Phim

Dàn diễn viên "Chị Tư Hậu" sau hơn 6 thập kỷ giờ ra sao?

Ra mắt năm 1962, Chị Tư Hậu là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái, sáng tác năm 1958.

Chị Tư Hậu đã giành giải Bông Sen Vàng tại Việt Nam và đoạt Huy chương bạc tại Liên hoan Phim Quốc tế Moscow năm 1963.

Hơn 6 thập kỷ đã trôi qua, những gương mặt từng góp phần làm nên thành công của bộ phim kinh điển ấy - người còn, kẻ khuất - nhưng dấu ấn của họ vẫn sống mãi trong ký ức bao thế hệ khán giả.

NSND Trà Giang vai chị Tư Hậu

NSND Trà Giang - biểu tượng của điện ảnh cách mạng Việt Nam - đã ghi dấu ấn sâu đậm qua nhiều tác phẩm kinh điển, trong đó không thể không nhắc đến Chị Tư Hậu.

Trong phim, bà hoá thân thành nhân vật chị Tư Hậu - một người phụ nữ Nam Bộ - chịu nhiều đau thương khi bị giặc bắt bớ, cưỡng hiếp trong trại cá.

Dẫu vậy, chị không gục ngã mà kiên cường đứng dậy, tham gia cách mạng và trở thành một chiến sĩ kiên trung, biểu tượng cho phẩm chất bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến.

Dàn diễn viên Chị Tư Hậu sau hơn 6 thập kỷ giờ ra sao? - 1
NSND Trà Giang trong một cảnh phim "Chị Tư Hậu" (Ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam).

Nguyên mẫu của nhân vật chị Tư Hậu là bà Nguyễn Thị Huỳnh - một cán bộ lão thành cách mạng quê Khánh Hòa. Trong suốt những năm tháng kháng chiến, bà từng bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung hoạt động cách mạng cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Đạo diễn Phạm Kỳ Nam hiểu rằng, để đưa hình ảnh người phụ nữ kiên cường ấy lên màn ảnh một cách thuyết phục, ông cần tìm được một gương mặt hội tụ đủ sức mạnh nội tâm, chiều sâu cảm xúc và bản lĩnh nghề nghiệp.

Thế nhưng, hành trình tìm kiếm ấy không hề dễ dàng. Ông đã đi khắp miền Bắc, thử vai nhiều diễn viên nhưng vẫn chưa ai thực sự khiến ông hài lòng.

Chỉ đến khi tình cờ xem Một ngày đầu thu - bộ phim đầu tay của Trà Giang - ông mới đưa ra quyết định: "Đây chính là chị Tư Hậu mà tôi tìm kiếm!".

Ở tuổi đôi mươi, Trà Giang vừa rời giảng đường Trường Điện ảnh Việt Nam thì được trao vai chị Tư Hậu - một phụ nữ từng trải, đầy mất mát và dày dạn trong khói lửa chiến tranh. Khoảng cách giữa tuổi đời và nhân vật là một thử thách không nhỏ với bà.

Trong chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt, NSND Trà Giang kể: “Trong những ngày kháng chiến, tôi sống trong vùng chịu nhiều sự tàn phá, mẹ cũng bị bắt đi tù. Những đau thương từ trong gia đình và xã hội mà từ bé đã được chứng kiến, là một trong những yếu tố để tôi dễ dàng vào nhân vật chị Tư Hậu".

Bà cho biết, từ bé, có những lúc bà phải sống xa cha mẹ, từng tận mắt chứng kiến cảnh Tây bắn chết người, cảnh phụ nữ gào khóc vì mất chồng, mất con. Những hình ảnh chân thực ấy như những nhát dao cứa vào tim nữ nghệ sĩ và bà đã đưa tất cả vào vai diễn.

Chính những trải nghiệm dữ dội từ tuổi thơ, cộng với nỗ lực không ngừng và sự tận tâm tuyệt đối với nghề, đã giúp Trà Giang hóa thân xuất sắc thành chị Tư Hậu - một vai diễn kinh điển, trở thành dấu son rực rỡ trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Dàn diễn viên Chị Tư Hậu sau hơn 6 thập kỷ giờ ra sao? - 2
Sau hơn 60 năm, NSND Trà Giang tái hiện lại cảnh đan len trong "Chị Tư Hậu" (Ảnh: VTV).

Dù là một trong những gương mặt sáng giá nhất của điện ảnh cách mạng, NSND Trà Giang lại sớm nói lời chia tay với nghệ thuật thứ bảy sau khi tham gia 17 bộ phim.

Quyết định ấy để lại không ít tiếc nuối trong lòng khán giả - những người đã từng yêu mến hình ảnh “chị Tư Hậu”, “chị Dịu” hay “chị Vân” mà bà từng khắc họa đầy xúc động trên màn ảnh.

Sau khi rời xa màn ảnh, NSND Trà Giang trở lại trường Điện ảnh để truyền đạt kinh nghiệm diễn xuất cho thế hệ sau. Đến khi nghỉ hưu vào năm 1998, bà lại tìm thấy một niềm đam mê mới: Hội họa.

Nhiều năm qua, nữ nghệ sĩ sống một mình trong căn hộ chung cư tại TPHCM - không gian riêng tĩnh lặng để bà sinh hoạt và vẽ tranh.

“Hội họa đối với tôi cũng là một cách thiền. Và tôi nhìn cuộc đời như đứa trẻ lần đầu nhìn thấy, hội họa có cái bản năng nguyên khôi như tranh trẻ thơ chơi đùa với sắc màu…

Tôi vẽ giống như hơi thở, như sự vận động không ngừng nghỉ để khám phá bản chất của tâm thức, loại trừ mọi chất bẩn còn tồn đọng. Và đấy cũng là một phương pháp tu tập”, NSND Trà Giang chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Dù tuổi đã cao, vẻ đẹp đậm chất điện ảnh của “chị Tư Hậu” năm nào vẫn còn in dấu trên gương mặt bà - thần thái điềm tĩnh, nụ cười nhẹ và ánh mắt ấm áp như chứa đựng cả một thời hào quang lặng lẽ.

Nữ nghệ sĩ tâm sự rằng, dù thời trẻ đã “cháy” hết mình cho điện ảnh, nhiều năm qua, trong sâu thẳm, bà vẫn luôn nhớ nghề. Đôi khi, bà cũng muốn nhận lời tham gia một bộ phim nào đó, nhưng rồi đành gác lại vì tuổi tác không cho phép.

NSND Trần Phương vai Khoa - chồng chị Tư Hậu

Trong Chị Tư Hậu, NSND Trần Phương đảm nhận vai Khoa - chồng của chị Tư Hậu. Lúc đó, Trần Phương đã có gia đình, nổi tiếng với vai A Phủ trong bộ phim truyện Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc.

Dàn diễn viên Chị Tư Hậu sau hơn 6 thập kỷ giờ ra sao? - 3
NSND Trần Phương và NSND Trà Giang trong phim “Chị Tư Hậu” (Ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam).

Sau Chị Tư Hậu, ông tiếp tục đóng thành công nhiều vai diễn khác trong nhiều tác phẩm đã trở thành kinh điển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam như: Tơm phim Biển gọi (1967), Khiêm Tiền tuyến gọi (1969), Lực của Truyện vợ chồng anh Lực (1971), Tiệp trong Ngày lễ Thánh (1976)… Những vai diễn ấy đã góp phần khẳng định tên tuổi Trần Phương như một tượng đài diễn xuất, sánh vai cùng Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh trong dòng phim cách mạng.

Sau nhiều vai diễn, ông quyết định chuyển sang làm đạo diễn. Trần Phương từng làm phó đạo diễn cho 2 bộ phim nổi tiếng của NSND Trần Vũ là Chuyến xe bão tápNhững người đã gặp. Cả hai tác phẩm đều gặt hái thành công lớn, lần lượt giành Bông sen Bạc và Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam các năm 1977 và 1980.

Năm 1978, Trần Phương chính thức ra mắt bộ phim đầu tay với vai trò đạo diễn: Mưa rơi trên thành phố - một tác phẩm về đề tài an ninh, chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, do Mai Thanh viết kịch bản.

Năm 1979, Trần Phương tiếp tục ghi dấu lịch sử với Dưới chân núi trắng (hay Dưới chân trời trắng), được xem là bộ phim truyền hình màu đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam. Đến năm 1980, ông gây sốt với Tội lỗi cuối cùng, tác phẩm khiến khán giả cả Nam lẫn Bắc đổ xô đến rạp…

Trong thập niên 1990, khi trào lưu phim "mì ăn liền" bùng nổ, đạo diễn Trần Phương vẫn tích cực tham gia và để lại dấu ấn qua hàng loạt tác phẩm ăn khách như: Vụ án Hồ Con Rùa, Dòng thác, Săn bắt cướp, Thủ môn từ trên trời rơi xuống, Tình ngỡ đã phôi phai, Vệt sáng ngược, Hai năm nữa anh về

Nhiều bộ phim trong số này mang đề tài an ninh, góp phần định danh ông như một trong những đạo diễn có nhiều tác phẩm ấn tượng về thể loại này. Dù chạy song hành với dòng phim thị trường, Trần Phương vẫn luôn cố gắng giữ được sự cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thị hiếu khán giả.

Bước sang thập niên 2000, dù đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn miệt mài sáng tạo. Những bộ phim như: Đêm Bến Tre (về phong trào Đồng khởi ở miền Nam) hay Khi người ta yêu nhau tiếp tục cho thấy sức làm nghề bền bỉ và tâm huyết của ông với điện ảnh nước nhà.

Năm 2001, Trần Phương được trao tặng danh hiệu NSND. Sáu năm sau, ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các phim: Hi vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùngDòng sông hoa trắng.

Ngày 26/8/2020, đạo diễn Trần Phương qua đời tại một viện dưỡng lão ở Hà Nội, hưởng thọ 90 tuổi. Sự ra đi của ông khép lại một chương huy hoàng của điện ảnh cách mạng Việt Nam, nơi ông cống hiến cả đời với tâm thế nghệ sĩ tài hoa, bản lĩnh, và luôn dấn thân.

NSƯT Mai Châu vai chị Mười Hợi

Trong phim, NSƯT Mai Châu đảm nhận vai chị Mười Hợi. Sau vai diễn này, bà tiếp tục xuất hiện trong các bộ phim như: Đi bước nữa (1964), Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn (1969), Chuyện vợ chồng anh Lực (1972).

Thập niên 1970-1980 cũng là thời kỳ sôi nổi của điện ảnh cách mạng nước nhà với sức sáng tạo không mệt mỏi của các nghệ sĩ và Xưởng phim truyện Việt Nam.

Dàn diễn viên Chị Tư Hậu sau hơn 6 thập kỷ giờ ra sao? - 4
NSƯT Mai Châu trong phim "Chị Tư Hậu" (Ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam).

Giai đoạn này, những vai diễn ấn tượng, ghi dấu ấn khó quên của Mai Châu có thể kể đến như: Bà Nghị Quế keo kiệt, thủ đoạn trong Chị Dậu, bà Phó Đoan đầy mưu mô trong Sao Tháng Tám, vợ Bá Kiến của Làng Vũ Đại ngày ấy, hay Hoàng Thái Hậu - người đàn bà quyền lực nhưng đầy toan tính - trong Hoàng Lê Nhất thống chí

NSƯT Mai Châu đã cống hiến cho điện ảnh đến tận khi bà hơn 80 tuổi, với bộ phim cuối cùng là Bi, đừng sợ. Dù khi ấy sức khỏe đã yếu đi và các con cũng lo lắng khuyên bà dừng lại, nhưng đối với nữ nghệ sĩ, việc từ bỏ diễn xuất là điều vô cùng khó khăn.

3h10 sáng 24/5, NSƯT Mai Châu qua đời, hưởng thọ 98 tuổi. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Vũ Phương Lan, con gái út của bà, nói rằng những ngày cuối đời, nữ nghệ sĩ gạo cội phải chống chọi với bệnh tật, đặc biệt là viêm phổi và đã nhiều lần phải nhập viện điều trị.

Sự ra đi của NSƯT Mai Châu để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho gia đình, đồng nghiệp và khán giả, những người đã yêu mến và ngưỡng mộ tài năng cũng như sự cống hiến của bà cho nền điện ảnh nước nhà.

Các tin khác

Trần Kiều Ân nổi giận

Trần Kiều Ân liên tục bị giục sinh con. Nữ diễn viên chia sẻ cô không muốn dành thời gian chăm sóc trẻ nhỏ.

Bi kịch của Á hậu Hong Kong mắc ung thư

Á hậu Hong Kong 1998 Ngô Hãn Hy phải bán đồ đạc trong nhà để có thêm tiền trang trải viện phí chữa bệnh ung thư. Dù lâm vào tình cảnh khó khăn, cô vẫn giữ tinh thần lạc quan.

BLACKPINK hứng làn sóng phẫn nộ dữ dội

BLACKPINK vừa phát hành MV cho ca khúc JUMP, nhưng sản phẩm nhanh chóng vấp phải hàng loạt chỉ trích từ cộng đồng người hâm mộ, trong đó nhiều tranh cãi liên quan đến AI.

Căng thẳng leo thang với nhà Beckham

Brooklyn Beckham và Nicola Peltz được phát hiện không còn theo dõi hai em trai trên mạng xã hội. Cruz cũng có động thái tương tự. Romeo không thay đổi gì nhưng ẩn ý muốn buông bỏ mối quan hệ. Trong bối cảnh bất hòa gia đình leo thang, cư dân mạng nổ ra tranh luận có phải vợ chồng Beckham giáo dục con cái sai cách.

Hàng chục nữ tác giả viết truyện đam mỹ bị bắt

Thời gian qua, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ hàng chục nữ tác giả trẻ chuyên viết truyện khiêu dâm đồng tính nam (thường được gọi là truyện 'boy's love' - đam mỹ). Động thái này nằm trong chiến dịch trấn áp nội dung khiêu dâm trực tuyến tại xứ tỉ dân.