Showbiz

Lý Hải: "Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng khi xem Lật mặt, một ông Tây đã khóc..."

Lý Hải là một trong những đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim thành công bậc nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Anh đứng sau tiếng vang của series Lật mặt, thương hiệu phim ăn khách nhất nhì màn ảnh rộng.

Đến nay, tổng doanh thu các phần Lật mặt đã vươn đến con số 1.400 tỷ đồng, trong đó Lật mặt 5 đạt 157 tỷ đồng, Lật mặt 6 đạt 273 tỷ đồng, Lật mặt 7 đạt 482 tỷ đồng và Lật mặt 8 đạt hơn 200 tỷ đồng, đưa Lý Hải trở thành một trong số ít đạo diễn Việt Nam có chuỗi phim liên tiếp đạt doanh thu khủng, xứng đáng với danh xưng “đạo diễn trăm tỷ”.

Lý Hải: "Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng khi xem Lật mặt, một ông Tây đã khóc..."- Ảnh 1.

Lý Hải hiện là một trong những đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim thành công bậc nhất Việt Nam

Song ít ai biết rằng, phía sau những con số hàng trăm tỷ ấy, Lý Hải còn đang bền bỉ theo đuổi một hành trình ý nghĩa và dài hơi hơn, đó là đưa phim Việt ra rạp quốc tế, để khán giả nước ngoài có thể thưởng thức và yêu mến điện ảnh Việt.

Từ Lật mặt 4: Nhà có khách, Lý Hải đã tiên phong đem phim Việt chiếu bán vé ở nước ngoài, một hướng đi mạo hiểm nhưng táo bạo. Anh không muốn phim Việt chỉ "đi thi rồi về", mà phải có mặt trong lịch chiếu của các cụm rạp quốc tế.

Trong suốt hành trình đó, anh giữ vững một giá trị cốt lõi xuyên suốt loạt phim Lật mặt: Lấy gia đình là trung tâm, văn hóa Việt là linh hồn, và những điều tử tế là điều khán giả sẽ mang theo khi bước ra khỏi rạp.

Lý Hải: "Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng khi xem Lật mặt, một ông Tây đã khóc..."- Ảnh 2.

Tôi là người đầu tiên đưa phim điện ảnh Việt Nam ra bán vé ở rạp nước ngoài, với bộ phim Lật mặt 4: Nhà có khách. Những ngày đầu đem phim ra thị trường quốc tế, tôi muốn nhấn mạnh là phim bán vé chứ không phải đi dự liên hoan hay chiếu miễn phí, tôi nhận ra rằng khán giả nước ngoài gần như không biết gì về điện ảnh Việt. Khi nhìn thấy poster phim Lật mặt 4, họ rất lạ.

Lúc ấy, bản thân tôi cảm thấy vô cùng sung sướng và tự hào khi một bộ phim Việt được trình chiếu tại cụm rạp lớn ở nước ngoài. Nhìn tấm poster phim của mình được treo giữa rạp, tôi hạnh phúc lắm. Tôi ước sao có thêm nhiều người nước ngoài quan tâm đến phim Việt.

Nhưng thực sự ban đầu, khán giả đi ngang qua poster, chẳng mấy ai để tâm. Đến khi hình ảnh ấy xuất hiện thường xuyên, họ dần dần cũng chú ý. Có thể họ chưa thích ngay đâu, nhưng sẽ đến lúc tò mò và muốn xem thử.

Lý Hải: "Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng khi xem Lật mặt, một ông Tây đã khóc..."- Ảnh 3.

Vợ chồng tôi lúc đó tìm mọi cách để tiếp cận khán giả quốc tế. Giai đoạn đầu, phần lớn người xem là kiều bào, những người Việt sống xa quê. Sau đó, tôi bắt đầu nhờ chính họ giới thiệu phim cho bạn bè nước ngoài. Tôi muốn khán giả quốc tế xem phim Việt, để từ đó hiểu thêm về đất nước, con người và văn hóa của chúng ta.

Khi những người Việt ở nước ngoài đưa bạn bè quốc tế đến xem phim, chúng tôi thường tặng họ món quà nhỏ như một cách thân thiện để quảng bá văn hóa và điện ảnh Việt Nam.

Lật mặt 7 là bộ phim đầu tiên được chiếu ở nhiều nơi nhất trên thế giới, bao gồm các cụm rạp bên Mỹ, Canada, Úc và châu Âu - một nơi rất khó tiếp nhận phim Việt. Đây là cả quá trình mà Lý Hải và nhà phát hành nỗ lực, để đưa phim Việt Nam ra nước ngoài.

Song song với đó, vợ chồng tôi còn chủ động kết nối với các trường đại học ở nước ngoài, gặp gỡ sinh viên hoàn toàn không phải gốc Việt, trò chuyện, giao lưu và mời họ đến rạp xem phim. Từ Lật mặt 7, tôi bắt đầu tập trung mạnh hơn vào việc này, vì tôi muốn phim Việt không chỉ dành cho người Việt hay Việt kiều, mà còn tiếp cận được cả khán giả quốc tế - những người chưa biết đến văn hóa Việt Nam.

Điều khiến tôi hạnh phúc là khi họ xem phim, nhiều người thực sự ngỡ ngàng trước cảnh đẹp, con người và văn hóa Việt. Họ thốt lên: "Ôi tôi không nghĩa Việt Nam lại làm được một bộ phim đẹp như vậy", vì trước họ nghĩ: "Việt Nam chắc "bèo" lắm, chỉ quay phim đơn giản, thô sơ thôi".

Một ông Tây đã khóc khi xem Lật mặt 7. Điều đó cho thấy, chúng ta chỉ thiếu cơ hội tiếp cận khán giả nước ngoài. Tôi tin nếu có thêm điều kiện để họ tiếp xúc với phim Việt, chắc chắn sẽ dần yêu thích và đón nhận.

Lý Hải: "Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng khi xem Lật mặt, một ông Tây đã khóc..."- Ảnh 4.

Còn điện ảnh nước nào cũng có phim hay và không hay. Nếu bạn xem nhiều phim trên Netflix sẽ thấy rõ, đâu phải phim nào Hollywood sản xuất cũng xuất sắc. Chỉ là khi phim nước ngoài được chiếu ở Việt Nam, đều đã qua chọn lọc kỹ lưỡng, thuộc hàng top. Thế nên khán giả mới khen phim ngoại: "Ôi sao phim hay quá vậy". Nhưng nếu xem một cách đại trà, thì phim nước ngoài cũng có đủ hạng A, B, C.

Lý Hải: "Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng khi xem Lật mặt, một ông Tây đã khóc..."- Ảnh 5.

Sau khi Lật mặt 2 được chọn tranh giải tại một liên hoan phim ở Hàn Quốc và may mắn giành giải về đạo diễn, tôi có dịp gặp gỡ và kết nối với một nhóm bạn bè làm nghề - là các đạo diễn và nhà sản xuất Hàn Quốc. Đó là cơ hội quý giá với tôi. Qua những buổi trò chuyện, tôi học hỏi được rất nhiều điều từ cách họ làm nghề đến tư duy phát triển điện ảnh.

Khi tôi hỏi họ: "Tôi muốn quảng bá phim của mình ra cộng đồng nước ngoài thì nên làm thế nào?". Họ khuyên: "Bạn nên cho mọi người xem những gì bạn có, hãy cho họ thấy những gì đẹp nhất của quê hương bạn". Câu nói đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, khiến tôi thay đổi góc nhìn của mình và đến giờ vẫn luôn ghi nhớ sâu sắc.

Quả thật, nếu cứ cố gắng mô phỏng những yếu tố hoành tráng kiểu Hollywood như nhà cao tầng, siêu xe hay đại cảnh hành động, thì điện ảnh Việt khó lòng vượt trội so với những bom tấn như Fast & Furious. Thay vào đó, Việt Nam có những giá trị độc đáo, đó là thiên nhiên tươi đẹp, làng quê yên bình, phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc. Chính những điều tưởng như bình dị ấy lại là “đặc sản” của Việt Nam mà không quốc gia nào có thể sao chép.

Khi xem phim Hàn, tôi thấy các nhân vật trong phim của họ đều sử dụng hàng nội địa, từ điện thoại, tivi đến xe hơi... đều là sản phẩm của Hàn Quốc. Không chỉ vậy, phim còn khéo léo lồng ghép hình ảnh thiên nhiên, con người và văn hóa bản địa vào trong từng khung hình.

Lý Hải: "Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng khi xem Lật mặt, một ông Tây đã khóc..."- Ảnh 6.

Ủa, sao kỳ vậy? Việt Nam mình cũng đẹp kém gì đâu. Từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau, nơi nào cũng có cảnh sắc tuyệt vời và nét văn hóa đặc trưng. Nếu mình không tận dụng thì thật sự quá phí. Mỗi tỉnh, mỗi vùng miền đều có một vẻ đẹp riêng - từ kiến trúc, ẩm thực cho đến phong tục tập quán. Tôi tin rằng, có làm thêm vài chục bộ phim nữa cũng chưa thể khai thác hết được những gì Việt Nam đang có.

Vậy thì tại sao phải ra nước ngoài quay làm gì cho tốn kém, khi chính đất nước mình đã là một phim trường tự nhiên quá tuyệt vời? Tôi muốn dùng điện ảnh như một cánh cửa để đưa khán giả quốc tế đến gần hơn với Việt Nam, dù họ đã từng đến hay chưa từng đặt chân tới thì vẫn có thể cảm nhận được vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa của con người Việt Nam qua từng thước phim.

Do đó, từ phần 3 của loạt phim Lật mặt, tôi đã chủ động lồng ghép vào tác phẩm của mình những cảnh đẹp hùng vĩ của đất nước mình, như một cách giới thiệu Việt Nam ra thế giới qua lăng kính điện ảnh gần gũi, chân thật nhưng đầy cuốn hút.

Lý Hải: "Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng khi xem Lật mặt, một ông Tây đã khóc..."- Ảnh 7.

Với tôi, dù bạn là ai, ở tầng lớp nào, giàu sang hay nghèo khó, thì gia đình vẫn luôn là cốt lõi, là chỗ dựa lớn nhất. Không có gia đình, mình khó mà vững vàng để bước xa trên bất kỳ con đường nào, dù là sự nghiệp hay cuộc sống. Ai cũng vậy, dù bận rộn đến đâu, cứ đến 30 Tết là lòng lại hướng về gia đình, về nơi mình bắt đầu.

Chính vì vậy, đề tài gia đình luôn là trung tâm trong các phim của tôi. Dù là phim hài, phim hành động, phim tình cảm hay thậm chí là phim ma, thì vẫn luôn xoay quanh sợi dây liên kết giữa những người thân trong một gia đình. Thể loại có thể khác nhau, nhưng giá trị cốt lõi thì không đổi. Tôi muốn người xem khi ra khỏi rạp, ngoài tiếng cười hay cảm xúc giải trí, còn mang theo một điều gì đó ấm áp để suy ngẫm và chia sẻ.

Lý Hải: "Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng khi xem Lật mặt, một ông Tây đã khóc..."- Ảnh 8.

Tôi cũng giữ một nguyên tắc: Dù phim có gắn mác giải trí, thì vẫn phải truyền tải một thông điệp tích cực, lan tỏa sự yêu thương cho người xem. Mỗi ngày, chúng ta lướt mạng xã hội, đọc tin tức, thấy quá nhiều bình luận tiêu cực. Chính vì thế, tôi không còn làm phim chỉ vì cơm áo gạo tiền nữa, mà còn vì đam mê, vì những điều tôi thật sự muốn lan tỏa đến cộng đồng.

Tôi thấy mình rất may mắn khi có một nhà sản xuất luôn đứng phía sau ủng hộ – đó chính là bà xã tôi, Minh Hà. Cô ấy không chỉ là người bạn đời mà còn là người thực sự thấu hiểu nhiệt huyết và ước mơ của tôi. Làm phim mà nhà sản xuất không hiểu, không đồng hành, thì cực kỳ khó.

Như Lật mặt 8, tôi viết kịch bản có một phân đoạn tái hiện bối cảnh chiến tranh trước năm 1975. Nếu nhà sản xuất không đồng thuận, không chi tiền, kêu: “Tốn tiền lắm, bỏ đi”, chưa quay mà đã bị cắt, thì đạo diễn đâu còn tâm trí để làm.

Hay như cảnh concert lớn, tôi hình dung sân khấu hoành tráng dài 50-70m, phía dưới là hàng nghìn khán giả diễn viên quần chúng để tạo cảm giác thật. Nhưng nhà sản xuất lại nói: "Sân khấu 10-20m thôi, cho 300 người quần chúng là được rồi". Vậy thôi là tự nhiên sẽ "xụi" ngang, không còn tâm trí nào mà làm việc hết.

Minh Hà thì khác. Cô ấy luôn đứng phía sau và nói một câu khiến tôi rất yên tâm: “OK, anh muốn làm gì thì làm, miễn làm đúng cái chất anh mong muốn là được”. Cô ấy không bao giờ cấm cản tôi, chính vì thế mà tôi luôn thoải mái khi đứng trên phim trường.

Lý Hải: "Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng khi xem Lật mặt, một ông Tây đã khóc..."- Ảnh 9.

Thực ra, trước khi bắt tay làm phần Lật mặt đầu tiên, tôi từng hợp tác với một nhà sản xuất khác. Thú thật, khi đó cực kỳ khổ. Trong vai trò đạo diễn, tôi không có nhiều quyền quyết định. Ví dụ, tôi viết một cảnh rượt đuổi, cần 15-20 tên giang hồ đuổi theo nhân vật để tạo cảm giác nguy hiểm. Nhưng nhà sản xuất bảo: “Không, ba người là đủ rồi, đỡ tốn tiền”.

Nhưng vấn đề không phải 3 người, 10 người hay 15 người mà nó phải đúng với logic câu chuyện. Nhân vật chính giỏi võ, nếu chỉ có 3 người thì anh ta đứng lại đánh luôn, đâu cần chạy làm chi. Mà nếu không chạy, thì không có câu chuyện tiếp nối, đúng không? Tại sao anh ấy chạy, vì đám giang hồ đông quá, ảnh đánh không nổi. Vậy thôi mà cãi tới cãi lui, họp với công ty, rồi họ mới đưa ra quyết định cho mình 10 người.

Lúc đó tôi chỉ biết thở dài, ôi thôi mệt quá. Sau này, tôi ráng bán nhà, vay tiền làm phim, vợ làm nhà sản xuất luôn. Chỉ có như vậy tôi mới có thể làm ra được những gì mình muốn.

Trong quá trình làm việc, tôi và Minh Hà cũng phải thay đổi rất nhiều để có thể đồng hành cùng nhau một cách trọn vẹn. Minh Hà từ một người còn non trẻ, đã dần trưởng thành, chín chắn hơn để có hợp với tôi. Ngược lại, tôi cũng phải học cách trẻ hóa suy nghĩ, mềm mỏng hơn để hai vợ chồng hoà hợp. Tôi sinh ra ở miền Tây, chất nông dân có sẵn, nhưng đầu óc thì rất thoáng và hiện đại, không hề bảo thủ hay khó tính.

Lý Hải: "Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng khi xem Lật mặt, một ông Tây đã khóc..."- Ảnh 10.

Giữa tôi và Minh Hà chưa bao giờ có tranh cãi lớn. Nếu có bất đồng, tôi thường chọn cách im lặng, đi ra ngoài cho nguôi. Khi nào bình tĩnh rồi thì mới quay lại nói chuyện. Vì tôi hiểu, trong lúc nóng giận thì rất khó kiềm chế cảm xúc, dễ nói ra những điều tổn thương nhau. Mà cả hai vợ chồng tôi đều là người có tự ái cao, nên phải biết dừng đúng lúc. Lâu dần, Minh Hà cũng quen với tính cách đó của tôi.

Lý Hải: "Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng khi xem Lật mặt, một ông Tây đã khóc..."- Ảnh 11.

Tôi thấy mình rất may mắn. Cuộc sống hiện tại, đối với tôi, đã là đủ. Gia đình hạnh phúc, các con ngoan ngoãn, trưởng thành, đó là điều tôi mong mỏi nhất. Sự nghiệp thì cũng đã có vị trí nhất định.

Tuy nhiên, tôi vẫn ấp ủ những dự án mới, đặc biệt là mong muốn phát triển phim Việt ra thị trường quốc tế, không chỉ dừng lại ở các liên hoan hay giải thưởng, mà phải bán vé cho khán giả nước ngoài xem.

Về câu hỏi: "Có nên kết hợp với các đạo diễn nổi tiếng khác của Việt Nam hiện giờ để tạo nên bom tấn không?", theo tôi, làm điều này không dễ.

Ông bà mình có câu: “Một rừng không thể có hai cọp.” Khi đã làm đạo diễn, tức là bạn phải chịu trách nhiệm toàn bộ cho set quay, cho câu chuyện, số phận từng nhân vật. Không thể có hai người cùng đứng ở vai trò đó, rồi tới lúc có vấn đề lại tranh luận: “Tôi bảo diễn thế này, anh làm sai rồi.”

Cái tôi của mỗi đạo diễn thường rất lớn. Trên sân cỏ không thể có hai huấn luyện viên cùng lúc, phải có một người quyết định chính, còn lại là trợ lý, là cố vấn. Trong điện ảnh cũng vậy. Đó là quy luật rồi.


Các tin khác

Kim Kardashian mặc lộng lẫy ra tòa

Pháp Kim Kardashian diện nhiều bộ cánh thời trang khi ra tòa làm chứng về vụ cô bị cướp uy hiếp năm 2016 tại Paris.

Bom tấn "Superman" tung trailer

Trailer "Superman" hé lộ quá trình Superman - David Corenswet đóng - nỗ lực hòa nhập xã hội loài người dưới vỏ bọc nhà báo Clark Kent.

Video Diddy bạo hành bạn gái gây chấn động

Trong phiên tòa xét xử Diddy, các video chưa chỉnh sửa được công bố cho thấy rapper đánh đập, kéo lê bạn gái một cách tàn bạo tại hành lang khách sạn năm 2016.