Phim

Các phim lấy cảm hứng cuộc đời Giáo hoàng Francis

Tóm tắt:
  • Giáo hoàng Francis là nguồn cảm hứng cho nhiều phim tài liệu và hư cấu.
  • Các phim thể hiện sự khiêm nhường, lòng thương cảm và cuộc đời tận tụy của ông.
  • Phim phản ánh các giai đoạn khó khăn, đấu tranh và các chuyến đi của ông trên thế giới.
  • Nhiều dự án làm rõ nội tâm, các trăn trở và tinh thần nhân đạo của vị Giáo hoàng.
  • Các tác phẩm còn khám phá những mâu thuẫn nội bộ trong Giáo hội Công giáo.

Tòa thánh Vatican thông báo Giáo hoàng qua đời ở tuổi 88 hôm 21/4, khiến nhiều người trên thế giới tiếc thương. Theo Vatican News, ông yêu thích phim ảnh và nghệ thuật, nhiều lần nói về vai trò thiết yếu của nghệ sĩ với lịch sử, xã hội. Trang ScreenRantEl Pais điểm lại các phim về Giáo hoàng, đề cao sự khiêm nhường và lòng thương cảm dành cho nhân loại.

Francis: Pray for me (2015)

Trailer "Francis: Pray for Me" (2015). Video: Star Entertainment Trailers

Phim của đạo diễn Beda Docampo Feijóo xoay quanh năm tháng thiếu niên của Giáo hoàng Francis tại Buenos Aires (Argentina). Sau đó, phim theo chân nhà báo người Tây Ban Nha tên là Ana (Silvia Abascal đóng) từ lúc gặp ông lần đầu trong Mật nghị Hồng y năm 2005, đến khi được bổ nhiệm làm Giáo hoàng vào năm 2013.

Qua góc nhìn của Ana, những khía cạnh về Giáo hoàng được bộc lộ. Khi còn được gọi là Cha Jorge (ông tên thật là Jorge Mario Bergoglio), ông luôn đấu tranh, lên tiếng cho người nghèo. Dù có nhiều chi tiết đơn giản hóa, chưa thật sự làm nổi bật con người Giáo hoàng, tác phẩm vẫn để lại dấu ấn khi phác họa cuộc đời tận tụy của ông. Theo trang La Nación, trước khi phim bấm máy, diễn viên Darío Grandinetti có cuộc trao đổi ngắn với Giáo hoàng Francis tại Vatican, nhằm truyền tải chính xác tinh thần nhân vật.

Call Me Francis (2015-2016)

Poster phim Call Me Francis. Ảnh: Medusa

Poster phim "Call Me Francis". Ảnh: Medusa

Đạo diễn người Italy Daniele Luchetti thực hiện phiên bản điện ảnh và series bốn phần (tên gốc là Chiamatemi Francesco). Cả hai phim thuật lại những sự kiện trước khi ông được bổ nhiệm làm lãnh đạo Tòa Thánh. Tác phẩm khắc họa những khó khăn Giáo hoàng phải đối mặt, nỗ lực bảo vệ người dân khỏi sự đàn áp của chế độ độc tài quân sự. Theo ScreenRant, êkíp khám phá khía cạnh nhân văn và tinh thần của ông, cho thấy tư tưởng và lòng trắc ẩn.

Trên AFP, đạo diễn Daniele Luchetti cho biết nghiên cứu nhiều tư liệu về lịch sử Argentina - nơi ông sinh ra - lẫn các sự kiện gắn liền cuộc đời Giáo hoàng. Bản điện ảnh được vinh danh là "Phim Italy của năm" tại Liên hoan phim Capri Hollywood 2015.

Pope Francis: A Man of His Word (2018)

Trailer "Pope Francis: A Man of His Word". Video: Focus Features

Dự án của đạo diễn người Đức Wim Wenders công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Cannes 2018, theo chân Giáo hoàng Francis trên các chuyến đi, kết hợp phỏng vấn ông.

Suốt phim, Giáo hoàng Francis thảo luận về nhiều chủ đề. Ngài nhìn thẳng vào máy quay, tạo cảm giác như đang nói chuyện trực tiếp với khán giả. Xen kẽ lời nói là nhiều cảnh ông đi thăm nhà tù và bệnh viện, phát biểu trước công chúng. El Pais nhận xét lối dẫn chuyện có sự tinh tế, thuyết phục người xem. Tác phẩm cung cấp góc nhìn mới về Giáo hoàng Francis khi ông trích dẫn văn học của Dostoevsky, thường xuyên pha trò, phản đối sự ngược đãi của con người với thiên nhiên.

Trên National Post, Wim Wenders nói nhận được lời mời làm phim từ Vatican. Trong ngày quay đầu tiên, ông và êkíp lo lắng trước giờ gặp Giáo hoàng. Sau đó, Wenders bất ngờ khi Giáo hoàng đến địa điểm ghi hình một mình, bắt tay từng người trong êkíp.

The Two Popes (2019)

Trailer "The Two Popes". Video: Netflix

Tác phẩm do Fernando Meirelles đạo diễn, nhận đề cử Oscar 2019 hạng mục Kịch bản xuất sắc cho Anthony McCarten, Nam phụ xuất sắc (Anthony Hopkins - vai Giáo hoàng Benedict XVI) và Nam chính xuất sắc (Jonathan Pryce - vai Giáo hoàng Francis). Nội dung xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa hai người: Giáo hoàng Benedict đang suy nghĩ về việc từ chức, còn Giáo hoàng Francis khi đó vẫn là Hồng y. Họ dành một ngày để thảo luận về đức tin, giáo lý và lịch sử.

Phim mang đến nhiều tình tiết hài hước, khám phá trăn trở của Giáo hoàng Francis về quá khứ. Trang El Pais đánh giá: "Bằng việc hư cấu câu chuyện, dự án làm rõ những chia rẽ trong Giáo hội Công giáo La Mã, giữa phe bảo thủ với phe cải cách".

Francesco (2020)

Trailer "Francesco". Video: Francesco Film

Dự án tài liệu do đạo diễn Nga Evgeny Afineevsky thực hiện, đào sâu những nỗ lực của Giáo hoàng Francis trong việc truyền thông điệp về tình yêu, bình đẳng cho mọi người. Qua tác phẩm, Afineevsky cho thấy tình cảm Giáo hoàng dành cho những người tị nạn và áp bức. Ông gặp gỡ người Hồi giáo Rohingya di cư khỏi Myanmar, thăm trại tị nạn trên đảo Lesbos ở Hy Lạp.

The Letter: A Message for our Earth (2022)

Trailer "The Letter: A Message for our Earth" (2022). Video: YouTube Originals

Phim tài liệu của Nicolas Brown mô tả mối quan tâm của Giáo hoàng Francis về vấn đề môi trường. Trong "Laudato Si" - thông điệp của Giáo hội về sinh thái học và biến đổi khí hậu với chủ đề "Sự chăm sóc dành cho ngôi nhà chung của chúng ta" năm 2015, Giáo hoàng kêu gọi thế giới hành động, chỉ trích những người đặt lợi nhuận lên trên con người. Ông nhấn mạnh biến đổi khí hậu có nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị và phân phối hàng hóa.

Đạo diễn làm việc cùng năm nhà hoạt động môi trường đến từ khu vực rừng Amazon, Ấn Độ, Senegal và Hawaii khi họ chuẩn bị gặp gỡ Giáo hoàng. Trang ScreenRant nhận định dự án có góc nhìn độc đáo khi cho thấy nỗ lực thúc đẩy phá vỡ các khuôn mẫu truyền thống trong Giáo hội.

In Viaggio, Traveling with Pope Francis (2022)

Trailer "In Viaggio, Traveling with Pope Francis". Video: Magnolia Pictures

Đạo diễn tài liệu nổi tiếng của Italy, Gianfranco Rosi, đồng hành Giáo hoàng trong nhiều chuyến đi để ghi lại thước phim về ngài. Trong chín năm đầu tiên tại nhiệm, ông thực hiện 37 chuyến thăm đến 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đan xen các bài phát biểu của Giáo hoàng Francis là tư liệu của đạo diễn Gianfranco Rosi về người di cư, trích từ tác phẩm như Fire at SeaNotturno. Theo giới chuyên môn, đạo diễn không né tránh những tin đồn vây quanh Giáo hoàng. Ngoài ra, ông làm nổi bật chân dung một người rong ruổi khắp thế gian để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng. Năm 2023, dự án được đề cử giải David di Donatello, giải thưởng thường niên của Viện Hàn lâm Điện ảnh Italy.

Conclave (2024)

Trailer "Conclave". Video: Focus Features

Phim của đạo diễn Edward Berger giành giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc Oscar 2025. Trong phim, một Hồng y lấy cảm hứng từ Giáo hoàng Francis, Benitez (Carlos Diehz), trở thành nhân vật quan trọng. Giống The Two Popes, tác phẩm chỉ ra những chia rẽ trong Giáo hội về vấn đề giới tính, quyền lực và ý nghĩa của đức tin. Dự án pha trộn nhiều chi tiết hài hước lẫn xúc động, kịch tính. Thông qua đó, nhà làm phim đặt câu hỏi: Liệu những giá trị truyền thống có thể đứng vững trước những cuộc đấu đá nhằm giành lấy vị trí tối cao trong Giáo hội?

(theo El Pais, ScreenRant)

Các tin khác

Lời xin lỗi ngày càng mất giá ở showbiz Việt!

Công chúng không đòi hỏi nghệ sĩ không bao giờ được sai. Nhưng điều họ mong đợi là mỗi lần cúi đầu, sẽ là một lần nghệ sĩ trưởng thành hơn. Thế nhưng hiện tại, lời xin lỗi đang bị xài hao – nhiều đến mức mất mục đích cơ bản của nó là cầu thị và sửa sai.

Trend yêu nước phủ đỏ mạng xã hội

Những ngày này, nhiều trào lưu bày tỏ lòng yêu nước được lan tỏa khắp mạng xã hội. Các nghệ sĩ cũng góp phần truyền đi thông điệp tích cực về lòng tự tôn dân tộc. Hình ảnh NSND Xuân Bắc đặt lá cờ Tổ quốc lên ngực, video "Hòa bình đẹp lắm" của hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy, Hà Myo gây sốt mạng xã hội.

"Karma" - vòng xoay nghiệp quả

Vụ án con giết cha đoạt bảo hiểm kéo sáu người tưởng chừng xa lạ vào vòng xoáy báo ứng, trong phim "Karma".

Anime Look Back thắng Phim hoạt hình xuất sắc

Một số tin tức nổi bật: Anime Look Back thắng giải Phim hoạt hình xuất sắc; Trần Nghĩa lên tiếng sau tranh cãi tình cảm trong Cha tôi, người ở lại; Xuân Bắc làm thơ nhớ bạn thân Tự Long...