Nhạc

Ký ức dân tộc trong tiếng tỳ bà của Vũ Diệu Thảo

Tóm tắt:
  • Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo ra mắt album 54 bản độc tấu tỳ bà các ca khúc cách mạng.
  • Dự án kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam nhằm lan tỏa tình yêu dân tộc.
  • Các bản nhạc thể hiện tinh thần đại đoàn kết và tri ân các thế hệ hy sinh vì độc lập.
  • Album sẽ hoàn thành vào dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động kết hợp.
  • Vũ Diệu Thảo mong muốn đưa âm nhạc truyền thống vào đời sống hiện đại, chạm đến trái tim người trẻ.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), nghệ sĩ đàn tỳ bà Vũ Diệu Thảo đã ra mắt dự án âm nhạc đặc biệt: Biểu diễn 54 bản độc tấu tỳ bà dựa trên những ca khúc cách mạng quen thuộc, truyền tải tinh thần đại đoàn kết dân tộc thông qua âm thanh mộc mạc, sâu lắng của nhạc cụ truyền thống.

Ký ức dân tộc trong tiếng tỳ bà của Vũ Diệu Thảo - 1
Nghệ sĩ tỳ bà Vũ Diệu Thảo là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nghệ sĩ trẻ gắn bó với âm nhạc truyền thống Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đây không chỉ là một nỗ lực sáng tạo nghệ thuật mà còn là lời tri ân sâu sắc tới những thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Album được xây dựng với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương ứng với 54 dân tộc anh em, gắn liền với những ca khúc kinh điển như: Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng), Như có Bác trong ngày đại thắng (Phạm Tuyên), Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (Nguyễn Văn Tý), Tiến về Sài Gòn (Lưu Hữu Phước), Cô gái mở đường (Xuân Giao)…

Mỗi bản nhạc là một câu chuyện, một ký ức được kể bằng âm thanh của cây đàn tỳ bà, nhạc cụ truyền thống mang đậm hồn Việt.

Ca khúc đầu tiên trong album - Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà) - được giới thiệu vào ngày 17/2. Toàn bộ 54 bản nhạc sẽ lần lượt được phát hành và hoàn tất vào dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5).

Bên cạnh những bản độc tấu, Diệu Thảo còn kết hợp cùng NSƯT Việt Hồng, tốp đàn tỳ bà, đàn tranh, nhóm Tứ Quý gồm hai học trò trẻ Bảo Trân, Bảo Châu nhằm mang đến sự phong phú trong hòa âm và đa dạng trong cách thể hiện.

Đặc biệt, Diệu Thảo không dàn dựng cầu kỳ mà lựa chọn cách thể hiện mộc mạc, các video độc tấu đàn mộc được cô ghi hình đơn giản bằng điện thoại, không xử lý âm thanh hậu kỳ hay dàn dựng cầu kỳ.

Mỗi bản nhạc được cô giới thiệu kèm theo câu chuyện ra đời, tên tác giả sáng tác hoặc những dấu mốc lịch sử liên quan…

"Đối với mỗi tác phẩm âm nhạc, khi lắng nghe giai điệu, ca từ, chúng ta thấy hay, thấy đẹp, mới chỉ là một phần nhỏ. Ẩn sâu phía bên trong mỗi tác phẩm đều có những câu chuyện, có hoàn cảnh sáng tác, có tâm tư của tác giả gửi gắm.

Sự thấu hiểu ấy không chỉ giúp nghệ sĩ thể hiện đúng tinh thần bài hát, mà còn là sự tri ân với người sáng tác. Nhờ vậy, âm nhạc sẽ hay hơn, đẹp hơn và chạm tới trái tim người nghe nhiều hơn", Diệu Thảo chia sẻ.

Nói về động lực thực hiện "chiến dịch" âm nhạc với 54 bản độc tấu tỳ bà các ca khúc cách mạng, nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo chia sẻ đầy xúc động: "Tôi là một người Việt Nam yêu nước. Trước lịch sử hào hùng và sự hy sinh của bao thế hệ vì độc lập dân tộc, tôi luôn mang trong lòng niềm biết ơn sâu sắc".

Chính cảm xúc mãnh liệt ấy, cùng với dòng chảy kỷ niệm của các ngày lễ lớn của đất nước, đã thôi thúc Diệu Thảo mang tiếng đàn dân tộc hòa quyện vào những ca khúc cách mạng.

"Tôi muốn đưa nhạc cụ truyền thống vào những giai điệu mộc mạc, khí thế mà đầy sâu lắng, để âm nhạc dân tộc không chỉ kể chuyện ngày xưa mà còn lan tỏa tinh thần Việt Nam hôm nay", cô nói.

Với Diệu Thảo, âm nhạc là một hình thức tri ân, là tiếng lòng và sự biết ơn của thế hệ hôm nay gửi tới những thế hệ đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

Thể hiện ca khúc cách mạng bằng âm thanh của cây đàn tỳ bà, điều khiến Diệu Thảo rung động nhất là tinh thần của tác phẩm. Khi đàn những ca khúc này, âm nhạc phải mạnh mẽ, hào hùng, tinh thần và biểu cảm của nghệ sĩ cũng vì thế mà hòa quyện vào.

Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức với cô bởi tiết tấu hành khúc thường nhanh, gọn, dứt khoát, mà đa phần các nhạc cụ dân tộc Việt Nam thường nhấn nhá mềm mại, ngọt ngào, sâu lắng.

Bởi vậy, khi cô bắt đầu thực hiện dự án này, nhiều người không khỏi hoài nghi rằng đàn tỳ bà đánh nhạc cách mạng liệu có hay?

Ký ức dân tộc trong tiếng tỳ bà của Vũ Diệu Thảo - 2
Ban đầu, Vũ Diệu Thảo (ở giữa) chỉ đơn giản là chơi đàn vì yêu nhạc, yêu cảm xúc, không đặt nặng mục tiêu hay kỳ vọng vào dự án âm nhạc này (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhưng kết quả đã vượt xa mong đợi của nữ nghệ sĩ. "Ban đầu, tôi thực hiện dự án chỉ đơn thuần là yêu các ca khúc và chơi rất cảm xúc thôi chứ không có mục đích gì to tát. Vậy mà nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi, khán giả đón nhận, lắng nghe, động viên, mong chờ từng ngày", nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo bồi hồi nhớ lại hành trình khởi đầu của dự án âm nhạc đặc biệt.

Vũ Diệu Thảo kể: "Mỗi ngày, đúng 18h, bản độc tấu mới lại được tôi đăng tải lên mạng, ngay lập tức có các ông bà, cô, dì, chú, bác vào lắng nghe và chia sẻ mạnh mẽ".

Khoảnh khắc xúc động nhất với nữ nghệ sĩ là khi cô nhận được tin nhắn từ một bác cựu chiến binh: "Thay mặt hơn 4 triệu cựu chiến binh, bác cảm ơn cháu Diệu Thảo, cháu nhớ đàn thêm nhiều bài cho mọi người nghe nhé!", "Nghe cháu đàn quá tuyệt vời. Bác nhớ đến ngày bác cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn đã gần 50 năm".

"Trái tim tôi như nghẹn lại. Tôi không ngờ tiếng đàn tỳ bà lại có thể chạm đến trái tim của những người từng đi qua chiến tranh, từng sống trong hào khí dân tộc. Vậy là từ đó, tôi đặt mục tiêu chơi nhạc đều đặn, như một món quà nhỏ dành tặng khán giả lớn tuổi của mình", Diệu Thảo xúc động chia sẻ.

Cô cũng cho biết, điều khiến cô cảm động chính là sự đồng hành bền bỉ, đầy tình cảm của các bác cựu chiến binh, những khán giả đặc biệt của dự án âm nhạc độc tấu tỳ bà. Không chỉ theo dõi đều đặn từng bản nhạc cô đăng tải, các bác còn nhận xét rất tỉ mỉ, thậm chí gợi ý cô thể hiện thêm những bài hát cách mạng quen thuộc khác.

"Ngoài việc khen tặng, các bác còn nhắn tôi rằng: "Cháu nhớ giữ gìn sức khỏe để tiếp tục ra nhiều bài hay nữa cháu nhé!", nghe mà tôi rưng rưng. Bài nào các bác nhắc đến, tôi cũng thấy rất thân thuộc, gần gũi. Vậy nên tôi chẳng gặp trở ngại nào với "chiến dịch" này, cứ thế băng băng tiến về phía trước với hành lý là một ba lô đầy ắp âm nhạc. Chiếc ba lô ấy tuy nặng, nhưng nặng trĩu yêu thương, biết ơn và trân trọng", Diệu Thảo bày tỏ.

Ký ức dân tộc trong tiếng tỳ bà của Vũ Diệu Thảo - 3
Nhiều nghệ sĩ, các em học sinh của Vũ Diệu Thảo đã góp tiếng đàn trong album này (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không chỉ biểu diễn, nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo còn truyền cảm hứng đến các học trò nhỏ của mình. Nhiều em học sinh hào hứng tập luyện những bài ca cách mạng trên cây đàn tỳ bà, có em còn chủ động nhắn tin xin bản nhạc để luyện tập thêm.

"Khi em tập, mẹ còn hát theo, vui lắm cô ạ!", một em nhỏ nhắn cho cô. Với Diệu Thảo, đó là món quà tinh thần vô giá.

"Tôi tin rằng âm nhạc truyền thống, nếu được "kể chuyện" bằng một cách gần gũi, giản dị và giàu cảm xúc, sẽ dễ dàng chạm tới trái tim của người trẻ. Từ đó, bản sắc âm nhạc dân tộc sẽ được giữ gìn và phát triển một cách bền vững trong dòng chảy hiện đại", Diệu Thảo cho biết.

Sau album với 54 bản nhạc cách mạng, nữ nghệ sĩ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống các bản chuyển soạn chuyên sâu cho đàn tỳ bà - một nỗ lực âm thầm nhưng đầy tâm huyết của giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhằm đưa nhạc cách mạng vào hệ thống giáo trình học thuật của nhạc cụ dân tộc.

Các tin khác

Người đứng sau ca khúc triệu view của NSƯT Xuân Hinh

Ca khúc "Cha ơi" do NSƯT Xuân Hinh thể hiện chạm mốc 7 triệu lượt xem nhờ giai điệu sâu lắng, ca từ xúc động về tình cha. Nhạc sĩ Ngô Huỳnh - tác giả ca khúc - cho biết anh viết nhạc về lòng biết ơn cha mẹ, mong muốn gửi gắm thông điệp yêu thương đến khán giả.