Ngày 25/4, tại hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương thể hiện góc nhìn sâu sắc, toàn diện về những đổi mới của Đảng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và vai trò quan trọng của văn học nghệ thuật trong phát triển đất nước và đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục phát triển lĩnh vực này.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, sau ngày 30/4/1975, văn học nghệ thuật cách mạng ở phía Bắc, các nhà văn yêu nước phía Nam, ở nước ngoài đã hòa thành dòng chảy, tạo nên chân dung đầy đủ về văn học nghệ thuật Việt Nam. Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, văn học nghệ thuật sẽ có nhiều thay đổi song đều hướng đến mục tiêu cao cả nhất là vì con người, cho con người…

Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, suốt chặng đường 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học nghệ thuật Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng, từ tư duy lý luận đến thực tiễn sáng tạo, phương thức truyền bá và xu hướng tiếp nhận. Tuy nhiên, nền văn học nghệ thuật nước nhà phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và đang phải đối diện với những thách thức gay gắt.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam cần tiếp tục "kề vai sát cánh", "đồng tâm, hiệp lực", cùng nhau thực hiện sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang với Tổ quốc và nhân dân.
"Bằng tác phẩm và thông qua tác phẩm của mình, đội ngũ văn nghệ sĩ chính là những người ươm trồng hạt giống về cái đẹp, lòng nhân ái và sự tử tế; gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa của truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Mỗi văn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật chân chính sẽ góp phần bồi đắp, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; mở cánh cửa tương lai tươi sáng của cả dân tộc chúng ta", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ VHTTDL tổ chức triển lãm 50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc, trưng bày hơn 200 hình ảnh và 200 hiện vật, tài liệu với các nội dung: Sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật; khái quát về thành tựu văn học, nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua; giới thiệu thông tin tác phẩm, cụm tác phẩm và tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Ảnh: BTC