Đức Đạt Lai Lạt Ma là vị thứ 74 trong một dòng truyền thừa, được bắt nguồn từ một cậu bé Bà La Môn, sống trong thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Năm 1989, ông được trao giải Nobel Hòa bình vì cam kết không ngừng nghỉ đối với các giải pháp hòa bình dựa trên lòng khoan dung và tôn trọng lẫn nhau, nhằm bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử Tây Tạng.
Lấy lòng từ bi, khoan dung làm triết lý sống và nền tảng đạo đức của mọi tôn giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn muốn khơi dậy, nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, hướng con người và thế giới tới hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại.
Đó cũng là nội dung cốt lõi ông đưa ra trong cuộc hội thảo Tâm thức và Đời sống lần thứ 3 tại Dharamsala vào năm 1990. Tại hội thảo này, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có "hành trình đối thoại sâu sắc" với các nhà khoa học hàng đầu thế giới về tâm lý học, triết học, thần kinh học, khoa học thực nghiệm, sinh học…

Nội dung cuộc hội thảo này đã được tác giả, Tiến sĩ Harvard - Daniel Goleman ghi chép lại trong cuốn sách Những cuộc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma về chánh niệm, cảm xúc và chữa lành. Sách do nghiên cứu sinh Ngọc Vinh chuyển ngữ, Thạc sĩ Mai Việt Thắng hiệu đính ra mắt đúng vào dịp chào mừng Đại lễ Vesak 2025.
Với 6 phần và 12 chương, cuốn sách là kho tàng kiến thức tác động đến tâm thức và suy nghĩ của độc giả bằng thứ ngôn ngữ chính xác, thực tế và quan trọng hơn hết là dựa trên những nghiên cứu khoa học thực nghiệm.
Những cuộc đối thoại trong sách mở ra góc nhìn mới, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách chánh niệm có thể điều hướng cảm xúc, nuôi dưỡng sự cân bằng và tạo nên một tâm hồn tĩnh lặng giữa những biến động của đời sống.


