Mới đây, người dân ở thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) trong khi cải tạo giếng làng đã phát hiện bao quanh thành giếng là một cấu trúc gỗ được kè vông. Hiện người dân đã đào sâu được khoảng 3m nhưng chưa xác định được độ sâu thực tế của đáy giếng.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, hiện nay người dân và chính quyền địa phương xã Hương Lâm đã rào chắn xung quanh để bảo vệ giếng.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Thế Định, Trưởng thôn Hạc Lâm xác nhận trong quá trình cải tạo giếng làng nằm trong quần thể di tích đình, chùa Hạc Lâm, người dân phát hiện một cấu trúc nghi là giếng vuông.
"Theo các cụ cao niên trong thôn, nước trong giếng từng được dùng cho sinh hoạt của dân làng. Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển của kinh tế, các gia đình có nguồn nước sạch nên giếng không còn dùng đến, bị lở thành nhìn như cái ao. Thời gian gần đây, bà con muốn cải tạo lại giúp không gian sạch đẹp hơn", ông Định thông tin.

Việc phát hiện cấu trúc bằng gỗ xoắn trôn ốc ở giữa giếng là điều rất bất ngờ với dân thôn Hạc Lâm. Bởi những cụ cao niên trong thôn không nghĩ ở giữa giếng lại có những thanh gỗ xếp hình trôn ốc sâu như thế.
"Trước năm 1980, giếng này vẫn được người dân lấy nước để sinh hoạt hàng ngày. Từ khi lớn lên đến nay tôi đều nghĩ giếng chỉ có đáy phẳng, chưa từng được cha ông kể lại ở giữa giếng lại có cấu trúc bằng gỗ hình trôn ốc như thế. Vì vậy cấu trúc gỗ này có thể có từ rất lâu đời rồi", một cụ cao niên trong làng Hạc Lâm thông tin.
Hiện người dân trong thôn đã báo cáo sự việc lên UBND xã Hương Lâm. Xã đề nghị người dân giữ nguyên hiện trạng, dừng việc cải tạo ao để báo cáo, chờ chỉ đạo của cấp trên.
Ông Nguyễn Đình Hậu ở thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) cho biết ông là người trực tiếp thi công cải tạo giếng làng sau khi được chính quyền cho phép.

Trong quá trình khai thác phát hiện trên bề mặt thấy rất lạ, xuống sâu xuất hiện thấy gỗ xếp mỗi tầng lại một khác lạ với hình xoắn ốc nên ông đi báo cáo chính quyền và dừng phương án cải tạo.
“Tôi đã đi cải tạo nhiều giếng nhưng chưa ở đâu có cái giếng cổ như thế này”, ông Hậu chia sẻ.
TS. Phạm Văn Triệu - Phó Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, thuộc Viện Khảo cổ học cho biết ông đã xem các hình ảnh về cấu trúc vuông, kiểu xoắn trôn ốc, được nghi là giếng cổ ở Hạc Lâm, Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa.
"Đến nay, chúng tôi chưa thể xác định được niên đại của giếng vì phải lấy mẫu gỗ để làm xét nghiệm carbon phóng xạ (C14), đồng thời nghiên cứu thêm lối sống, cách đào giếng của người dân trong khu vực mới có thể kết luận một cách chính xác", TS. Phạm Văn Triệu nói.
Theo ông Triệu, quan sát qua hình ảnh có thể thấy giếng có cấu trúc hình vuông độc đáo. Tuy nhiên, đây không phải là kiểu giếng truyền thống của người Việt ở khu vực Bắc Bộ. Giếng vuông là đặc trưng của khu vực miền Trung, phân bố chủ yếu từ khu vực Quảng Bình đến Bình Thuận.

Đánh giá bước đầu về 2 thuyền cổ mới phát hiện ở Bắc Ninh

Hai chiếc thuyền cổ phát hiện ở Bắc Ninh khả năng có từ thời Giao Chỉ
