Nhạc

Cầu truyền hình ‘Vang mãi khúc khải hoàn’ tái hiện trang sử hào hùng của dân tộc

Tóm tắt:
  • Chương trình truyền hình cấp quốc gia “Vang mãi khúc khải hoàn” diễn ra ngày 27/4 tại ba địa điểm.
  • Gồm ba chương: “Khát vọng hoà bình”, “Ý chí độc lập”, “Ta tự hào đi lên”.
  • Các điểm cầu thể hiện quá khứ, hiện tại và thành tựu đất nước qua các hình thức nghệ thuật đa dạng.
  • Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và các phóng sự lịch sử dài 20 năm.
  • Đặc biệt, có cuộc gặp gỡ và trao kỷ vật xúc động giữa cựu binh Mỹ và gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Chương trình gồm 3 chương: “Khát vọng hoà bình”, “Ý chí độc lập thống nhất” và “Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam”. Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tái hiện trang sử hào hùng của dân tộc, thể hiện những bài học lịch sử, tinh thần đoàn kết, đồng thời nêu bật được thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.

Nhà báo Bùi Thu Thuỷ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Văn hoá – Giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn đây là chương trình thể hiện được khát vọng hoà bình cũng như ý chí độc lập của Việt Nam. Ngày nay, sau 50 năm đất nước phát triển, chúng tôi truyền tải thông điệp niềm tự hào về sự phát triển, thịnh vượng của đất nước”.

Tổng duyệt chương trình tại cầu Hà Nội.

Tổng duyệt chương trình tại cầu Hà Nội.

Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn gồm 3 điểm cầu tại Hà Nội, Quảng Trị và TP.HCM. Đài THVN đã triển khai các chuyến khảo sát, lựa chọn 3 địa danh ý nghĩa, có sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

Công viên Thống Nhất, đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khánh thành năm 1961, là biểu tượng lịch sử của khát vọng hoà bình, Bắc Nam sum họp. Di tích Quốc gia đặc biệt Khu vực Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải (Quảng Trị) là biểu tượng cho ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thiết tha yêu hòa bình. Công viên Bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức (TP.HCM) là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện sức sống của một thành phố anh hùng, năng động, sáng tạo.

Các tiết mục nghệ thuật trong Vang mãi khúc khải hoànđược dàn dựng quy mô hoành tráng tại 3 miền Bắc-Trung-Nam với hình thức thể hiện đa dạng: MV, thực cảnh, hoạt cảnh…, cùng nhiều màu sắc âm nhạc phong phú, tái hiện những trang sử hào hùng của đất nước.

Chùm ca khúc được lựa chọn trong chương trình đưa khán giả trở lại những dấu mốc lịch sử đầy tự hào: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Giải phóng miền Nam, Trên công trường rộn tiếng ca, Hà Nội niềm tin hy vọng, Tiến về Sài Gòn, Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam, Quê hương Việt Nam…

Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Hồng Liên, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Hoàng Tùng, NSƯT Phạm Thế Vĩ, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Khánh Linh, Anh Bằng, S. Jmi Ko, Tăng Thành Nam, Anh Tú, Hà Lê, ca nương Kiều Anh, Hoàng Dũng, Suboi, Thanh Lê, Thanh Nguyên - Trúc Lai - My Phôn - Cao Công Nghĩa - Tùng Lâm - Minh Sang - Leo Minh Tuấn - Thành Tâm...

Tổng duyệt chương trình ở TP.HCM

Tổng duyệt chương trình ở TP.HCM

Cùng góp phần tái hiện những năm tháng lịch sử của đất nước là những phóng sự trải dài suốt 20 năm, cùng sự xuất hiện của nhiều nhân chứng lịch sử, giúp khán giả, đặc biệt là những người trẻ hiểu rõ bối cảnh lịch sử buộc nhân dân ta phải cầm súng để bảo vệ độc lập, thể hiện ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.

Đó là những phóng sự về sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, Lễ xuất quân thanh niên xung phong tại Nhà hát Lớn, Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, trận chiến ở Quảng Trị năm 1972, Hà Nội Điện Biên Phủ trên không 1972, Hiệp định Paris 1973, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Tổng duyệt chương trình tại cầu Quảng Trị

Tổng duyệt chương trình tại cầu Quảng Trị

Đáng chú ý, tại điểm cầu TP.HCM sẽ có cuộc gặp gỡ và trao lại kỷ vật giữa một cựu binh người Mỹ và một gia đình liệt sĩ ở Việt Nam. Ông Adolph Novello khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã thu giữ lại được nhiều giấy tờ. Ông đã mang những kỉ vật và giấy tờ đó về Mỹ, cất giữ trong một chiếc hộp suốt 50 năm và có nguyện vọng mang những giấy tờ và kỉ vật này trao lại cho thân nhân của liệt sĩ.

Cuộc gặp gỡ, trao kỷ vật người thân ngay tại sân khấu của chương trình là một điểm nhấn đầy cảm xúc về sự thấu hiểu, đồng cảm và mong muốn khép lại quá khứ, hướng đến tương lai.

Các tin khác

Nữ diễn viên đóng vai ni cô Huyền Trang trong "Biệt động Sài Gòn" giờ ra sao?

"Biệt động Sài Gòn" ra mắt năm 1986 kể về cuộc chiến nổi bật của lực lượng biệt động Sài Gòn trong sự kiện Tết Mậu Thân và công cuộc Kháng chiến chống Mỹ của quân Giải phóng tại miền Nam Việt Nam. Hơn bốn thập kỷ trôi qua, "Biệt động Sài Gòn" vẫn là một tượng đài trong lòng nhiều thế hệ yêu điện ảnh, gợi nhắc về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

"Concert quốc gia" là gì mà bùng nổ mạng xã hội đến vậy

Cụm từ "Concert quốc gia" bùng nổ trên mạng xã hội dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi lễ diễu binh không chỉ là sự kiện nghi lễ, mà còn trở thành "Concert" trong cảm nhận người trẻ, cũng là lúc lịch sử được tiếp nối bằng nhịp đập mới, trẻ trung và bền bỉ.

Loại đồ uống bất ngờ gây sốt dịp 30/4 - 1/5 và câu chuyện phía sau

Trà cam quế lạnh, cold brew bưởi hồng,... đang bất ngờ "gây bão" trong dịp lễ 30/4 - 1/5, nhất là với những người ở đô thị. Không cần khẩu hiệu to tát, chính cách sáng tạo thông minh của thế hệ trẻ người Việt đã nói lên: "Lòng yêu nước đang được thể hiện theo cách thức của thời đại mới".