Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL, với khoảng 1,9 tỉ người Hồi giáo trên toàn thế giới và dự báo đến năm 2030 ước tính 2,2 tỉ người, chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu, du lịch Halal đóng góp khoảng 335 tỉ USD vào ngành du lịch thế giới. Nhiều quốc gia đã và đang triển khai các chính sách nhằm thu hút khách du lịch Hồi giáo.

Phun nước chào mừng máy bay của Hãng hàng không Emirates đến TP.Đà Nẵng đầu tháng 6.2025
ẢNH: NGUYỄN TÚ
Tại Việt Nam, từ năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030", tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành Halal. Trong xu thế đó, TP.Đà Nẵng cũng đang hướng tới xây dựng hình ảnh về một điểm đến du lịch thân thiện với người Hồi giáo.

Du khách Trung Đông được tặng quà khi xuống sân bay Đà Nẵng
ẢNH: NGUYỄN TÚ
Thực tế 10 năm trở lại đây, TP.Đà Nẵng đã có cơ hội đón tiếp và phục vụ nhiều khách Hồi giáo. Năm 2024, trong hơn 4 triệu lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng, có đông đảo người theo đạo Hồi ở một số quốc gia như Ấn Độ (gần 200.000 người), Malaysia (hơn 131.000 người), Indonesia (gần 40.000 người), Ả Rập Saudi (gần 4.000 người), Iran (hơn 2.600 người)...
Ông Tán Văn Vương, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL đánh giá, Trung Đông là một trong những thị trường quốc tế giàu tiềm năng mà TP.Đà Nẵng đã tích cực xúc tiến thời gian qua. Từ tháng 6 hãng hàng không hàng đầu thế giới Emirates Airlines đã mở đường bay Dubai - Bangkok - Đà Nẵng với tần suất 4 chuyến/tuần. "Việc mở đường bay diễn ra trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE ký kết được đánh giá là bước đi chiến lược, nâng cao vị thế du lịch miền Trung Việt Nam trên bản đồ quốc tế. Đồng thời, thu hút nhóm khách cao cấp từ Trung Đông và châu Âu, phù hợp định hướng phát triển và đa dạng hóa thị trường du lịch của Đà Nẵng, phù hợp hệ sinh thái sản phẩm - dịch vụ có chất lượng ngày càng cao mà thành phố hướng đến và cộng đồng doanh nghiệp đã đầu tư thời gian qua", ông Tán Văn Vương nhấn mạnh.
Trước nhu cầu ngày càng cao về du lịch Halal, Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng đã gia tăng nhu cầu dịch vụ du lịch chuyên biệt, thúc đẩy thu hút, phát triển các ngành liên quan đến Halal như công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, giáo dục và đào tạo, dịch vụ tư vấn các chứng nhận, các dịch vụ ngân hàng và tài chính Hồi giáo…

Du khách Dubai đến TP.Đà Nẵng
ẢNH: NGUYỄN TÚ
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng, cho biết để chuẩn bị cho làn sóng du khách mới từ thị trường được xem là khối khách sang, nhóm siêu giàu từ Trung Đông, đơn vị đã phối hợp các bên liên quan tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho nhân viên các bộ phận của cơ sở kinh doanh du lịch về văn hóa phục vụ, cách ứng xử cơ bản khi chào hỏi, giao tiếp và phục vụ khách Hồi giáo.
Các khách sạn, nhà hàng, khu điểm du lịch được cung cấp tài liệu, hỗ trợ chuyên gia hướng dẫn nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn về dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo để chuẩn bị đầy đủ các khu vực đón tiếp, không gian cầu nguyện, buồng ngủ… đáp ứng yêu cầu của người Hồi giáo.