Chương trình Mật danh của VOV1 khắc họa chân dung Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức - người đi vào huyền thoại với mật danh Ba Quốc.
Gần 24 năm hoạt động bí mật trong lòng địch, ông tạo nên những chiến công tình báo "chưa từng có", góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng. Thế nhưng, đằng sau ánh hào quang ấy là câu chuyện đầy bi tráng về sự hy sinh thầm lặng của những người thân yêu nhất.
Lời hẹn ước 2 năm trở về kéo dài đằng đẵng 21 năm
Từ căn nhà lưu niệm giản dị trên phố Thanh Đàm, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội, ký ức về một người cha, một người chồng, một người tình báo huyền thoại lại ùa về. Chính tại nơi đây, vào năm 1954, ông Đặng Trần Đức từ biệt người vợ tào khang – cũng là đồng đội của ông, con gái cả mới 5 tuổi và người con thứ hai còn chưa kịp chào đời, để lên đường thực hiện một nhiệm vụ tối mật tại miền Nam.
Vợ ông, bà Phạm Thị Thanh – người đồng chí, người vợ can trường – chấp nhận “một cuộc hôn nhân khác” mà tổ chức yêu cầu, để ông xóa sạch lý lịch và xây dựng vỏ bọc mới.
Con gái ông, bà Đặng Thị Chính Giang, kể lại: “Lúc bố tôi đi, mẹ tôi đang mang thai em trai tôi. Cụ hứa 2 năm sẽ trở về, nhưng đến tận 21 năm sau mới gặp lại. Mỗi lần có dịp về Bắc trong thời gian ngắn, tôi cũng chỉ nhìn thấy bóng lưng ông”.

Bà Đặng Thị Chính Giang - con gái cả của Thiếu tướng Đặng Trần Đức.
21 năm đằng đẵng, gia đình ở miền Bắc gánh chịu biết bao hy sinh, đau đớn và cả nghi kỵ. Các con ông lớn lên trong ánh nhìn dò xét của xã hội, trong sự thiếu vắng hình bóng người cha.
“Chúng tôi là những đứa con, thiệt thòi không? Cực kỳ thiệt thòi. Đi học chỉ có mỗi một mình mẹ, không có bố. Nhòm ngó của những người khác không biết bố đứa này đi đâu. Có lần, tôi hỏi mẹ: ‘Có đúng bố đi theo giặc vào Nam không mà con bị nhà trường đối xử như thế? Con không được phân mua sách giáo khoa, vậy con ở thành phần nào? Bà nói với tôi: Bố con không phải phản quốc, con cứ tin là như vậy” – bà Giang xúc động kể lại.
Sau 3 năm hoạt động bí mật, và khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết, theo chỉ thị của tổ chức, ông đi theo con đường của địch và hoạt động tại Sài Gòn với tên Nguyễn Văn Tá (hay còn gọi là Ba Quốc), mang theo người vợ thứ 2 là bà Ngô Thị Xuân.
Tại Sài Gòn, với vỏ bọc Nguyễn Văn Tá, ban đầu ông chỉ làm nhân viên kế toán. Nhưng với sự nhạy bén chính trị và khả năng thích ứng phi thường, ông từng bước tiếp cận và chiếm được lòng tin của Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở nghiên cứu Chính trị, thực chất là cơ quan mật vụ cốt cán của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Từ một nhân viên bình thường, ông Ba Quốc dần lên cao trong chức vụ, trở thành phụ tá tin cậy của Trần Kim Tuyến, sau này mang quân hàm Đại úy của Phủ Đặc uỷ Trung ương Tình báo Ngụy.

Thiếu tướng Đặng Trần Đức hoạt động với vỏ bọc là Nguyễn Văn Tá.
Quá trình xây dựng vỏ bọc này rất khó khăn và nguy hiểm, đòi hỏi ông phải đối mặt với sự kiểm tra gắt gao từ địch, thậm chí cả những máy kiểm tra nói dối tối tân của Mỹ.
Trung tướng Dương Xuân Vinh, nguyên Chính ủy Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng, khẳng định: "Điều này thể hiện rõ phẩm chất, năng lực đặc biệt của Đặng Trần Đức. Cái đặc biệt của cụ là tình báo chiến lược của cộng sản chui vào trong Phủ Đặc ủy trung ương Tình báo Ngụy. Một điều chưa từng có".
Suốt 24 năm hoạt động trong hàng ngũ địch, từ vị trí hiểm yếu đó, Thiếu tướng Đặng Trần Đức thu thập được rất nhiều thông tin chiến lược quý báu, đặc biệt là tình hình quân sự tại các chiến trường miền Nam và các hoạt động mật của chính quyền Sài Gòn.
Ông Ba Quốc có điều kiện theo dõi toàn bộ các hoạt động tình báo, gián điệp của Ngụy quân, Ngụy quyền ở miền Nam và đặc biệt là các thám tử, tình báo của địch. Theo Trung tướng Dương Xuân Vinh, số lượng, giờ giấc, địa điểm hoạt động của tình báo địch đều được ông thông báo trước, giúp ích cực kỳ lớn cho cách mạng của ta.
Bên cạnh việc thu thập thông tin, ông còn trực tiếp thực hiện nhiều nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm. Đáng kể có việc ông từng cứu hoàng thân Campuchia thoát chết trong một vụ ám sát. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ nguy hiểm và mang tính quyết định nhất, thể hiện sự bản lĩnh và dám phá vỡ quy tắc đơn tuyến vì nhiệm vụ, là việc ông cứu đồng chí Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư của Đảng) khi ông Linh đang làm Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định.
Trung tướng Dương Xuân Vinh kể lại: "Khi phát hiện ông Linh đang ở tiệm sửa radio, ông lập tức tới đó, báo hiệu nguy hiểm, giúp đồng chí Linh rút lui an toàn".
Hai người vợ, hai tuyến lửa và sự hy sinh đồng lòng
Đằng sau những chiến công xuất sắc của nhà tình báo Đặng Trần Đức là sự hy sinh, chịu đựng phi thường của những người thân yêu để bảo vệ "vỏ bọc" cho ông hoạt động. Cuộc đời hoạt động tình báo kéo dài gần 24 năm của ông đã có bóng dáng hy sinh của hai người vợ và hai gia đình ở hai miền Bắc - Nam.
Ở miền Bắc, bà Phạm Thị Thanh một mình nuôi con, chịu đựng những nghi kỵ và khốn khó. Ở miền Nam, bà Ngô Thị Xuân cùng các con âm thầm che chở và bảo vệ người chồng – người cha – hoạt động giữa vòng vây của kẻ thù.

Ông Ba Quốc và gia đình tại Sài Gòn khi đang hoạt động bí mật.
Sau khi bị lộ, vợ và con ông tại miền Nam bị bắt, bị tra tấn dã man. Nhưng trước sự tàn bạo của địch, họ vẫn giữ vững tinh thần, bảo vệ bí mật cho người tình báo. “Bố tôi kể lại, khi biết tin bị lộ, ông vẫn bình tĩnh. Ông đi bộ từ Đồng Tháp ra Bắc. Trước đó còn sắp xếp nếu nó bắt mợ Xuân với cậu Vũ khai thì khai như thế nào. Cuối cùng chúng nó bắt mợ Xuân và cậu Vũ vào tra tấn, giam cậu Vũ mất mấy tháng. Sáng ngày 1/5/1975, cả gia đình mới được gặp lại” – bà Giang xúc động nhớ.
Hành trình gian nan của ông Ba Quốc kết thúc đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, sau 21 năm xa cách, gia đình ông ở miền Bắc cuối cùng cũng được gặp lại người cha, người chồng thân yêu.

Ông Ba Quốc bên gia đình người vợ ngoài Bắc sau 21 năm xa cách được đoàn tụ.
Điều kỳ diệu và cảm động nhất là sự bao dung, thấu hiểu và tình yêu thương đã vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh và nhiệm vụ đặc biệt. Con gái cả, bà Chính Giang, kể lại sự chấp nhận phi thường của mẹ mình và bà Ngô Thị Xuân: "Mẹ tôi và mợ Xuân coi nhau như chị em, không oán trách bố tôi và cũng không kỳ thị mà chấp nhận các em tôi. Chúng tôi là con cũng không có sự cách biệt".
Trong cuốn sách Người thầy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhiều năm là lãnh đạo ngành tình báo quốc phòng và coi Thiếu tướng Đặng Trần Đức là người thầy của mình, viết về ông đầy trân trọng và sâu sắc.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: "Ông Ba Quốc có và làm được hai điều quan trọng nhất của cuộc đời mình đó là tình yêu và lý tưởng. Với ông, tình yêu không chỉ dành cho Tổ quốc, mà còn là tình yêu gia đình, tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng chỉ có một: điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước được độc lập, hòa bình, dân tộc được ấm no hạnh phúc".