
Hai chú ngựa ô Superman và Sinners vẫn không thể chứng minh nhu cầu của khán giả toàn cầu, vì doanh thu của chúng chủ yếu đến từ thị trường Mỹ - Ảnh: DC/Warner Bros
Chỉ vài năm trước, một bộ phim siêu anh hùng hoặc kinh dị ra rạp là đủ để kéo khán giả nườm nượp đến rạp.
Thế nhưng quy luật thoái trào dường như đang diễn ra với Hollywood, khi hai thể loại từng thống trị phòng vé giờ đây đang bộc lộ dấu hiệu mệt mỏi.
Theo các chuyên gia chia sẻ với The Hollywood Reporter, sự xuống sức này không đến từ việc khán giả chán siêu anh hùng hay những cảnh hù dọa giật gân, mà bởi chất lượng ngày càng thiếu đột phá của các bộ phim thuộc dòng này.
"Khán giả không từ bỏ siêu anh hùng hay kinh dị, họ chỉ không còn chấp nhận những bộ phim chất lượng trung bình nữa. Người xem ngày càng khắt khe và chỉ muốn bỏ tiền cho những trải nghiệm điện ảnh thực sự" - Mike Barstow, phó chủ tịch hệ thống rạp ACX Cinemas, nói.
Công thức thành công của phim kinh dị và siêu anh hùng đã vô dụng
Vẫn có những tác phẩm chứng minh rằng nếu đầu tư bài bản, siêu anh hùng hay kinh dị vẫn là những "mỏ vàng". Superman của James Gunn đã thu về 426 triệu USD và Sinners - hiện tượng kinh dị của năm - đã cán mốc 365 triệu USD.
Song không phải phim nào cũng may mắn như vậy. Chỉ trong nửa đầu năm 2025, hàng loạt phim kinh dị từ Blumhouse như M3GAN 2.0, Wolf Man, Drop đều lỗ nặng, chỉ đạt doanh thu từ 23 đến 37 triệu USD. Tác phẩm kinh dị hài đen của A24 là Death of a Unicorn thậm chí chỉ thu về 16 triệu USD.

Khổ nhất là M3GAN 2.0, phim từng gây sốt mạng xã hội năm 2023 trở lại và lỗ nặng vì thử nghiệm đổi sang thể loại kinh dị - hành động - Ảnh: Blumhouse
"Thị trường có một lượng khán giả trung thành với phim kinh dị", nhà phân tích phòng vé Shawn Robbins từ Fandango cho biết. "Nhưng nếu không có sự đột phá, doanh thu sẽ giậm chân tại chỗ".
Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn cùng chủ đề với Variety, nhà sản xuất Jason Blum - người đứng sau đế chế Blumhouse - cũng thừa nhận: "Hiện tại, thị trường có quá nhiều phim kinh dị. Trước đây chúng tôi tung ra 12-15 phim mỗi năm và đa phần đều sinh lời, còn giờ thì không".
Đối với phim siêu anh hùng, sự sa sút diễn ra rõ rệt sau đại dịch COVID-19, một phần do sự bội thực nội dung khi phim điện ảnh và truyền hình Marvel liên tục ra mắt.

Doanh thu của Thunderbolts* và Captain America: Brave New World lần lượt là 382 và 415 triệu USD, đồng nghĩa với việc lỗ nếu tính cả chi phí phát hành, quảng bá - Ảnh: Marvel
Theo nhận định của Forbes, nếu như trước đây chỉ cần là phim Marvel là sẽ thắng, thì giờ đây cả Thunderbolts* lẫn Captain America: Brave New World đều chỉ mang về doanh thu sát nút so với chi phí sản xuất.
Các phim này không đủ tạo dấu ấn giữa một "rừng" các siêu phẩm hao hao về nội dung và kết cấu. Không chỉ khán giả Mỹ mà cả fan Việt cũng đã chán với những mô típ quen thuộc này. Khi Thunderbolt* ra mắt, nhiều fan Marvel đã tuyên bố bỏ qua phim vì không còn hứng thú với "công thức" của MCU.
Bài toán khó giải về chất lượng
Ngược lại, Superman (2025) được khen ngợi vì phá vỡ công thức cũ. Nhiều fan đánh giá nhân vật Superman lần này rất khác - yếu đuối hơn, dễ tổn thương hơn, và đôi khi thất bại. Chính sự nhân văn và chiều sâu cảm xúc đã giúp bộ phim tạo tiếng vang lớn.
Nhiều fan DC cũng sẵn sàng ra rạp để chứng kiến khởi đầu mới của vũ trụ này, vốn đã bao trùm trong phong cách làm phim tối tăm của Zack Snyder suốt 1 thập kỷ.

Superman và Fantastic Four đều là những bước đi ra ngoài lối mòn của Marvel và DC, với mong muốn lấy lại niềm tin đang giảm nhanh chóng của khán giả - Ảnh: Marvel/DC
Đại diện Marvel - Kevin Feige - thừa nhận hãng đã "quá tải nội dung" sau 2019, khi trong vòng 5 năm tung ra hơn 100 giờ phim, gấp đôi thời lượng từ 2007 đến 2019. Chiến lược mới của Marvel là tiết chế, với chỉ 3 phim từ nay đến 2027, tập trung vào các thương hiệu lớn như Avengers hay Spider-Man.
Trong khi đó, DC cũng đang trong quá trình gầy dựng lại niềm tin khán giả sau chuỗi thất bại của vũ trụ điện ảnh cũ. Tuy Superman đã ghi điểm, nhưng hai dự án tiếp theo là Supergirl và Clayface với nhân vật ít tiếng tăm hơn vẫn là những canh bạc lớn.
Tóm lại, khán giả ngày càng tỉnh táo hơn trước những thương hiệu từng "một bước lên mây" nhưng thực ra lại trống rỗng và nhàm chán.
Trong thời đại hậu đại dịch, định nghĩa phép màu phòng vé đã không còn, và những nhà đầu tư của Hollywood cũng ngày càng cẩn trọng hơn khi chọn lựa bước đi tiếp theo của mình.