Du lịch

Ông Tây "dẫn lối" khách nước ngoài đến Việt Nam thời mới mở cửa

Tóm tắt:
  • Mark Bowyer đưa du khách Australia đầu tiên đến Việt Nam trong những năm 1990.
  • Anh dự định mở công ty du lịch bất chấp phản đối và lo ngại của người thân.
  • Chiến dịch quảng bá của anh tập trung vào hình ảnh tích cực, vượt qua hậu quả chiến tranh.
  • Các tour đầu tiên phản ánh sự lạc quan của người Việt và trải nghiệm chân thực của du khách.
  • Hiện tại, Mark vẫn điều hành các tour khám phá Việt Nam dựa trên cảm hứng ban đầu.

Vào đầu những năm 1990, Mark cùng một người bạn bắt đầu nghĩ về việc mở một công ty du lịch nhỏ, đưa du khách quốc tế, đặc biệt là khách Australia, tới khám phá Việt Nam. Ý tưởng không được người thân tán thành, hầu hết chia làm hai luồng quan điểm: Thứ nhất, họ không nghĩ du lịch đến một quốc gia vừa trải qua nhiều mất mát sau chiến tranh là ý tưởng hay. Thứ hai, họ nghĩ người bản xứ sẽ có thái độ thiếu thân thiện với khách quốc tế, đặc biệt với nhóm từ phương Tây.

"Tất cả đã nhầm, người Việt Nam rất hiếu khách và sự lạc quan, hài hước của họ thật ngoài sức tưởng tượng", Mark nói.

Mark, sinh ra tại Sidney, bắt đầu mối liên kết sâu sắc với Việt Nam từ sau chuyến bay đầu tiên của hãng Qantas tới TP HCM vào năm 1990 để thực hiện dự án xuất bản sách về việc mở cửa nền kinh tế Việt Nam. Thời điểm đó, khách nước ngoài được yêu cầu xuất trình "giấy phép du lịch" - xin tại các cơ quan công an địa phương. Dù có giấy phép, du khách chỉ được tham quan một số điểm.

Mark (ngoài cùng bên trái) trên chuyến tàu Thống Nhất năm 1993. Ảnh: Rusty Compass

Mark (ngoài cùng bên trái) trên chuyến tàu Thống Nhất năm 1993. Ảnh: Rusty Compass

Chuyến đi này đã khơi dậy trong ông về một chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam với khách phương Tây. Mark đã sử dụng slogan "Việt Nam - sau cơn mưa trời lại sáng", kèm bức hình sông Hương thơ mộng ở Huế chụp năm 1990. Slogan cho thấy những gì Mark muốn truyền tải tới du khách: Dù còn dấu vết tàn phá của chiến tranh khắp nơi, hành trình sắp tới không phải để khám phá một Việt Nam u ám. Hiện tại, nếu tới TP HCM, du khách vẫn có thể nhìn thấy một phiên bản poster khổng lồ treo ở quán Old Compass Cafe.

Tới năm 1993, bất chấp sự phản đối, ông cùng bạn đã sáng lập Travel Indochina - tập trung vào những chuyến du lịch Đông Dương. Một trong những tour đầu tiên công ty cung cấp là hành trình "The New Vietnam" (Việt Nam mới) từ Hà Nội vào TP HCM trên tàu Thống Nhất 16 ngày.

Chuyến đi đầu tiên bắt đầu vào tháng 3/1993 với 12 khách Australia. Tên của tour được đặt vậy vì Việt Nam đang bước vào thời kỳ đổi mới, mọi thứ đều hấp dẫn và bất ngờ với khách du lịch. Sau hàng thập kỷ đấu tranh, một thời kỳ tốt đẹp hơn với sự chuyển mình nhanh chóng đang ở phía trước.

"Ấn tượng lớn nhất với các du khách là hình ảnh một dân tộc hướng về phía trước, tràn đầy sự lạc quan dù trong tim không quên đau thương quá khứ", ông nói.

Tấm áp phích quảng cáo chuyến bay tới Việt Nam với hình ảnh sông Hương. Ảnh: Rusty Compass

Tấm áp phích quảng cáo chuyến bay tới Việt Nam với hình ảnh sông Hương. Ảnh: Rusty Compass

Việt Nam khi ấy vẫn là quốc gia thuộc nhóm nghèo trên thế giới. Đường sá trong trí nhớ của Mark "rất tệ", chất lượng khách sạn ở mức trung bình. Thậm chí, khách sạn của họ ở Quảng Ngãi còn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, Mark không nghe lời phàn nàn nào từ 12 khách. Họ đều nghĩ đó là một cái giá rất nhỏ để được trải nghiệm Việt Nam vào thời điểm đặc biệt như thế. Thực tế, ngành dịch vụ lúc đó còn thiếu chuyên nghiệp nhưng những người dân Việt Nam đã bù đắp cho nhóm khách Australia bằng "sự ấm áp và cá tính đặc biệt".

Chuyến tàu Thống Nhất khi ấy cũng khá đơn sơ - cũng giống tưởng tượng của hầu hết mọi người. Nhưng người địa phương đã khiến trải nghiệm của họ khó quên hơn bao giờ hết. Thời điểm đó, rất ít người nước ngoài xuất hiện nên sự hiện diện của đoàn khách Australia cũng khiến mọi người chú ý. Họ đã cùng nhau tổ chức một bữa tiệc âm nhạc nhỏ trong khoang tàu và thỉnh thoảng, nhân viên đường sắt cũng ghé qua góp vui.

Mark cho biết những người Australia vốn lớn lên trong sự thoải mái và hòa bình. Họ nhận thức rõ nỗi đau của người Việt sau chiến tranh, đặc biệt khi lệnh cấm vận của Mỹ vẫn còn hiệu lực. Vì thế, họ thực sự xúc động khi cảm nhận nỗi đau người Việt trải qua khi đứng trước Tượng đài vụ thảm sát Sơn Mỹ. Họ cũng ghé thăm địa đạo Củ Chi để nghe những câu chuyện thời chiến được kể bởi chính những cựu du kích.

Những du khách khám phá TP HCM trên sông vào những năm 1990. Ảnh: Rusty Compass

Những du khách khám phá TP HCM trên sông vào những năm 1990. Ảnh: Rusty Compass

"Chiến tranh không phải thứ duy nhất để khám phá, các vị khách còn bất ngờ vì đam mê nhạc pop và karaoke của người Việt", Mark nói, cho biết họ đã nghe nhiều ca khúc của Lobo hay ABBA suốt hành trình.

Nhà điều hành tour người Australia cho biết họ đã tham khảo một số cuốn sách về Việt Nam để tạo nên trải nghiệm độc nhất cho những chuyến đầu tiên như Heroes của John Pilger. Tuy nhiên, hạn chế thời điểm đó là nội dung sách chủ yếu xoay quanh chiến tranh Việt Nam và góc nhìn của người Mỹ. Các nhân vật lịch sử Việt Nam được đề cập khá sơ sài.

Năm 2006, Mark rời Travel Indochina, thành lập Rusty Compass để đem đến những chuyến du lịch cho thấy sự thay đổi của châu Á. Sau 30 năm kể từ chuyến tàu Thống Nhất, Mark vẫn tiếp tục điều hành những tour du lịch khám phá Việt Nam - được lấy cảm hứng từ những tour đầu tiên nhưng có nhiều đổi mới.

"Vietnam by the Book" - hành trình 16 ngày - là một điển hình khi được xây dựng dựa trên ba cuốn sách trong đó có Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene.

Mark hiện tại. Ảnh: Rusty Compass

Mark ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Rusty Compass

Với Mark, Việt Nam là điểm đến tuyệt vời với những câu chuyện văn hóa, lịch sử và cảnh đẹp. Ông yêu đất nước này đến nỗi có thể nói thạo tiếng Việt. Ông cho rằng du lịch Việt Nam còn có thể phát triển hơn nữa nếu tập trung vào tôn vinh con người và những câu chuyện của họ, bớt đi các công trình bêtông.

"Du khách vẫn luôn tò mò và thách thức với chúng tôi là làm thế nào để đưa họ khám phá những câu chuyện văn hóa, lịch sử theo cách sâu sắc hơn", ông nói.

Các tin khác

Tuấn Hưng gây ngỡ ngàng

Tuấn Hưng trở lại đường đua nhạc Việt bằng MV "Dỗi", sản phẩm mang màu sắc hoàn toàn khác so với hình tượng quen thuộc của nam ca sĩ.

Trốn nóng ở Huế: Gọi tên 18 "thiên đường"

Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay, nếu bạn đang tìm kiếm một 'liều thuốc' hạ nhiệt hiệu quả, tránh xa cái nóng oi bức của phố thị thì những con suối trong xanh, mát lạnh ở Huế chính là điểm đến lý tưởng không thể bỏ qua để trốn nóng.

Kim Ji Hoon thoát mác "ác nam" để hóa thân hiền vương của "Cung Điện Ma Ám"

Kim Ji Hoon đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả với những vai diễn phản diện đầy ấn tượng. Với "The Haunted Palace" (Cung Điện Ma Ám/ Pháp Sư và Ác Thần), đây là lần đầu tiên anh thử sức với thể loại cổ trang, đặc biệt hơn khi anh vào vai vị vua hiền minh, trái ngược hoàn toàn với những nhân vật phản diện mà anh từng đảm nhận.