Showbiz

Nam NSND từ bộ đội chống Mỹ thành "huyền thoại nhạc đỏ", tuổi 73 sống an yên trong căn nhà ở quận Đống Đa

Tóm tắt:
  • NSND Trung Đức tham gia trận đánh tại sân bay Quảng Trị, chỉ sống sót sau hy sinh của đồng đội.
  • Ông từng là lính lái xe Trường Sơn, hát các ca khúc cách mạng và Trường Sơn đậm chất tâm huyết.
  • Ông đã trải qua những trận đánh ác liệt, trong đó có trận sân bay Quảng Trị, hy sinh 11 đồng đội.
  • Sau chiến tranh, ông trở thành huyền thoại nhạc đỏ và vẫn giữ giọng ca nhiệt huyết tuổi 73.
  • Ông sống kín đáo, hạnh phúc bên gia đình, dạy âm nhạc miễn phí, trân trọng ký ức chiến tranh và cuộc đời.

Nam NSND tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhiều lần thoát chết trong gang tấc

NSND Trung Đức sinh năm 1952 tại Hà Đông, Hà Nội. Ông là một trong những giọng ca nhạc đỏ "huyền thoại" của làng âm nhạc Việt Nam. Tên tuổi của Trung Đức gắn liền với những bài ca Cách mạng hào hùng, đặc biệt là các ca khúc viết về Trường Sơn như Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Trên đỉnh Trường Sơn, Chào em cô gái Lam Hồng...

Ít người biết, trước khi trở thành ca sĩ, NSND Trung Đức từng là lính lái xe Trường Sơn. Vì thế, mỗi lần cất tiếng hát, ông hát bằng cả trái tim, hát cho đồng đội và chính bản thân mình của những năm tháng ấy.

Nam NSND từ bộ đội chống Mỹ thành

NSND Trung Đức từng là một người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ

Nghệ sĩ Trung Đức kể, ông vốn không thuộc diện phải nhập ngũ vì là con trai một, lại có chị gái ruột hy sinh trong thời chống Pháp. Tuy nhiên, thời điểm Trung Đức đang theo học ngành Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội thì chiến tranh nổ ra ác liệt, ông đã viết đơn tình nguyện, xin được vào chiến trường chiến đấu.

NSND Trung Đức nhập ngũ năm 1972. Trước đó, ông được đào tạo lái xe, từng nhận xe, sang Lào và quay về Quảng Trị. Rồi ông được đi học đặc công và tiếp tục quay lại chiến trường Quảng Trị.

Những năm đầu vào chiến trường, Trung Đức là lính lái xe của Binh đoàn 559 (nay là Binh đoàn Trường Sơn). Ông làm nhiệm vụ chở mỳ chính, muối và một số nhu yếu phẩm đi từ Nghệ An theo đường Trường Sơn vào Quảng Trị.

Nam NSND từ bộ đội chống Mỹ thành

Những ca khúc song ca của NSND Trung Đức và NSND Thu Hiền đã đi vào huyền thoại

Thời đó, dù thiếu thốn đủ điều nhưng trong cabin xe của Trung Đức lúc nào cũng có cây đàn guitar để hát phục vụ anh em, bạn bè... Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây là bài ca ông hát nhiều nhất trong những năm tháng ấy.

Một lần, trên đường chở hàng vào Quảng Trị, khi chỉ còn cách thị trấn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 5km, xe của Trung Đức bỗng nhiên bị hỏng. Ông phải dừng lại, không thể đi tiếp, trong khi 7 chiếc xe của đồng đội phía trước vẫn tiếp tục tiến lên.

Chính Trung Đức cũng không thể ngờ, nhờ chiếc xe bị hỏng mà ông không phải hứng chịu trận bom giặc Mỹ ném xuống ngay phía trước, chưa đầy một cây số. 7 chiếc xe trước bốc cháy, 7 người đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh.

Sau này, nghệ sĩ Trung Đức được chuyển sang Sư đoàn 305 – tiền thân của Bộ tư lệnh Đặc công ngày nay. Ông từng tham gia đội hình tác chiến, đánh trận ở sân bay Quảng Trị.

Tham gia trận đánh đó có 12 chiến sỹ thì 11 người hy sinh, chỉ một mình Trung Đức còn sống. Mỗi khi nhớ lại quãng thời gian đó, nam nghệ sĩ thấy mình may mắn và biết ơn đồng đội đã hy sinh cho ông được sống.

Nam NSND từ bộ đội chống Mỹ thành

Những năm tháng trong Trường Sơn khói lửa đã bồi đắp thêm sự sâu lắng, truyền cảm cho giọng hát Trung Đức. Ông tâm sự, mỗi khi hát về Trường Sơn, trước mắt ông như hiện lên những vạt rừng bị bom Mỹ thiêu trụi đang bốc khói, những người bạn nằm lại trên chiến trường đầy bom đạn.

"Tôi hát như thể hát cho mình và đồng đội của mình. Tôi hát như trút hết kỷ niệm thời tuổi trẻ của mình vào đó. Bất cứ sân khấu nào, cứ cầm mic bước lên là tôi lại có rất nhiều xúc cảm với các bài hát ra đời trong thời kháng chiến chống Mỹ", nam nghệ sĩ xúc động chia sẻ.

Trở thành "huyền thoại nhạc đỏ", tuổi 73 viên mãn bên gia đình

Trở về từ chiến trường, NSND Trung Đức được đào tạo ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long, rồi chuyển sang Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.

Hiện tại, dù đã 73 tuổi, nhưng giọng ca của nghệ sĩ Trung Đức vẫn hào sảng, dạt dào tình cảm như ngày nào. Khi ông hát các ca khúc về Trường Sơn, trái tim hàng triệu khán giả lại rung lên vì xúc động và biết ơn thế hệ cha ông đã ngã xuống vì hòa bình, thống nhất đất nước.

Nam NSND từ bộ đội chống Mỹ thành

Ở tuổi 73, NSND Trung Đức vẫn sở hữu giọng ca hào sảng, dạt dào tình cảm

Dù rất nổi tiếng, nhưng NSND Trung Đức lại giữ lối sống kín đáo, khiêm nhường. Ở tuổi ngoài 70, ông mới lần đầu tiên giới thiệu bạn đời của mình cho khán giả biết trong chương trình Khách sạn 5 sao.

Bà xã Trung Đức là một người phụ nữ rất xinh đẹp, dịu dàng. Theo nam nghệ sĩ, vợ ông nấu ăn ngon, luôn thấu hiểu chồng và không bao giờ ghen tuông khi ông đi công tác xa nhà. Sau 40 năm bên nhau, vợ chồng ông có 4 người con, 3 trai và 1 gái.

Hiện tại, NSND Trung Đức và vợ sống an yên bên con gái và các cháu ngoại trong căn nhà ấm cúng ở quận Đống Đa, Hà Nội. Mỗi ngày, ông đều thức dậy vào 4 giờ sáng để tập thể dục và đi ăn sáng, uống cà phê với bạn bè. Nếu không đi tỉnh biểu diễn, nam nghệ sĩ ở nhà chơi với cháu, trò chuyện cùng vợ và đọc sách.

Nam NSND từ bộ đội chống Mỹ thành

NSND Trung Đức và bà xã xinh đẹp

Nam NSND từ bộ đội chống Mỹ thành

Nam nghệ sĩ hiện đang có cuộc sống an yên bên gia đình

Ngoài ra, khi có thời gian, nghệ sĩ Trung Đức vẫn tham gia giảng dạy tại các trường nghệ thuật, hoặc dạy thêm ở nhà. Ông thường không lấy tiền mà dạy miễn phí vì muốn lan tỏa tình yêu âm nhạc Cách mạng đến với thế hệ trẻ.

Các tin khác

Ông Nawat bị Lisa (BlackPink) từ chối

Ông Nawat có ý định mời Lisa (BlackPink) tham gia biểu diễn tại chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2025 tổ chức ở Thái Lan, tuy nhiên cô đã từ chối do có lịch trình dày đặc.

Nữ diễn viên đóng vai ni cô Huyền Trang trong "Biệt động Sài Gòn" giờ ra sao?

"Biệt động Sài Gòn" ra mắt năm 1986 kể về cuộc chiến nổi bật của lực lượng biệt động Sài Gòn trong sự kiện Tết Mậu Thân và công cuộc Kháng chiến chống Mỹ của quân Giải phóng tại miền Nam Việt Nam. Hơn bốn thập kỷ trôi qua, "Biệt động Sài Gòn" vẫn là một tượng đài trong lòng nhiều thế hệ yêu điện ảnh, gợi nhắc về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Lý Hải: “Khủng khiếp, tôi không tin luôn”

“Bà xã tôi đăng lên mạng xã hội, nhờ cộng đồng mạng giúp, chỉ trong vòng 30 phút thôi là Hà phải đóng cổng gấp vì đủ số lượng rồi”, Lý Hải chia sẻ.