
Trong triển lãm lần này, Nguyễn Như Đức (Đức Bẹt) mở ra hành trình khám phá huyền thoại về "Đất Mẹ" - của ý niệm chi phối đời sống tinh thần qua chất liệu sơn dầu và trường phái siêu thực. Anh thực hiện hành trình đó bằng chính ký ức của mình.
"Ngay cả trong không gian siêu thực, tôi vẫn tin rằng bất kỳ một ai cũng sẽ tìm thấy giao điểm cảm xúc trong triển lãm lần này. Mẹ, dù là mảnh đất quê hương, là người vợ, người con gái hay chính là người mẹ của ta, cũng có một vị trí thiêng liêng trong mỗi người, dù trừu tượng hay hữu hình", họa sĩ chia sẻ.

Họa sĩ Nguyễn Như Đức.
Nguyễn Như Đức sinh năm 1980 tại Hà Nội. Như rất nhiều người vẽ cùng thế hệ, anh trải nghiệm nhiều năm hội họa không thể "nuôi" được người sáng tác. Tay vẫn cầm cọ, nhưng anh đã làm đủ nghề để mưu sinh, trước khi phiêu bạt đến Hội An, ở lại, lập gia đình.
Suốt 11 năm qua, Đức duy trì một đời sống tằn tiện và vẽ. Ở tuổi gần 50, anh đối xử với tấm toan như điểm dừng chân của cuộc đời, không phải bàn đạp hay sản phẩm để tiến lên. Các bức tranh dày đặc chi tiết, tỉ mỉ về kỹ thuật, tốn nhiều tháng, nhiều năm để hoàn thành. Chúng được vẽ ở những khổ lớn, khó sưu tập, với ưu tiên: kể lại những giấc mơ về "Đất Mẹ".
Trong trường phái siêu thực, có một nhánh được định danh là "siêu thực hiện thực" (Veristic Surrealism). Những tác phẩm vẫn là kết quả của tiềm thức, giấc mơ và trí tưởng tượng, không tuân theo logic thông thường của thế giới thực. Nhưng dù được sắp đặt phi lý, các đối tượng của siêu thực hiện thực vẫn được vẽ chi tiết, chân thực và có thể nhận diện.
Trường phái siêu thực cho các tác giả quyền bóp méo và làm biến dạng chủ thể - nhằm biểu đạt tối đa thế giới nội tâm của họ. Nhưng có một số người vẫn đặc tả chính xác lại hình dáng của những cơ thể con người, nhành cây và cánh chim. Nguyễn Như Đức là một họa sĩ như thế.



Một số tác phẩm của nam họa sĩ.
Vì giấc mơ của Nguyễn Như Đức không xa rời hiện thực cuộc sống của chính anh. Đó không phải là những ẩn dụ lớn lao của vũ trụ, mà là giấc mơ đơn giản của kiếp người. Trước khi là một nghệ sĩ, Nguyễn Như Đức là một người đàn ông 45 tuổi đã nếm đủ thăng trầm và lưu lạc. Những cánh tay, những bầu ngực, những gương mặt anh vẽ trong tranh là những điều đã cho Đức chốn để trở về. Những nhành cây, quả chín, đám mây là những điều đã cho Đức nơi để nương náu. Đó là "Đất Mẹ" trong anh.
"Ý niệm về "Đất Mẹ" đã được khám phá nhiều lần trong hội họa Việt Nam, bởi rất nhiều trường phái và phong cách. Nhưng trường phái siêu thực hấp dẫn tôi, bởi nó cho phép tôi tạo ra một vũ trụ không biên giới, chứa đựng mọi ý niệm dù mơ hồ nhất về "Đất Mẹ"", Nguyễn Như Đức chia sẻ.
Triển lãm "Đất Mẹ" của Nguyễn Như Đức khai mạc từ ngày 3/7 và kéo dài đến ngày 9/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội và tiếp tục hành trình vào ngày 1/8 tại TP.HCM.