các loại hạt, quả bơ... tạo cảm giác no nhanh và sẽ kéo dài đến hai giờ sau, so với bữa ăn có tỷ lệ axit béo thấp hơn. Nhờ đó, bạn sẽ thấy đủ no dù không tiêu thụ nhiều đồng thời hạn chế được cảm giác thèm ăn, kiểm soát chế độ ăn hiệu quả hơn.
Eating Well chỉ ra chế độ ăn Địa Trung Hải đang rất phổ biến, được nhiều người theo đuổi - nhờ đem lại hiệu quả tăng tuổi thọ, giảm cân, giữ dáng- cũng là chế độ ăn rất giàu chất béo đơn và đa không bão hòa từ các thực phẩm như cá béo, olive, các loạt hạt.
Chất béo tốt từ các loại hạt, cá biển,... được chứng minh tốt cho sức khỏe tim mạch cũng như lý tưởng cho việc giảm cân, giữ dáng.